Để hoạt động truyền thông về môi trường đạt hiệu quả

          Đây là một câu hỏi then chốt cần tìm lời giải đáp trong Hội nghị “Đối thoại chính sách về môi trường và phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng dẫn, phổ biến kỹ năng, kinh nghiệm truyền thông về môi trường cho các bộ, ngành, địa phương tại khu vực phía Nam” do Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại thành phố Cần Thơ vào đầu tháng 10 vừa qua cho 200 cán bộ quản lý thuộc các Sở, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội của 20 tỉnh thành khu vực phía Nam tham dự.

Ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: HA

 

          Theo ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thì hoạt động truyền thông tài nguyên và môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài nguyên và môi trường tổ chức thực hiện trong những năm qua. Việc tổ chức Hội nghị tập huấn mở rộng tới các đối tượng là cán bộ phụ trách công tác tuyên truyền, báo chí tại các Sở, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội  các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan nhằm đảm bảo công tác truyền thông được thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Ngoài việc nâng cao kỹ năng chuyên môn và nghiệp vụ về truyền thông tài nguyên và môi trường cho các cán bộ làm công tác truyền thông, tại Hội nghị tập huấn lần này, mong muốn mở rộng mạng lưới truyền thông tài nguyên và môi trường trên phạm vi cả nước để mỗi cá nhân tham gia công tác tuyên truyền đều có kiến thức sâu rộng, kỹ năng truyền tải tốt, truyền thông được tới mọi đối tượng trong cộng đồng, nhất quán trong thực hiện cung cấp thông tin.

           Hội nghị đã được nghe các diễn giả là những chuyên gia đầu ngành: PGS.TS Nguyễn Danh Sơn – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, trường Đại học Cần Thơ, ông Trần Phong – Cục trưởng  Cục Bảo vệ môi trường miền Nam, Nhà báo Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Trưởng Ban Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam, chia sẻ các chuyên đề về môi trường và phát triển bền vững; Tác động của biến đổi khí hậu đến đồng bằng sông Cửu Long và cách tiếp cận tổng hợp hướng tới phát triển bền vững; Truyền thông về thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL; Thay đổi nhận thức, yếu tố then chốt trong công tác truyền thông bảo vệ môi trường; kiến thức, kỹ năng, phương pháp của người làm công tác truyền thông, kỹ năng, kinh nghiệm về tương tác đa chiều trong hoạt động truyền thông bảo vệ môi trường hiện nay.

          Một trong những nội dung thu hút được sự quan tâm của các đại biểu là phần chia sẻ của ông Trần Phong – Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Nam về kinh nghiệm cũng như phương pháp truyền thông môi trường sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Theo ông để truyền thông đạt hiệu quả thì trước hết phải xác định đúng đối tượng cần truyền thông, phải tìm hiểu và nắm bắt được đối tượng này cần nghĩ gì và nên làm gì để giải quyết vấn đề môi trường liên quan trực tiếp đến họ, từ đó đưa ra được các thông điệp, phương tiện truyền thông phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất. Trước đây vấn đề này ít được quan tâm và chú trọng đến, mà chỉ tập trung vào các thông điệp chung chung về bảo vệ môi trường, do đó việc truyền thông chưa mang lại hiệu quả thực sự như mong muốn.

​          Vừa nghe chia sẻ của các diễn giả, các đại biểu tham gia Hội nghị vừa sôi nổi trao đổi, chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm mới của địa phương mình trong công tác quản lý nhà nước, thực thi chuyên môn, nghiệp vụ về tài nguyên và môi trường; kinh nghiệm truyền thông về tài nguyên môi trường; kiến thức, kỹ năng, phương pháp của người làm công tác truyền thông; trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm về quan hệ báo chí, phát ngôn, trả lời báo chí; cách xử lý và ứng phó với khủng hoảng truyền thông; dự báo các vấn đề mới trong thực tiễn có thể phát sinh và giải pháp ứng phó.

Hoài Ân.