ĐÃ BỐN LẦN TÔI VỀ THĂM QUÊ BÁC
Là người sinh ra và lớn lên ở miền Bắc. Nhưng chỉ ở quê có ¼ thế kỷ, từ lúc nhỏ đến tuổi trưởng thành. Thời gian sau đó cho đến cuối đời, tôi sống và làm việc tại Cần Thơ. Thời bao cấp phương tiện giao thông còn khó khăn, nên đi công tác hay đi phép thường phải đi tàu hỏa hay đi xe ô tô quốc doanh (máy bay lúc bấy giờ cũng khó khăn và cán bô lãnh đạo cấp sở mới được đi) cho nên trong lòng lúc nào cũng ước mong làm sao có dịp đến thăm quê Bác, nhất là mỗi khi đi qua đất Nghệ An, lòng lại bồi hồi, xúc động nhớ thương Bác. Tuổi 21, Bác đã xa quê hương, xa đất nước đi khắp năm châu, bốn biển tìm đường cứu nước. Sau 30 năm, Bác mới về nước lãnh đạo nhân dân ta làm cách mạng thắng lợi. Nhưng vì lúc nào cũng lo việc nước nên Bác hy sinh tình cảm cá nhân, đến nỗi người anh trai Bác “anh cả Khiêm” mất Bác cũng không về được, Bác chỉ viết thư chia buồn và xin lỗi người anh của mình. Trong suốt 28 năm (1941-1969) Bác chỉ về thăm quê được hai lần.
Mỗi lần về quê, Bác bồi hồi xúc động, bởi 5, 6 tuổi Bác đã theo cha mẹ vào Huế, Bác học và làm việc tại Huế rồi làm nghề dạy học, nếu tính từ thời điểm này thì Bác xa quê gần 50 năm. Chúng ta ai cũng có quê hương có gia đình, bố mẹ, chỉ vài ba năm đã cồn cào nhớ quê, phải sắp xếp để về thăm quê. Tôi muốn nói điều này để thấy rằng Bác của chúng ta là người quá vĩ đại, cả cuộc đời không một chút riêng tư, cả cuộc đời vì nước vì dân. Có ai so sánh được với Bác? Suốt cuộc đời làm việc, Bác sắp xếp thời gian đi xuống cơ sở, về thăm nhân dân đến 700 lần nhưng chỉ thăm quê được 2 lần...
Không có may mắn được gặp Bác kính yêu, và Bác mất sớm nên ước mong được vào lăng viếng Bác tôi đã được “gặp Bác” từ những năm 1977, và hàng chục lần khác nữa, còn về thăm quê Bác thì mãi năm 1994 tôi mới đến thăm được và cũng mới thăm được 4 lần.
Lần thứ nhất, tôi được cơ quan phân công đưa đoàn cán bộ đi học tập ở các tỉnh phía bắc, đi bằng xe cơ quan, đoàn gồm 16 người, trong chương trình nghị sự đã tính toán thời gian, lịch trình, ưu tiên số một là phải thăm quê Bác và ra Hà nội phải vào lăng viếng Bác. Khi đến thành phố Vinh rồi đến Nam Đàn, ai cũng hồi hộp, náo nức mở cửa kính xe để tận mắt nhìn quê hương Bác nơi có phong trào chống Pháp với tiếng trống năm 30 đã đi vào sử sách khi còn học phổ thông ai cũng đã được học. Đoàn chúng tôi được đồng nghiệp tỉnh Nghệ An đón chúng tôi ở đầu đường, và đưa đoàn vào Kim Liên. Được anh em địa phương hướng dẫn chỗ đậu xe, mọi người đi bộ vào nhà Bác, chúng tôi đi qua ao sen, lúc bấy giờ là tháng 4, sen đã nở nhiều, những cơn gió nam thổi nhẹ, mùi sen thơm ngát, lòng người cảm thấy nhẹ nhõm lạ thường. Đi vào đến cổng thì phải đứng chờ vì trong nhà Bác khách thăm quan còn đông, tuy nhiên thời gian chờ cũng không lâu, lúc này có