Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ trí thức ngành y tế

LTS: Kỷ niệm 64 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2019) Ban biên tập xin giới thiệu đến Quý bạn đọc Bài viết về tình cảm của Bác Hồ với đội ngũ trí thức ngành Y tế Việt Nam.

 

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI CÁN BỘ TRÍ THỨC NGÀNH Y TẾ

 

Bác sĩ Hồ Đắc Di, bác sĩ Tôn Thất Tùng và bác sĩ Đặng Văn Ngữ là những người có những kỷ niệm sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người căn dặn về bài học xây dựng ngành Y tế nước nhà.

 

Kỷ niệm của bác sĩ Hồ Đắc Di với Bác Hồ

Bác sĩ Hồ Đắc Di (1900-1984), sinh ra tại Hà Tĩnh, quê ở làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 1947, ông được cử làm Hiệu trưởng của Trường Đại học Y đóng tại chiến khu Việt Bắc. Năm 1954, ông được cử vào đoàn tiếp quản ngành Y tế và được giao nhiệm vụ làm Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội và giữ chức vụ này đến năm 1973 mới nghỉ hưu. Bên cạnh đó ông còn từng là Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam.

Ông còn là Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội các khóa 2,3,4; Tổng Giám đốc Đại học vụ Việt Nam; Giám đốc Vụ Đại học và Trung học chuyên nghiệp; Ủy viên BCH Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Pháp.

Nhớ lại lúc sang Pháp du học nghề y trong thời gian 1918-1932, bác sĩ Hồ Đắc Di kể lại chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là niềm động viên và người chỉ hướng đi đúng đắn cho ông: “Khi còn trẻ, chọn nghề thầy thuốc, tôi những ước mong tìm thấy ở đó nơi gởi gắm nhiệt tình, nơi mang trí tuệ phục vụ con người. Nhưng cả cái thực tế phũ phàng của một nước nô lệ, những nỗi đắng cay của người trí thức ở nước thuộc địa đã dần dần mở mắt cho tôi thấy: Không thể có tự do thực sự khi nước nhà chưa độc lập. Riêng với người trí thức thì đó là sự tự do tư duy, tự do cống hiến tài năng của mình cho con người, cho đất nước. Điều đó, ngày nay tưởng như rất đơn giản, rất tự nhiên. Nhưng trước cách mạng để hiểu được điều đó phải trải qua nhiều đêm trằn trọc, chịu nhiều đắng cay dằn vật về tâm hồn và lương tâm.

Cái tên thần thoại “Nguyễn Ái Quốc” và hoạt động của Người trên đất Pháp vào những năm sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã làm cho trong tiềm thức của tôi loé lên tia sáng đầu tiên về ý niệm đó. Lúc đó tôi đang theo học khoa Y trường Đại học Paris. Tôi rất khâm phục người mang tên Nguyễn Ái Quốc dám đưa ra toà hội Vecxay tám điều yêu sách, dám phát hành tờ “Người cùng khổ”. Trong trí óc đầy tưởng tượng, tôi vẽ lên hình ảnh một con người “Hiệp sĩ”...”.

Về lần gặp Bác Hồ lần đầu tiên, Bác sĩ Hồ Đắc Di kể: “Nhưng một lần, vào buổi sáng chủ nhật, tôi cùng với một anh bạn, lúc đó là luật sư tập sự, cùng nhau đến trụ sở Hội sinh viên ở phố Nô-mơ-ra, khu La-Tin, Paris để gặp gỡ bạn bè. Khi đến trụ sở, nhìn vào phòng trong, tôi thấy ba người đang trò chuyện bên chiếc bàn con. Trong ba người đó, tôi nhận ra một người là cụ Phan Chu Trinh, người thứ hai là Luật sư Phan Văn Trường, còn người thứ ba, một thanh niên dáng người dong dỏng cao, trán rộng, mắt sáng, tôi không biết anh. Anh Giáo ghé tai tôi nói nhỏ:

- Nguyễn Ái Quốc đó!

