Đừng chủ quan với dịch cúm gia cầm A/H5N6

Hiện nay các địa phương trên phạm vi cả nước đang đối phó với dịch bệnh Covid – 19 một cách quyết liệt, khẩn trương, từ đó việc phòng chống dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại một số nơi chưa thật đi vào chiều sâu, thậm chí còn rất lơ là, mất cảnh giác rất đáng lo ngại.

Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ đầu năm 2020 đến nay, đã có 11 quốc gia và vùng lãnh thổ xảy ra nhiều ổ dịch cúm gia cầm. Điển hình như tại Ấn Độ xuất hiện virus cúm gia cầm chủng A/H5N1, Trung Quốc xuất hiện chủng A/H5N2, Đài Loan chủng A/H5N5… Tại Việt Nam, năm 2019 bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 70 hộ chăn nuôi tại 24 tỉnh, thành phố. Riêng đầu năm 2020, xuất hiện 8 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội, các ngành chức năng buộc phải tiêu hủy hàng chục ngàn con gia cầm. Từ đó khả năng lây lan dịch bệnh là hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Ảnh: Một trang trại nuôi gà ở huyện Vĩnh Thạnh

Đầu tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 167/TTg-NN về việc chủ động phòng, chống dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và ở người; Bộ NN&PTNT đã có Công điện số 735/CĐ-BNN-TY về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm.  Tuy nhiên trên thực tế có một số người nuôi gia cầm còn rất chủ quan, xem thường dịch bệnh. Cạnh đó một số địa phương chưa làm tốt công tác tuyền truyền trong hệ thống chính trị và ra tận nhân dân. Mặt khác các cơ quan truyền thông dù có đưa tin cảnh báo nhưng còn rất hạn chế. Đáng lo ngại là các cơ quan chuyên môn về lĩnh vực chăn nuôi chưa ra quân quyết liệt, đồng bộ, thực chất dẫn đến những tín hiệu đáng lo ngại.

Các cơ quan chức năng cũng cảnh báo: thời tiết hiện nay rất bất lợi vì ngày nắng nóng, đêm lạnh, có nơi có nhiều sương muối nên nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện, lây lan là rất cao. Vì vậy ngay từ bây giờ các địa phương cần nhanh chóng vào cuộc theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Cụ thể cần chủ động giám sát dịch bệnh trên vật nuôi, quản lý tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời, dứt điểm, tránh lây lan diện rộng. Các trường hợp giấu dịch, bán chạy, giết mổ động vật nghi mắc bệnh hoặc mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường… đều phải bị xử lý nghiêm.

Ảnh: Môt trạng trại nuôi vịt ở huyện Thới Lai

Ngoài ra các địa phương cần rà soát, thống kê, tổ chức triển khai tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm hiện có trên địa bàn, đảm bảo tiêm phòng đạt tỷ lệ tối thiểu 80% trên tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm; xử lý nghiêm hành vi vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định. Cạnh đó cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông bằng nhiều hình thức; bằng các kênh thông tin khác nhau để người nuôi nâng cao ý thức cảnh giác.

Năm 2019, TP Cần Thơ đã phát hiện 1 ổ dịch cúm H5N1 tại quận Bình Thủy và đã tiêu hủy 1.500 con gà nhiễm bệnh. Đây là bài học luôn cảnh báo người chăn nuôi ở đất Tây Đô.

“Cẩn trọng vô áy náy” hay “Không lo xa ắt có buồn gần”. Lời người xưa luôn nhắc nhở chúng ta bài học cảnh giác không bao giờ thừa và những lời khuyên ấy càng thiết thực hơn khi dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N6 đang có mặt tại lãnh thổ Việt Nam.

         

TRƯƠNG THANH LIÊM