-
PHÙNG HƯNG (761 – 802): Sinh năm Tân Sửu, quê Hà Nội. Lãnh tụ chống quân xâm lược nhà Đường. Năm 789, Phùng Hưng cùng em trai phát động khởi nghĩa. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, ông đã chiếm được thành Tống Bình. Sau đó, ông tiến đánh các lực lượng còn lại, quét sạch quân Đường ra khỏi lãnh thổ nước ta đồng thời thiết lập một bộ máy chính quyền do ông đứng đầu. Sau khi mất, ông được nhân dân kính phục và suy tôn là Bố Cái Đại Vương.
-
LÊ HOÀN (941 – 1005): Sinh năm Tân Sửu, quê Thanh Hóa, vị vua sáng lập triều Tiền Lê. Thời Đinh Tiên Hoàng, ông được trao chức Thập đạo tướng quân, thống lĩnh quân đội triều đình. Năm 980, Lê Hoàn được triều thần tôn lên ngôi vua nhằm gấp rút phòng giặc Tống. Nhà vua đã lãnh đạo quân đội và đánh thắng giặc Tống. Ngoài việc tích cực cải cách thể chế, phát triển giáo dục, bảo vệ và chấn hưng đất nước, vua Lê Đại Hành còn là người Việt đầu tiên có công mở rộng bờ cõi về phía Nam.
-
TRẦN QUANG KHẢI (1241 – 1294): Sinh năm Tân Sửu, quê Hà Nội, nhà chính trị, quân sự, con vua Trần Thái Tông, được phong tước hiệu Chiêu Minh Vương. Ông làm đến chức Thái Sư. Trong kháng chiến chống Nguyên – Mông (1285), Trần Quang Khải nổi bật trong trận phòng thủ Thanh Hóa, Nghệ An và trận đánh tan quân Nguyên tại Chương Dương độ. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú ghi nhận: “Công lao thu phục được nước, ông đứng thứ nhất”. Ông còn là người học rộng, giỏi thơ phú, có làm Lạc Đạo tập lưu lại cho đời sau.
-
NGUYỄN TRUNG NGẠN (1289 – 1370): Sinh năm Kỷ Sửu, quê Hưng Yên. Ông là nhà chính trị, một đại thần có tài được xếp vào hàng “Người phò tá có công lao tài đức đời Trần. Nguyễn Trung Ngạn rất thông minh và hiếu học; mới 15 tuổi đã đỗ Hoàng giáp, làm quan trải nhiều chức vụ, thăng đến Hành khiển. Tận tụy phụng sự suốt 5 đời vua, được triều đình và nhân dân mến trọng bởi kiến thức uyên bác cùng lối sống chính trực, thanh liêm, nhân hậu. Ông cũng để lại nhiều công trình giá trị về luật pháp, hành chính, ngoại giao, quân sự, văn thơ.
-
LÊ LỢI (1385 – 1433): Sinh năm Ất Sửu, quê Thanh Hóa, vị vua sáng lập triều Lê. Ông là người linh hoạt, sắc sảo, giỏi võ nghệ. Năm 1408, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh xâm lược, xưng là Bình Định Vương. Sau hơn 10 năm chiến đấu ngoan cường cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã giành toàn thắng, giải phóng đất nước. Năm 1428, ông lên ngôi hoàng đế tại kinh thành Thăng Long. Nhà vua tích cực kiến thiết lại quốc gia và phát triển thể chế phong kiến trung ương tập quyền.
Lê Lợi - Vị anh hùng giải phóng dân tộc - ảnh Sưu tầm
-
NGUYỄN HỮU THẬN ( 1757 – 1831): Sinh năm Đinh Sửu, quê Quảng Trị, danh sỹ, nhà toán học thời Nguyễn. Ông năng động, nhạy bén, say mê toán học từ nhỏ. Từ năm 1802, ông làm quan dưới triều Gia Long, trải qua nhiều chức vụ, thăng tới Thượng thư Bộ Lại, Bộ Hộ và từng làm Chánh sứ đi Trung Quốc. Nguyễn Hữu Thận là tác giả của những bộ sách quý về toán học, thiên văn, thể chế và văn luận.
-
PHẠM VĂN NGHỊ (1805 – 1884): Sinh năm Ất Sửu, quê Nam Định, thông minh, hiếu học. Năm 1826, ông đỗ Tú tài, sau đó đỗ Cử nhân và Hoàng giáp (1838). Năm 1858, giặc Pháp đánh chiếm Đà Nẵng, ông cùng học trò và một số nhân sỹ yêu nước tổ chức một đội nghĩa dũng trên 300 người tình nguyện vào Nam chống Pháp. Khi đội nghĩa dũng vào đến Huế thì quân Pháp đã rút khỏi Đà Nẵng. Năm 1873, giặc Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất, Nam Định thất thủ, Phạm Văn Nghị lập căn cứ chống Pháp ở núi An Hòa, nhân dân theo ông rất đông. Nhưng triều đình nhà Nguyễn ký Hiệp ước 1874, ông tuổi già sức yếu lui về ở ẩn trong động Hoa Lư, Ninh Bình cho đến khi qua đời.
