Đảng lãnh đạo nhân dân miền Nam chống thực dân đế quốc

Bài viết nhân Kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019)

ĐẢNG LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN MIỀN NAM CHỐNG THỰC DÂN ĐẾ QUỐC

 

Nhân dân miền Nam xứng đáng là “thành đồng Tổ quốc” trong cuộc chiến đấu chống thực dân đế quốc. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam đã có Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định, đã có Nguyễn Trung Trực với câu nói nổi tiếng “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người nước Nam đánh Tây”. Từ khi có Đảng lãnh đạo, cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của nhân dân miền Nam càng sôi nổi và quyết liệt hơn. Từ Khởi nghĩa Nam Kỳ, Nam Bộ kháng chiến đến Miền Nam “thành đồng Tổ quốc” đã in đậm biết bao tấm gương anh dũng hy sinh vì Tổ quốc!

Ngày 2-9-1945, khi nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn mít tinh mừng Độc lập, bọn thực dân Pháp đã xả súng bắn làm 47 đồng bào ta chết và nhiều người bị thương.

Ngày 23-9-1945, được quân Anh giúp đỡ và sự yểm trợ của quân Nhật, 6000 quân Pháp đánh úp trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn, mưu toan chiếm lại miền Nam nước ta trong vòng một tháng, làm bàn đạp chiếm lại cả Đông Dương. Như vậy là chỉ 21 ngày sau khi khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân Nam Bộ phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu.

Ngay trong sáng 23-9-1945, Xứ ủy Nam Bộ và Ủy ban nhân dân Nam Bộ đã cấp tốc họp, chủ trương kiên quyết kháng chiến. Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, đồng chí Trần Văn Giàu, đã phát lời kêu gọi: “Độc lập hay là chết! Hôm nay, Ủy ban Kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái, hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược…”. Đến chiều ngày 23-9-1945, Sài Gòn triệt để tổng đình công, không hợp tác. Công sở, xí nghiệp, cửa hàng đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Khắp phố phường vật chướng ngại mọc lên. Các đơn vị xung phong, Công đoàn và Thanh niên tiền phong lập tức chiếm lĩnh vị trí chiến đấu đánh trả quân địch. Trong thành phố, đã tổ chức 360 tổ xung phong công đoàn, với gần 6.000 đội viên và 500 tự vệ bám trụ các vị trí chiến đấu. Thực dân Pháp đã bị lâm vào tình trạng khốn đốn: Không điện, không nước, thiếu vũ khí, thiếu lương thực - thực phẩm, thiếu quân và luôn bị quân dân ta tập kích, tiêu hao, tiêu diệt.

Ngày 26-9-1945, qua Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước ta: “Hỡi đồng bào Nam Bộ! Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm. Khi còn chiến tranh với Nhật, thì bọn thực dân Pháp hoặc đầu hàng hoặc chạy trốn. Nay vừa hết chiến tranh thì bọn thực dân Pháp hoặc bí mật hoặc công khai mò lại. Trong 4 nǎm, họ đã bán nước ta hai lần. Nay họ lại muốn thống trị dân ta lần nữa. Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ… Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc tranh đấu của chúng ta là chính đáng”. Ngay ngày hôm đó, Chính phủ đã thành lập các Đoàn quân Nam tiến, quỹ Nam Bộ kháng chiến, cử các tướng lĩnh cấp tốc vào miền Nam như tướng Nguyễn Bình, Nguyễn Sơn...

Ngày 30-9-1945, thực dân Pháp trong thế túng quẫn phải nhờ đại diện của quân Anh xin điều đình với Ủy ban nhân dân Nam bộ.

Những tin chiến thắng của quân và dân Sài Gòn làm nức lòng đồng bào cả nước. Và chính vì thế, tháng 2-1946, trong đợt tôn vinh chiến công vang dội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng quân và dân Nam Bộ 4 chữ “Thành đồng Tổ quốc”.

