Giải pháp phun xịt thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị phun xịt di chuyển trên cáp dẫn điều khiển từ xa

Hiện nay, lúa nước là cây nông nghiệp chủ lực của Việt Nam. Trong khi đó, 80% nông dân Việt Nam sinh sống từ công việc trồng cấy lúa nước, phải mất 90 – 100 ngày, trải qua rất nhiều công việc trong suốt quá trình canh tác mới thu hoạch được lúa. Đặc biệt, phải kể đến công việc phun xịt các loại thuốc bảo vệ thực vật. Trong suốt vụ lúa, nông dân phải mang vác bình phun xịt 9 – 10 lần cho 1000m² đất, mỗi bình thuốc có trọng lượng từ 37 – 40kg/bình, nông dân mang chúng đi trong nền đất bùn lún lầy hết sức gian nan và vất vả, nguy cơ nhiễm độc hóa học khi hít phải thuốc phun xịt vào cơ thể là rất cao.

Nhằm giải quyết công việc phun xịt thuốc của bà con, chuyển đổi từ lao động thủ công sang lao động máy móc hiện đại, “Giải pháp phun xịt thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị phun xịt di chuyển trên cáp dẫn điều khiển từ xa” được nhóm tác giả Hoàng Thanh Liêm và Hoàng Quốc Trung nghiên cứu thành công, nhằm bảo vệ nông dân không bị nhiễm độc hóa học do tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu trong quá trình phun xịt. Giải pháp đã được dự thi và đạt được giải III Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật TP. Cần Thơ năm 2019.

Thiết bị phun xịt thuốc được treo trên cáp dẫn

 

Hệ thống  thiết bị gồm đường cáp dẫn được giăng theo chiều dài thửa ruộng lúa, hai đầu mắc vào hai cột thép, có khả năng nâng cao hay hạ thấp khi cần thiết. Thiết bị phun xịt được mắc vào cáp và di chuyển trên cáp thông qua remote để điều khiển sự di chuyển và tốc độ. Hiệu quả mang lại của thiết bị là thực tế khi đã giải phóng được sức lao động cho nông dân, rút ngắn thời gian phun xịt thuốc, giảm thiểu khả năng nhiễm độc so với khi phun thuốc bằng các phương pháp mang vác truyền thống. Trên thực tiễn hiệu quả kinh tế, một giờ thiết bị có thể xịt được 8 – 10 công đất (0,8 – 1ha),  gấp 10 lần so với xịt thủ công, thu lãi 400.000đ/ha, mỗi vụ lúa giảm chi phí 2 - 3.000.000đ/1ha . Đồng thời, giải pháp có ý nghĩa bước đầu giúp nâng cao trình độ hiểu biết khoa học, điều kiện làm việc, mức sống văn minh của người nông dân.

Hiện tại, thiết bị đã được áp dụng thử nghiệm cho các hộ nông dân gieo trồng lúa, các vườn cây ăn trái cam, quýt, long nhãn,… Giải pháp cũng đã thành lập công trường thử nghiệm nghiên cứu, chứng minh giải pháp hoàn toàn ứng dụng tốt vào cuộc sống. Ngoài ra, thiết bị cũng đã tham gia hội chợ quốc tế nông nghiệp Cần Thơ 2018, nhận được nhiều sự trao đổi của bà con nông dân và sẵn sàng được ký hợp đồng để thực hiện chuyển giao công nghệ.

Y Phụng