-
NGUYỄN VĂN TỐ (1889 – 1947): Sinh năm Kỷ Sửu, quê Hà Nội, học giả cận đại. Ông tinh thông ngôn ngữ Việt – Hán – Pháp. Trước 1945, Nguyễn Văn Tố làm việc tại trường Viễn Đông Bác cổ (Hà Nội), Hội trưởng Hội Trí tri và Hội Truyền bá Quốc ngữ. Sau cách mạng tháng 8 – 1945, giữ chức Bộ trưởng Xã hội trong Chính phủ lâm thời, rồi Quyền Chủ tịch Quốc hội. Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19 – 12 – 1946), ông cùng chính phủ rút lên Việt Bắc, tiếp tục chống Pháp và bị giặc tấn công, sát hại tại Bắc Cạn vào ngày 7 – 10 – 1947. Ông để lại nhiều công trình giá trị về kiến thức, văn hóa và ngôn ngữ.
-
PHÙNG CHÍ KIÊN (1901 – 1941): Sinh năm Tân Sửu, quê Nghệ An, nhà hoạt động cách mạng và quân sự Việt Nam đồng thời là vị tướng đầu tiên của lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1926, ông sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc tổ chức rồi vào học Trường Quân sự Hoàng Phố. Năm 1931, sang học trường Đại học phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Năm 1936, Phùng Chí Kiên vào Sài Gòn hoạt động trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Đông Dương. Năm 1941, ông tổ chức các lớp huấn luyện đào tạo cán bộ Việt Minh cho các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn rồi được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 8 năm 1941, ông bị giặc Pháp bắt và sát hại.
Danh nhân Phùng Chí Kiên (1901-1941) - Ảnh Sưu tầm
-
TRẦN HUY LIỆU (1901 – 1969): Sinh năm Tân Sửu, quê Nam Định, nhà sử học, nhà báo. Ông là chủ bút tờ Đông Pháp thời báo (1925 – 1927) và phụ trách Cường học Thư xã (1928). Năm 1936, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, chủ bút tờ Tin tức. Tháng 8 – 1945, ông được bầu làm phó chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng, là Bộ trưởng Thông tin Tuyên truyền. Sau cách mạng tháng 8, ông dẫn đầu Đoàn đại biểu chính phủ vào Huế nhận lễ thoái vị của Bảo Đại. Hòa bình lập lại, ông là Trưởng ban nghiên cứu Văn – Sử - Địa rồi Viện trưởng viện Sử học, phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 1995.
-
LÝ TỰ TRỌNG (1913 – 1931): Sinh năm Quý Sửu, quê Hà Tĩnh, chí sỹ cách mạng. Năm 1923, Lý Tự Trọng được đoàn thể đưa sang Trung Quốc học ở trường Trung Sơn. Học giỏi, thông thạo tiếng Trung và tiếng Anh, sinh hoạt sôi nổi trong Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Năm 1929, được cử về nước thiết lập Đoàn Thanh niên Cộng sản và làm giao liên cho xứ ủy Nam Kỳ với Trung ương Đảng đặt trụ sở tại Sài Gòn. Ngày 9 – 2 – 1931, trong một buổi mítting, anh bắn chết thanh tra mật thám Legrand và bị bắt. Trong tù, anh nêu cao khí tiết không chịu khuất phục trước những cực hình tra tấn và thủ đoạn dụ dỗ của địch. Bị kết án tử hình, anh hy sinh lúc mới 18 tuổi nhưng đã trở thành một biểu tượng anh hùng bất diệt trong lòng thanh niên và nhân dân Việt Nam.
-
HUỲNH TẤN PHÁT (1913 – 1989): Sinh năm Quý Sửu, quê Bến Tre, nhà hoạt động cách mạng. Từ năm 1949, ông là Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính kiêm Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ. Sau 1954, ông được phân công ở lại Sài Gòn động viên phong trào đấu tranh chính trị và hoạt động ở nội thành. Đầu năm 1959, ông được cử làm Ủy viên chính thức Khu ủy Sài Gòn – Gia Định. Cuối năm 1960, ông được bầu làm phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam. Tháng 6 – 1969, ông được bầu làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam. Năm 1987, ông được Quốc hội bầu làm phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam. Năm 1996, ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.
-
ĐOÀN GIỎI (1925 – 1989): Sinh năm Ất Sửu, quê Tiền Giang, nhà văn danh tiếng. Trước Cách mạng tháng Tám, ông học tại Mỹ Tho, Sài Gòn và sớm viết văn, làm thơ, làm báo. Sau 1945, Đoàn giỏi tham gia kháng chiến chống Pháp, phụ trách công tác Tuyên huấn rồi An ninh. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà Văn Việt Nam. Ông được bạn đọc cả nước mến mộ bởi bút pháp tài hoa, bình dị, thấm đẫm chất đồng quê, phong tục và tình người Nam Bộ. Tác phẩm đặc sắc Đất rừng phương Nam của ông đã được dựng phim mang tên Đất phương Nam (1997). Ông mất ngày 2 tháng 4 năm 1989 tại thành phố Hồ Chí Minh, tên ông được đặt cho một phố thuộc quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh.
Bút danh: HIẾU VĂN
NGUYỄN VĂN HIẾU
-
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
-
Đinh Xuân Lâm – Từ điển nhân vật lịch sử VN – NXB Giáo dục – 2005.
-
Nhiều tác giả - Từ điển Văn học – NXB Văn học Thế giới – 2007.
-
Trương Hữu Quýnh – Sổ tay Kiến thức Lịch sử - NXB Giáo dục – 2012.