Gia đình trong những ngày chống dịch Covid-19

GIA ĐÌNH TRONG NHỮNG NGÀY CHỐNG DỊCH COVID-19                                    

 

          Những ngày cả nước sục sôi chống “giặc Covid” cũng đã qua đi. Tính đến ngày hôm nay (25-6-2020) là 70 ngày Việt Nam ta không có ca mắc mới trong cộng đồng. Đất nước ta đã cơ bản bình yên, là nước được thế giới ca ngợi: Việt Nam là nước chống dịch ncov-2 tốt nhất. Nếu như cả thế giới con số mắc ncov-2  là gần 9,5 triệu ca lây nhiễm và có trên 480 ngàn ca tử vong, thì Viêt Nam chỉ có 352 ca mắc, và không có ca tử vong. Ca nặng nhất là phi công người Anh (BN 91) đến nay đã cơ bản bình phục, sắp sửa về nước theo nguyện vọng, chì còn 23 ca đang điều trị. Về tình hình chống dịch tôi xin dừng lại ở đây, xin chuyển sang vấn đề chính là sinh hoạt gia đình trong những ngày chống dịch. Nhân ngày 28-6, ngày gia đình để mọi người cùng tham khảo, vì chắc mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau.

     Gia đình tôi chỉ có hai con: con gái làm việc tại Cần Thơ, có một cháu ngoại học lớp 5 trường tiểu học Ngô Quyền. Mẹ con cháu chưa có nhà riêng, nên ở chung vơi ông bà tiện việc chăm lo. Con  trai lập gia đình và công tác tại TP Hồ Chí Minh được 2 cháu nội. Cháu lớn học lớp 4 trường tiểu học Thái Bình quận 1, cháu cao 1,4 m nặng 52 kg, cháu nhỏ 4 tuổi học trường mẫu giáo. Do dịch bệnh nên các cháu được nghỉ học sớm, từ đầu tháng 4, và ngày học lại là cuối tháng 5, đầu tháng 6. Bố mẹ các cháu phải đi làm không có người trông, nên đưa hết về Cần Thơ cho ông bà nội. Thế là gia đình lúc này là 6 người, 3 người lớn, 3 cháu nhỏ. Bình thường chỉ  những ngày lễ, tết thì các cháu mới về đông đủ, nhưng cũng chỉ sum họp được một tuần là cùng, rồi lại phải phân tán. Kỳ này cuộc vui kéo dài 2 tháng trời, có nhiều điều lý thú, bọn trẻ bây giớ nó thông minh và đòi quyền tự do dân chủ, đòi sự công bằng...chứ không phải người lớn muốn áp đặt thế nào là chúng nó phải nghe vậy đâu.

          Trước hết là nói về việc mọi người phải thực hiện phòng chống dịch. Phải chấp hành triệt để lệnh cách ly theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, không ai được ra ngoài. Cùng với mọi gia đình, nhà tôi cũng đăng ký ở cơ quan mua một lượng khẩu trang, nước sát khuẩn vừa đủ dùng, việc chuẩn bị hậu cần thì cũng có sự chuẩn bị độ mười ngày cho bữa sáng, với đủ loại: mỳ gói các loại, bánh đa cua, bún cua, hủ tiếu nam vang, miến....trong nhà thống nhất cao vì trước nhà có đại lý mì tôm, 2 cửa hàng ăn sáng và càfe, sau nhà có cửa hàng bánh kẹo, thiếu gì chờ thời điểm vắng người tranh thủ mua, vì những cửa hàng này không phải đóng cửa ..thực phẩm 2 bữa chính thì mua hàng ngày từ các xe thực phẩm đi ngang nhà. Chủ yếu là các loại củ, quả, bí xanh, bí đỏ, bầu và dưa chuột... Tuy vậy có những thứ mà xe không có nên bà nội cũng phải ra chợ, nhất là ưu sách của các cháu về các món hay ăn ở trường, mà mỗi đứa học trường khác nhau, đứa Cần Thơ, đứa Sài Gòn, cho nên có bữa cũng phải thuyết phục các cháu là không được đi ra ngoài, ra là công an bắt. Và sẽ lây bệnh. Để ông tìm mua cho bà một đôi giầy sắt, một bộ áo giáp sắt, một khẩu trang bằng sắt để ra ngoài mới không lây bệnh, thế là mới ổn.