Vào ngày 25-6-1954, Mỹ đã ép Pháp đưa Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng cái gọi là “Quốc Gia Việt Nam”. Bằng một loạt “trò hề chính trị” như trò “trưng cầu dân ý” để phế truất Bảo Đại rồi tự suy tôn mình làm Tổng thống (tháng 10-1955), rồi tổ chức bầu cử riêng rẽ, lập cái gọi là “quốc hội lập hiến” (tháng 5-1956), ban hành hiến pháp của cái gọi là “Việt Nam Cộng Hoà” (tháng 10-1956)…, Ngô Đình Diệm đã trắng trợn phá hoại việc thống nhất Việt Nam, đồng thời xé bỏ luôn Hiệp định Genève.

Tháng 9-1954, Mỹ lôi kéo được một số đồng minh lập ra khối “Liên minh quân sự Đông Nam Á” (SEATO) và ngang nhiên đặt miền Nam Việt Nam dưới sự bảo trợ của khối này.

“Tức nước vỡ bờ”, phong trào Đồng khởi của nhân dân miền Nam nổ ra vào năm 1960, và đã căn bản làm tan rã cơ cấu chính quyền cơ sở địch ở nông thôn. Trong 2.627 xã toàn miền Nam, nhân dân đã lập chính quyền tự quản ở 1.383 xã, đồng thời làm tê liệt chế độ bù nhìn Diệm ở hầu hết các xã khác. Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Đầu năm 1961, Quân Giải Phóng miền Nam Việt Nam cũng được thành lập.

Tiếp đó, nhân dân đã phá hoàn toàn 2.895 “ấp chiến lược” trong số 6.164 ấp do địch lập ra, số còn lại đã bị phá đi phá lại 5.950 lần ấp. Nhân dân cũng đã phá được thế kìm kẹp, giành quyền làm chủ ở 12.000 thôn trong tổng số 17.000 thôn toàn miền Nam, giải phóng hơn 5 triệu dân trong tổng số 14 triệu dân toàn miền Nam. Hơn 1,5 triệu ha trên tổng số 3,5 triệu ha ruộng đất đã về tay nông dân; hơn 23.000 thanh niên đã tham gia quân Giải phóng. Hàng nghìn “ấp chiến lược” đã biến thành làng chiến đấu.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lich sử

Đêm 30 và 31-1-1968, quân ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn và hơn 40 thành phố, thị xã khác (4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần), làm cho Mỹ - Ngụy bị bất ngờ, không kịp trở tay đối phó. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta không chỉ có ở Tết Mậu Thân, mà trên thực tế đây chỉ là đợt 1, còn đợt 2 và đợt 3 diễn ra mùa hè và mùa thu năm 1968. Kết quả trong năm 1968, theo Thông cáo của Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam ngày 20-12-1968, quân và dân ta ở miền Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 630.000 tên Mỹ, Ngụy và quân của các nước đồng minh Mỹ; tiêu diệt và đánh thiệt hại 1 lữ đoàn, 7 trung đoàn, chiến đoàn, tiểu đoàn bộ binh, 18 chi đoàn thiết giáp; phá hỏng, phá huỷ 13.000 xe quân sự, 1.000 tàu, xuồng chiến đấu trên sông, 700 kho đạn, 100 khẩu pháo các loại; diệt, bức hàng, bức rút 15.000 đồn bốt, chi khu.

Vào cuối năm 1974 – đầu năm 1975, khi đế quốc Mỹ đã rút khỏi Việt Nam sau Hiệp định Paris (27-1-1973), nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở Miền Nam có sự thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng ta, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Nhưng Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong năm 1975”.

Sau chiến thắng của quân ta ở chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế-Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã nhận định: “thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng Miền Nam” và đã đưa ra quyết định: “phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Miền Nam trước mùa mưa”, đồng thời chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên “chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Và để có được thắng lợi cuối cùng, quân và dân Nam Bộ đã sống, chiến đấu xứng đáng với danh hiệu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng là “Thành đồng Tổ quốc” cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975). Thắng lợi này đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV tháng 12-1976 đã đánh giá: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Do đó, chính sự hy sinh đến cùng cho Độc lập, Tự do của các thế hệ đi trước đã vun đắp nên dáng đứng hiên ngang của Đất nước ta hôm nay trên trường Quốc tế:

“Anh là chiến sỹ Giải phóng quân.

Tên Anh đã thành tên đất nước

Ôi anh Giải phóng quân!

Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt

Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”

(Lê Anh Xuân, Dáng đứng Việt Nam, 3-1968)

 

Nguyễn Văn Toàn