Việc sản xuất hữu cơ tại Cần Thơ cũng như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã được diễn ra từ lâu theo nhiều phương thức khác nhau: nông hộ, trang trại, tổ hợp tác, Hợp tác xã, doanh nghiệp. Hiện nay, nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, người dân rất quan tâm đến xu thế sản xuất nông nghiệp hữu cơ; Nhu cầu tiêu dùng của xã hội đối với sản phẩm hữu cơ ngày càng cao do tác động của nhiều yếu tố: thu nhập của một bộ phận nhân dân được nâng lên; ý thức bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường... Công nghệ, vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất hữu cơ được các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp quan tâm. Đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp đã chủ động đăng ký chứng nhận theo nhu cầu của thị trường xuất khẩu như xuất sang thị trường Mỹ thì mời đơn vị tư vấn chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ là USDA,...
Hiện nay, vùng đủ điều kiện sản xuất hữu cơ tại thành phố Cần Thơ cũng như ĐBSCL phần lớn chưa được xác định, chưa công bố vùng đủ điều kiện; Các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hữu cơ phải theo những tiêu chuẩn cụ thể như thế nào; Các cơ quan có thẩm quyền chưa công bố tiêu chuẩn cụ thể về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi; Chưa xác định sản phẩm nào đủ tiêu chuẩn phục vụ cho sản xuất hữu cơ; Sự hỗ trợ của nhà nước đối với sản xuất hữu cơ; Lòng tin người tiêu dùng Việt; Việc đăng ký chứng nhận hữu cơ tại Việt Nam đang gặp phải khó khăn.
Một số giải pháp và kiến nghị để Nông nghiệp hữu cơ thời gian tới được thuận lợi và ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm của mọi thành phần trong xã hội:
Cần xây dựng mô hình Nông nghiệp hỗ trợ cộng đồng (CSA), thông qua mô hình này sẽ giúp nông hộ phát triển mạnh mẽ theo hướng nông nghiệp hữu cơ, đồng thời tiết giảm chi phí cho việc chứng nhận. Mô hình này thuận lợi cho nông hộ, trang trại, hợp tác xã phục vụ nhu cầu trong nước.
Xây dựng văn hóa tiêu dùng sản phẩm hữu cơ đến với khách hàng, chế biến giới thiệu các sản phẩm hữu cơ thành phẩm đến người tiêu dùng tạo nên văn hóa tiêu dùng lành mạnh trong cộng đồng. Đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, cần xem trọng công tác truyền thông về nông nghiệp hữu cơ trên các kênh truyền trông đại chúng; lợi ích khi áp dụng quy trình canh tác hữu cơ; lợi ích khi tiêu dùng sản phẩm hữu cơ gắn với công tác quản lý lưu thông sản phẩm trên thị trường.
Phát triển ngành công nghệ thực phẩm, chế biến sâu các sản phẩm hữu cơ vì sức khỏe gia tăng giá trị nông sản.
Khuyến khích phát triển phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong giới trẻ tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ.
1. Đề xuất Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn thành phố Cần Thơ cũng như các tỉnh đồng băng sông Cửu Long rà soát, công bố qui hoạch vùng, địa phương, địa bàn phù hợp phát triển nông nghiệp hữu cơ, vừa giúp nông dân thành phố, vừa hổ trợ các tỉnh trong khu vực tiếp cận sản xuất hữu cơ một cách khoa học đáp ứng yêu cầu sản phẩm an toàn trong hội nhập quốc tế.
2. Kiến nghị Sở NN&PTNT phối hợp sở Khoa học và công nghệ xây dựng chương trình, dự án tập trung cho nghiên cứu, ứng dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đưa các tiến bộ kỹ thuật hiện đại phục vụ phát triển nông nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nông nghiệp hữu cơ hiện đại, vì Thành phố Cần Thơ với vai trò là Trung tâm động lực của đồng bằng tập trung nhiều Trường đại học, Viện nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp đầu đàn của khu vực.
3. Kiến nghị ngành Nông nghiệp & PTNT, hệ thống Trung tâm Khuyến Nông, khuyến ngư tại các địa phương tạo điều kiện thuận lợi, hổ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các mặt hàng nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn. Tạo cơ chế giúp nông dân, doanh nghiệp, HTX tiếp cận với các chính sách về nông nghiệp hữu cơ và các cơ chế khuyến khích ưu đãi của nhà nước.
4. Kiến nghị Bộ Nông Nghiệp & PTNT và các cơ quan có thẩm quyền ban hành các danh mục về hóa chất, phụ gia, chất bảo quản, vv... cho phép sử dụng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ (Điều 15, Nghị Định 109/2018/NĐ-CP quy định); Công bố tiêu chuẩn chứng nhận và cơ quan thẩm quyền chứng nhận sản phẫm hữu cơ Việt Nam phù hợp thông lệ quốc tế. Nghiên cứu các chính sách để các đối tượng tham gia các khâu sản xuất hữu cơ thuận lợi tiếp cận.
Thúy Kiều.