          Những ngày này, gia đình cũng phải thay đổi giờ giấc sinh hoạt. Thường thì trưa 11g30, tối thì 18g30 mới dùng bữa nhưng từ khi có dịch, phải tập trung coi tivi, chuyển động 24h coi chương trình thời sư VTV1 hêt rồi mới ăn cơm, ngoài ra còn xem lại VTV2 lúc 10g đêm và bản tin cuối ngày VOV2 Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Tuổi trẻ, Báo mới, VTVgo, zalo, bản tin Bộ Y tế qua tin nhắn ...cứ nghe nhạc hiệu chương trình thời sự là bỏ hết các công việc tâp trung ngồi nghe thời sự sau đó lại coi chi tiết trên mạng và đối chiếu, tranh luận, thật sôi nổi....Về bênh nhân số 36 phố Trúc Bạch, về bệnh nhân ở Bình Thuận, về khu cách ly Sơn Lôi, bệnh viện Bạch Mai.. rồi chuyến bay nào xuống Nội Bài, chuyến nào về Cần Thơ, chuyến nào về sân bay Vân Đồn, và phân tán đi những tỉnh nào lân cận. Về Cân Thơ thì trường quân sự TP sức chứa cũng có hạn, phải chia cho Bạc Liêu, Sóc trăng... thì các tỉnh phía Bắc cũng tương tự, cứ ngồi đoán mò rồi lại to tiếng với nhau, câu kết luận là: được rồi để xem ai đoán trúng. Tiếp theo là việc nhắn tin ủng hộ tiền qua điện thoại, người thì nhắn ngay, người bảo tôi ủng hộ qua công đoàn cơ quan, hay qua phường, thế là lại tranh cãi, làm ngay đi chờ gì cho nó lâu lắc...thống nhất lại là làm nhiều cách, vừa nhắn tin, vừa ủng hộ qua đoàn thể, người ta còn đem tiền, gạo, khẩu trang đến tận vùng dịch, còn mình chỉ ngồi tại chỗ sao lai chậm trễ ...

          Lại nói chuyện thiết quân luật một số hoạt động như giờ chơi điện tử, và cách chơi, giờ ăn không được đem điện thoại theo vừa ăn vừa coi, không được nói chuyện trong bữa ăn...tuy là chuyện nhỏ nhưng cũng là vấn đề tế nhị và phải hợp tình, hợp lý mới ổn.

          Việc cấm mang theo điện thoại xuống bàn ăn thì các cháu chấp hành tốt, các cháu để tập trung một chỗ, ăn xong lên lấy, nhưng có bữa ông chờ cuộc gọi lại phải đem theo xuống phòng ăn để nghe gọi lại thì mấy cháu xì sào, chỉ chỏ, nói là ông mang điện thoại xuống, lại phải giải thích ngọn ngành mới thôi. Việc cấm nói chuyện trong bữa ăn thì coi bộ không ổn, vì tính trẻ con hay hiếu động, mở đầu là cháu 4 tuổi, nói chuyện ăn ở nhà trẻ, 2 anh chị lớn đều nhìn nó và nhìn ông, ý là không được nói vì ông đã ra lệnh rồi nhưng vì tính hồn nhiên cứ say mê nói chuyện, mọi người nhìn nhau rồi cười phà lên, cu cậu nghĩ là chọc quê nên khóc òa, Bà phải dỗ dành mới ngồi ăn tiếp. Qua đó cũng buộc mình phải suy nghĩ lại, vì người ta từng nói: bữa ăn là lúc ngồi tâm tư, tình cảm, trao đổi, bàn bạc một vài việc, hay kể một vài mẩu chuyện vui mang tính giáo dục cho các cháu, thì cũng không đến nỗi mất vệ sinh gì mà phải cấm đoán, nếu cứ âm thầm mà ngồi ăn sẽ mất đi không khí đầm ấm gia đình sum họp? Việc bắt các cháu coi điện thoại không được nằm nghiêng ảnh hưởng đến mắt, thì các cháu chấp hành không triệt để, vì nằm sấp mãi thì tức bụng, mà nằm ngữa giơ điện  thoại lên thì lại mỏi tay, chỉ một lúc lại lật nghiêng. Cháu nhỏ thì chơi ít hơn, và máy mau hết pin, không chơi nữa, rủ anh chị xếp chữ thì chẳng ai chơi vì họ còn mải mê với game, khi phát hiện ai nằm nghiêng thì gọi Ông và chỉ vào người nằm nghiêng để ông chấn chỉnh. Kể ra cũng tội, vì suốt ngày không được đi ra đường, ở trong nhà cả tháng trời, đạp xe thì không có chỗ, lên sân thượng đánh cầu cũng chỉ được một tiếng là xong nên ngoài việc ôm đện thoại thì các cháu cũng chẳng biết làm gì, tính ra là chúng chơi đến cả chục tiếng mỗi ngày chứ không phải 2h/ngày như báo, đài hướng dẫn. Chỉ khi nào điện thoại hết pin thì các cháu xin được mở tivi chơi tiếp chứ không phải nghe thời sự. Các cháu thời nay thông minh hơn người lớn nhiều, chơi trên điện thoại mà chúng kết bạn từ thành phố Hồ Chí Minh hay có cháu ở Hà Nôi cùng chơi, tôi theo dõi thì biết là cùng cháu trai với  nhau cả, nên không đáng cấm. Việc khống chế các cháu chơi không được mở âm thanh lớn, để người lớn nghe thời sự. Nhưng có lúc, ông cần nghe rõ để lấy số liệu nên mở tivi lớn, thì các cháu lại yêu cầu ông mở nhỏ, vì tiếng tivi to át cả tiếng điện thoại các cháu không nghe được, vì nhà nhỏ tiếng ồn lớn là ảnh hưởng chung. Rõ ràng là người lớn phải làm gương, nói đi đôi với làm, thì mới dạy bảo các cháu được.