thời gian tôi đến gần sát hàng rào nhìn vào khu vườn Bác, đường đi vào hai bên trồng hai hàng chè mạn cắt bằng phẳng trông rất đẹp mắt, xung quanh khuôn viên nhà là những hàng tre xanh, đúng phong cảnh làng quê miền Bắc. Trước cửa nhà chỉ trồng một số loại hoa như huệ trắng, hoa hồng nhung, loại hoa nở bông to mà lâu tàn, màu đỏ tươi và hương thơm man mát, trong vườn chỉ trồng môt loại cây duy nhất là khoai lang. Tôi sực nhớ đến câu chuyện về lời Bác chỉ dẫn: một lần vê thăm quê, có người xin thưa với Bác (người trong họ hay người chăm sóc khu lưu niệm - tôi không nhớ rõ) thưa Bác trong vườn thì nên trồng những loại hoa gì ạ, Bác ôn tồn nói rằng: các cháu trồng loại hoa gì mà vừa đẹp, vừa kinh tế, lại ăn được lá và củ, phù hợp với làng quê mình, lúc đó chưa có ai hiểu ý Bác nên cứ ngớ người ra, thấy vậy Bác nói luôn là trồng khoai lang, cho nên từ đó đến nay trong vườn nhà Bác chúng ta chỉ thấy có khoai lang là như vậy. Bác của chúng ta thật là uyên bác.
Đoàn dâng hương tưởng niệm Bác tại Kim Liên. Ảnh: VT
Đi vào thăm nhà Bác đoàn chúng tôi được dẫn đầu và đứng chính giữa tất cả mọi người im lặng như muốn nín thở, nghe cô thuyết minh chào hỏi và giới thiệu quí danh, với giọng nói chính gốc xứ Nghệ nhẹ nhàng, ngọt ngào, cô giới thiệu hoàn cảnh gia đình Bác, tận mắt chứng kiến những hiện vật sơ sài mà gia đình bác đã dùng: từ bàn thờ gia tiên, cái khung cửi, cái hòm đựng lúa nho nhỏ, cái võng đay (bố), cái chum (lu) đựng nước, mâm cơm với những cái tô, bát cũ...lời thuyết minh đã thấm vào trái tim, ai cũng thấy thương cho hoàn cảnh gia đình Bác. Bỗng những tiếng khóc nức nở hú lên do không kìm nén được, và rồi nhiều người cùng khóc, cùng sụt sùi, tôi cũng không kìm được nước mắt, bước vội ra cây mít bên nhà mà lau nước mắt. Không chỉ trong đoàn chúng tôi, mà những đoàn đi chung cũng như vậy cả, giọng thuyết minh càng làm tăng thêm lòng kính trọng Bác và gia đình Bác. Tuy muốn ở lại để quan sát kỹ hơn một lần nữa, những đồ vật trong căn nhà và căn bếp (căn bếp là mua những vật liệu của một nhà bị cháy, những chỗ cháy đã dược bào đi nhưng vẫn còn mầu cháy đen), nhưng còn nhiều đoàn đứng chờ ngoài cổng nên chúng tôi phải kết thúc thăm nhà Bác, sau bao nhiêu năm ao ước, mong chờ thì nay đã thỏa lòng, nhưng trong lòng mang nặng nỗi nhớ thương. Bên cạnh đó là sự khâm phục cô thuyết minh, cô kể về Bác mà thuộc lòng, không một lần vấp váp. Tuy nhiên, những lần sau thì tôi không được nghe cô thuyết minh nữa, mà là những cô thuyết minh viên trẻ hơn, xong cũng thật xuất sắc khi kể về gia đình Bác.
Sau thăm nhà Bác đoàn ra nhà tưởng niệm Bác thắp hương, và chúng tôi lên núi Đại Huệ nơi thân mẫu Bác đang yên nghỉ để thắp hương cho cụ, người có công sinh thành, nuôi dưỡng người lãnh tụ kính yêu, người Cha già của dân tộc.
