ĐỒNG CHÍ TRƯỜNG CHINH VỚI SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI

ĐỒNG CHÍ TRƯỜNG CHINH VỚI SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI

 

Thắng lợi của công cuộc Đổi mới khẳng định tính đúng đắn của đường lối đổi mới do Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra mà đồng chí Trường Chinh chính là “Tổng Bí thư của đổi mới”[1].

 

Đổi mới là yêu cầu bức thiết

Nền kinh tế nước ta chưa kịp phục hồi sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì lại bị vết thương chiến tranh mới ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch ngày càng tăng cường bao vây cấm vận nước ta. Ngoài ra, đợt điều chỉnh giá cuối năm 1981 với việc nâng giá hàng loạt mặt hàng nhưng không điều chỉnh tiền lương một cách tương ứng đã làm cho giá cả tăng vọt, lạm phát phi mã khiến đời sống của cán bộ, công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang giảm sút nghiêm trọng.

Tình hình đó ảnh hưởng đến mọi hoạt động sản xuất, tác động đến toàn bộ đời sống xã hội. Trước tình hình đó, đồng chí Trường Chinh đã trăn trở suy nghĩ tìm cách đưa đất nước thoát khỏi tình thế khó khăn. Từ năm 1983 – 1986, đồng chí Trường Chinh trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã tổ chức và trực tiếp tham gia nhiều chương trình khảo sát thực tế tới gần 20 tỉnh thành trên khắp đất nước. Tháng 12-1982, đồng chí Trường Chinh cũng thành lập nhóm nghiên cứu những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin và nội dung cơ bản Chính sách kinh tế mới của Lênin để vận dụng vào thực tiễn Việt Nam trong bối cảnh mới.

Ảnh: Đồng chí Trường Chinh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu lịch sử.

 

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười là ngôi sao soi đường cho chúng tôi trong sự nghiệp xây dựng một cuộc đời hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam”[2]. Về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói một cách giản dị, dễ hiểu: “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc thì chủ nghĩa xã hội trước hết là làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một cuộc đời hạnh phúc”[3] và “Chế độ cộng sản là ai cũng no ấm, sung sướng, tự do; ai cũng thông thái và có đạo đức. Đó là một xã hội tốt đẹp vẻ vang. Trừ những bọn phản động quá sá, thì chắc ai cũng tán thành chế độ cộng sản”[4]. Do đó, điều mong muốn cuối cùng của Người được viết trong Di chúc là: “Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[5].

Do đó, theo đồng chí Trường Chinh, tôn trọng quy luật khách quan, vận dụng đúng đắn, hành động theo quy luật chính là cách đi lên chủ nghĩa xã hội đúng nhất và nhanh nhất[6]. Đồng chí Trường Chinh nhận định: “Làm đúng quy luật chính là hợp với lòng dân, hợp với xu thế đi lên của đất nước và của thời đại. Vì vậy, làm đúng quy luật thì nhất định sản xuất sẽ phát triển, giao lưu sẽ thông suốt, tình hình sẽ ổn định dần và từng bước đi lên”[7].

Đồng chí Trường Chinh cũng khẳng định: Nước ta có thể tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa song không thể bỏ qua phát triển sản xuất hàng hoá. Nhưng sản xuất hàng hoá ở đây là sản xuất hàng hoá xã hội chủ nghĩa, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và của nhà nước vô sản, nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân, từng bước thực hiện quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, đồng chí Trường Chinh cho rằng phải đối phó với xu hướng tự phát tư bản chủ nghĩa của nền sản xuất. Chính điều đó đặt ra nhiệm vụ cho Đảng ta phải tăng cường sức mạnh của Nhà nước, làm cho nó đủ sức kiểm soát toàn bộ hoạt động của nền kinh tế, từng bước hướng nền kinh tế vào quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội.

Ảnh : Đồng chí Trường Chinh tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Ảnh tư liệu lịch sử.

 

Ngày 14-7-1986, sau khi Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp phiên đặc biệt và đã nhất trí bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư. Tại Đại hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (họp từ ngày 15 đến ngày 18-12-1986 tại Hà Nội), đồng chí Trường Chinh đã đọc Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa V trình Đại hội lần thứ VI. Báo cáo chính trị khẳng định: “Đối với nước ta, đổi mới đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Nhiều năm nay, trong nhận thức của chúng ta về chủ nghĩa xã hội có nhiều quan niệm lạc hậu, nhất là những quan niệm về công nghiệp hóa, về cải tạo xã hội chủ nghĩa, về cơ chế quản lý kinh tế, về phân phối, lưu thông... Vì vậy, phải đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, chúng ta mới có thể vượt qua khó khăn, thực hiện những mục tiêu do Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra... Đổi mới tư duy không có nghĩa là phủ nhận những thành tựu lý luận đã đạt được, phủ nhận... đường lối đúng đắn đã được xác định, trái lại, chính là bổ sung và phát triển những thành tựu ấy”[8].