            Tôi xin kể một chi tiết nhỏ sau đây: năm trước tôi nói cháu nội 10 tuổi mở tivi thông minh (vì cháu mở tìm bài rất nhanh), bài hát Lời ru quê mẹ Quảng Bình, bài này rất hay cả về giai điệu và ca từ, mỗi lần nghe kèm video đám tang Đại tướng Võ nguyên Giáp: từ lễ viếng, lễ truy điệu và lễ an táng tại quê nhà Quảng Bình là tôi cảm động và khóc vì thương Bác Giáp, nước mắt giàn giụa, cháu ngồi đối diện nhìn thấy tôi khóc, cháu tự động rút 2-3 tờ khăn giấy đưa cho tôi lau nước mắt. Kỳ này tranh thủ buổi trưa tôi viết vài bài báo để tuyên truyền chống Covid. Do không có bàn làm việc phải ngồi ghế cóc viết tại bàn nước, quạt trần không đủ mát, mồ hôi tuôn ra trên cổ, dưới bụng nhưng mải miết viết kẻo quên mất. Đi ngang qua thấy ông nội mồ hôi nhễ nhại, cháu lại vào phòng trong lấy khăn giấy ra lau cho ông. Tuy là việc nhỏ nhưng cháu có ý tứ thông minh, ứng xử tôi thật cảm động và thấy ấm lòng, mát dạ, một tình cảm thật hồn nhiên, trong trắng.

            Tuy trong thời gian giãn cách nhưng 2 ngày tôi lại đến cơ quan một lần xem có gì đột xuất không và đưa bài để đăng báo (các đ/c lãnh đạo khác đều ở xa 5-6 km), các cháu thấy tôi đi thì ngăn lại: ông không được đi ra đường, lây bệnh đấy, tôi phải giải thích là đến cơ quan có việc gấp thì các cháu yên tâm, đó vừa là tình thương,vừa là ý thức chấp hành lệnh cách ly mà người lớn đã truyền đạt cho các cháu, mà mọi người phải chấp hành chứ không phải chỉ trẻ em không được ra đường.

              Chuyện sinh hoạt gia đình thì còn nhiều cái để mà kể, tôi chỉ kể vài mẩu chuyện như trên để chứng minh, làm sáng tỏ thêm vai trò quan trọng của một gia đình. Người ta thường nói: ra đi thì có nhiều chỗ để đến, nhưng trở về thì chỉ có một chỗ đó là gia đình, vì gia đình là tổ ấm, hay bạn bè thì có nhiều nhưng Cha-Mẹ thì chỉ có một. Gia đình là tế bào của xã hội, mỗi gia đình là một viên gạch xây dựng nên một ngôi nhà là xã hội Việt Nam ta. Gia đình là nơi gắn kết tình cảm thiêng liêng không gì so sánh được, không gì thay thế được, sự chăm lo, chăm sóc nhau lúc khỏe cũng như lúc đau yếu, không chỉ người lớn mới biết chăm lo, ứng xử cho nhau.

 

          Những gì tôi nói ra đây là chuyện có thật, không hề hư cấu, không phải khoe hay, càng không phải chuyện nhảm nhí và rút ra kinh nghiệm là từ chuyện sinh hoạt gia đình mang tính giáo dục, nếu được kết hợp với nhà trường và xã hội thì chúng ta sẽ xây dựng được cốt cách con người từ nhỏ về ý thức, về đạo đức, tính trung thực, tính công bằng, bình đẳng giữa người và người, nói đi đôi với làm, người lớn phải làm gương cho các cháu. Giáo dục các cháu cũng phải phù hợp với thực tế, khách quan, không áp đặt, không giáo điều, cứng nhắc. Đặc biệt là phải có tình thương yêu thực sự, phải hiểu tâm lý trẻ thơ.

                                                           Cần Thơ 25/6/2020

                                                                  Xuân Ba