Đoàn thắp nhang mộ Bà Hoàng Thị Loan – thân mẫu Bác Hồ. Ảnh: VT
Lần thứ hai, vào năm 2001 có dịp về thăm quê, tôi đưa cả gia đình (vợ và hai con) vào thăm nhà Bác để mọi người cùng hiểu về hoàn cảnh gia đình Bác và kính yêu Bác. Lần thứ ba, vào năm 2005, lại cùng cơ quan đi dự đại hội thi đua toàn ngành tại Hà Nội, cơ quan cũng bố trí xe đi để anh em có dịp vào thăm nhà Bác. Lần thứ tư, tôi lại được lãnh đạo giao nhiệm vụ đưa đoàn cán bộ lãnh đạo cấp cục các tỉnh phía Nam đi thăm quan các tỉnh phía Bắc, đoàn gần ba chục người và cũng vào thăm quê Bác sau đó lên Chuông Bồn thắp nhang cho 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh trong sự nghiêp chống Mỹ cứu nước.
Đoàn cán bộ hưu trí ngành thuế các tỉnh phía Nam vào lăng viếng Bác. Ảnh: VT
Ngoài thăm nhà Bác, cả bốn chuyến đi đoàn chúng tôi đều ra Hà Nội và đều vào lăng viếng Bác, ba lần là đoàn tập thể vào lăng tôi đều đặt vòng hoa cho đoàn đi riêng để vào lăng viếng Bác sớm còn đi nơi khác.
Trong mỗi chúng ta khi còn làm việc hay đã nghỉ hưu, ai cũng được học về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Xong như người ta nói “trăm nghe không bằng mắt thấy”, khi chúng ta tận mắt nhìn thấy gia cảnh của gia đình Bác, vào lăng nhìn thấy Người đang thanh thản với giấc ngủ ngàn thu, khi mà đã hiến trọn đời mình cho dân, cho nước ta càng tiếc thương, càng kính trọng và càng tự hào vì đất nước Việt Nam ta đã có Bác. Bác mất đi là một tổn thất lớn lao cho dân tộc ta, trái tim Bác mênh mông như ôm cả non sông mọi kiếp người, với lòng nhân ái bao dung, lo từng việc lớn đến việc nhỏ,Bác chăm lo cho mọi giới,mọi ngành,từ anh bộ đội đến đoàn dân công, từ cụ già đến em nhỏ,từ người trong nước đến người cần lao trên thế giới. Bác quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, Bác quan tâm giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, quét sạch chủ nghỉa cá nhân, và phải sửa đổi lề lối làm việc để phục vụ sự nghiệp cách mạng và phục vụ lợi ích cho nhân dân. Điều cuối cùng bác lo khi Bác mất lại tổ chức phúng điếu linh đình, gây tốn kém tiền bac, nên Bác đã di chúc để lại rằng chỉ nên thiêu Bác rồi chia làm ba hũ tro cốt cho ba miền (Bắc, Trung, Nam) rồi để trên đồi trọc, ai đến viếng Bác thì trồng một cây cho tổ quốc ngày càng xanh tươi .
Trong những ngày qua, Đảng và nhà nước, nhân dân ta long trọng kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người, ta lại được nghe biết bao đức tính cao quí của Người muôn đời bất diệt, bạn bè quốc tế kể về tình đoàn kết quí trọng và những kỷ vật Bác tặng cho họ, mỗi lần ngồi xem truyền hình, đêm nghe đài nói về Bác lòng ta lại rưng rưng. Nghĩ về Bác lòng ta thấy trong sáng hơn. Bởi vì như điếu văn của Tổng bí thư Lê Duẩn trong lễ truy điệu Bác “non sông ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, Ngừơi anh hùng dân tộc đã làm rạng rỡ nhân dân ta, non sông đất nước ta”.
Cần Thơ, ngày 19/5/2020
Viết Hùng