Công tác hậu cần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Chính phủ giao phó đã bảo đảm cho bộ đội chiến đấu dài ngày trên mặt trận xa hậu phương, góp phần quyết định thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 7-5-1954.
Khi Điện Biên Phủ, vùng rừng núi hiểm trở cách xa hậu phương 600 đến 700km, trở thành nơi quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp thực không kém khó khăn về tác chiến. Tình hình cung cấp khẩn trương từng ngày, từng giờ, không kém tình hình chiến đấu”. Henri Navarre – Tổng chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp khi đó đã đắc chí tuyên bố: “Việt Minh không thể giải quyết được các khó khăn để bảo đảm cho khối chủ lực đánh lớn, đánh dài ngày trên chiến trường rừng núi, xa hậu phương này”.
Xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: tư liệu
Tuy nhiên, thực tế ngược lại cách nghĩ của Navarre. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, Hội đồng Cung cấp mặt trận thành lập ở trung ương do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm chủ nhiệm. Ngoài ra, các địa phương cũng thành lập Hội đồng Cung cấp mặt trận cấp liên khu và cấp tỉnh. Công tác điều hành được phân thành hai tuyến chính: Tuyến hậu phương và tuyến chiến dịch. Tuyến hậu phương do Tổng cục Cung cấp và Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương; Liên khu Việt Bắc, Liên khu III và Liên khu IV đảm nhiệm, chuyển hàng từ Việt Bắc tới Ba Khe, từ Liên khu III, Liên khu IV tới Suối Rút. Tuyến chiến dịch do Tổng cục Cung cấp tiền phương và hội đồng cung cấp mặt trận khu Tây Bắc chịu trách nhiệm, đưa hàng từ Ba Khe và Suối Rút lên mặt trận Điện Biên Phủ... Kết quả, ta đã huy động được 260.000 dân công, bằng 12 triệu ngày công (riêng tuyến chiến dịch sử dụng 3 triệu ngày công). Theo thống kê, khối lượng vận chuyển trong chiến dịch Điện Biên Phủ là 4.450.000 tấn/km, gấp 36 lần khối lượng vận chuyển trong chiến dịch Biên giới. Tổng khối lượng cung cấp cho chiến dịch Điện Biên Phủ là 30.759 tấn, trong đó tiêu thụ hết 19.989 tấn. Cụ thể, lương thực, thực phẩm cung cấp cho chiến dịch là 25.056 tấn gạo, 907 tấn thịt, 917 tấn các loại thực phẩm khác, 1860 lít dầu ăn và 280kg mỡ. Hơn 3 triệu viên đạn các loại, 96.480 quả lựu đạn, 27,5 tấn thuốc nổ, 4950 chiếc cuốc, 8700 chiếc xẻng, 2920 con dao. Bên cạnh đó là 71 tấn quân trang, 1783 tấn xăng dầu, 55 tấn thuốc và dụng cụ quân y... Trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã huy động lực lượng thanh niên xung phong, dân công cùng với bộ đội làm được 89km đường mới, sửa chữa, nâng cấp 500km đường.
Ngựa thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: tư liệu
Theo thông tri của Ban Bí thư Trung ương Đảng (9-11-1953): “Việc vận chuyển cần phải tăng cường các thứ xe cộ, thuyền, để bớt sức dân, bất kỳ chỗ nào hễ có điều kiện dùng xe đạp, thì phải cố gắng dùng cho được. Kinh nghiệm thời gian vừa qua cho thấy rằng dùng xe đạp thồ là tốt nhất”. Trong 210 ngày (từ tháng 11-1953 đến tháng 5-1954) khoảng 22.000 xe đạp thồ đã được huy động chở lương thực, thực phẩm cung cấp cho chiến dịch. Lúc đầu, mỗi xe thồ chỉ chở được khoảng 100kg, sau đó nhiều xe được cải tiến tay ngai, quấn thêm lốp, nâng mức thồ lên 200kg, nhiều xe đạt tới 300kg. Riêng ông Ma Văn Thắng, dân công quê Phú Thọ chở được 352kg, đạt kỷ lục tại chiến dịch Điện Biên Phủ.
Bên cạnh đó, 11.800 bè mảng, 1.800 xe trâu bò, 7000 xe cút kít, hàng nghìn ngựa thồ và hầu hết xe vận tải của ta với 628 xe đã được đưa ra mặt trận, phục vụ liên tục suốt ngày đêm.
Chiến dịch Điện Biên Phủ có sự đóng góp không nhỏ của nữ dân công và đồng bào các dân tộc ít người. Nữ dân công vùng tự do đã đóng góp 2.381.000 ngày công trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Và trong số 260.000 dân công phục vụ chiến dịch có gần 90.000 người là đồng bào các dân tộc ít người, đóng góp trên 43% số gạo sử dụng tại mặt trận, hàng trăm tấn thịt, rau xanh… và khoảng 550.000 ngày công.
Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954. Ảnh: tư liệu
Ngoài ra, hậu cần chiến dịch còn cứu chữa cho 1.487 thương binh, cung cấp lương thực thực phẩm, đối xử nhân đạo với tù binh, hàng binh địch. Bởi thế, những sĩ quan cao cấp của Pháp đã phải thốt lên: “Than ôi! máy bay của chúng ta lại thua đôi bồ dân công của Việt Minh”. Chẳng hạn, đại tá Giuyn Roa đã viết “không phải viện trợ của Trung Quốc đánh bại tướng Navarre mà đó là những chiếc xe đạp Peugeot chở 200 - 300kg hàng do những dân công ăn không đủ no, ngủ trên những tấm ni nông trải ngay trên mặt đất… và lòng quyết tâm chiến thắng của đối phương”.
Do đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đúc kết lại: “quân địch không bao giờ tưởng tượng được rằng chúng ta có thể khắc phục được khó khăn này. Bọn đế quốc, bọn phản động không bao giờ đánh giá được được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù”.
Nguyễn Văn Toàn