Kết thúc Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ VI của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã nhắn nhủ: Hãy giữ gìn và nâng cao danh hiệu cao quý của người đảng viên cộng sản. Các đảng viên hãy suy nghĩ và hành động vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, vì lợi ích cách mạng chứ không phải vì địa vị và tư lợi. Trung thực, không giả dối, nói ít làm nhiều, lời nói đi đôi với việc làm, nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, không giấu giếm khuyết điểm - phẩm chất ấy phải được các đảng viên thường xuyên rèn luyện.

Thận trọng trong Đổi mới

Sau Đại hội lần thứ VI của Đảng, đồng chí Trường Chinh tiếp tục cống hiến cho Đảng trong vai trò Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí Trường Chinh đặc biệt chú ý tới việc tổ chức triển khai và thực hiện Nghị quyết đổi mới của Đại hội lần thứ VI. Trong những tháng ngày làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mặc dù tuổi cao sức yếu, đồng chí Trường Chinh nhiều lần đến thăm và làm việc ở nhiều địa phương. Tại các nơi đến thăm, đồng chí Trường Chinh nhắc nhở lãnh đạo địa phương phải thấy đổi mới là một quá trình liên tục, từ thấp đến cao, từ từng mặt đến toàn diện, khẩn trương táo bạo nhưng thận trọng.

Đồng chí Trường Chinh cũng đề nghị Đảng hãy quan tâm hơn nữa đến công tác cán bộ, mà yêu cầu cấp bách và lâu dài là mỗi cán bộ phải tự đổi mới bản thân mình. Đây là việc khó khăn nhất trong toàn bộ các khâu của quá trình đổi mới, đồng thời, cũng là điều đầu tiên và điều quan trọng bậc nhất cho đổi mới. Nếu Đảng không đổi mới được cán bộ, mỗi người không đổi mới được bản thân thì rốt cuộc sẽ không đổi mới được gì hết.

Ảnh: Đại hội Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã trao trách nhiệm cố vấn cho các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ. Ảnh tư liệu lịch sử.

 

Ngược lại, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tổng kết 30 năm đổi mới (1986-2016), Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, nước ta đã xây dựng được cơ sở vật chất-kỹ thuật, hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển. Có thể khẳng định điều này qua một vài số liệu. Đó là: GDP bình quân đầu người năm 1991 là 188 USD thuộc nhóm thấp nhất, năm 2011 là 1.260 USD, gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp) của thế giới, năm 2016 là 2.050 USD, bằng 10,9 lần năm 1991. Từ 1991 đến 2016, nước ta đã tiếp nhận được nguồn vốn quốc tế khá lớn, trong đó vốn đầu tư nước ngoài thực hiện khoảng 165 tỷ USD, chiếm khoảng 22% tổng vốn đầu tư xã hội. Và, đến năm 2015, nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả châu lục; đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với nhiều quốc gia chủ chốt trên thế giới.

Chỉ riêng về tăng trưởng kinh tế, trong suốt 30 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn thời kỳ trước đổi mới. Đến năm 2015, quy mô nền kinh tế đã đạt khoảng 204 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2.300 USD[9]. Hiện tại, quy mô nền kinh tế năm 2017 hơn 220 tỷ USD. GDP bình quân đầu người ước tính đạt 2.385 USD[10]. Và từ là nước thiếu lương thực, Việt Nam hiện đã trở thành một nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới.

 

NGUYỄN TOÀN

 


[1] Võ Văn Kiệt: “Đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của đổi mới”. Theo sách: Trường Chinh một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.36.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập,  t. 8, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000,  tr. 1577.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 10, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011,  tr. 17.

[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập,  t. 8, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011,  tr. 294.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 12, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 500-501.

[6] Trường Chinh, “Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và của thời đại”, Nxb.Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.18.

[7] Trường Chinh, “Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và của thời đại”, Nxb.Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.19.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb.Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.125.

[9] GS.TS. Vương Đình Huệ, “Thành tựu kinh tế nổi bật qua 30 năm Đổi mới”, Báo Tin  Tức, cập nhật ngày 3-1-2016.

[10] http://vneconomy.vn/gdp-tang-681-quy-mo-nen-kinh-te-vuot-220-ty-usd-20171227154739941.htm