Thì ra đó chính là người đã làm xôn xao dư luận, làm cho thế giới biết đến tên tuổi Việt Nam, đang ngồi kia, cũng bình dị như mọi người “trần tục”. Sau lần ấy, tôi còn thấy Bác ở trụ sở Hội sinh viên một lần nữa rồi bẵng đi mấy chục năm sau tôi không được gặp lại, nhưng tên tuổi Người luôn vang lên, khi ở nơi này, khi ở nơi khác!”.

Về Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bác sĩ Hồ Đắc Di nhớ lại: “Không khí Hà Nội trong những ngày tiền khởi nghĩa ngột ngạt như trước cơn dông. Những hoạt động rất táo bạo của “Việt Minh” ở Hà Nội làm cho mọi người trong đó có tôi rất khâm phục, tuy lúc ấy, tôi cũng chưa có khái niệm gì rõ rệt về tôn chỉ, mục đích của Việt Minh. Khi biết rõ “Việt Minh” do ông Nguyễn Ái Quốc sáng lập, từ một tờ truyền đơn của người nào đó luồn qua khe cửa và được biết đó là thư kêu gọi Tổng Khởi nghĩa ký tên Nguyễn Ái Quốc thì tôi yên trí: Đó là chính nghĩa, là độc lập cho Tổ quốc, tự do cho dân tộc.

Và khi được thấy con người mảnh khảnh năm nào, nay tóc đã điểm bạc, mang chòm râu lơ thơ, cất giọng Nghệ đầm ấm đọc Tuyên ngôn Độc lập thì niềm tin của tôi càng vững chắc. Chính niềm tin đó đã quyết định con đường lựa chọn sau này của tôi”.

Về giai đoạn kháng chiến chống Pháp, bác sĩ Hồ Đắc Di nhớ lại: “Kháng chiến bùng nổ. Biết bao nhiêu sự lúng túng, bao nhiêu điều bỡ ngỡ. Ra đi kháng chiến, lòng tôi bao mối lo: Lên rừng núi làm gì có điều kiện giảng dạy, làm gì có điều kiện nghiên cứu khoa học. Những năm tháng đầu tiên thật vất vả! Trường sở chẳng có, phải thuyên chuyển luôn để tránh giặc, dụng cụ, sách vở hầu như không có gì.

Trong lúc đang lúng túng, khó khăn, tôi lại có dịp được gặp Hồ Chủ tịch. Phải trèo đèo lội suối mấy ngày đường tôi mới lên tới ATK (An toàn khu). Anh em đưa tôi tới một khu rừng, cây lá um tùm, mấy nếp nhà sàn nấp kín dưới lùm cây. Hồ Chủ tịch đã tiếp tôi ở một trong những ngôi nhà đó. Bác gầy đi nhiều nhưng dáng điệu vẫn ung dung, thanh thản. Bác vẫn bộ đồ nâu, chân đi dép cao su, đôi dép sau này đã trở thành hình ảnh thần thoại! Tôi đã đem hết những nỗi lo lắng, băn khoăn về công việc của mình trình bày với Bác và đề nghị Chính phủ giúp đỡ. Bác đã chăm chú nghe tôi rồi ân cần nói, đại ý:

- Nước nhà đang kháng chiến, gặp nhiều khó khăn. Các chú phải “Tự lực cánh sinh”, bàn bạc với nhau, tự tìm cách giải quyết. Chính phủ cũng sẽ cố gắng giúp đỡ!

Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy câu “Tự lực cánh sinh” mà sau này đã trở nên phương châm hành động của chúng ta. Lời nói giản dị của Hồ Chủ tịch lúc đó thâu tóm vào bốn chữ đã vạch ra cho tôi hướng đi. Thực sự chân lý bao giờ cũng giản dị. Nghe thấy chân lý đó, chúng tôi đã hành động. Không có sách, chúng tôi đã viết ra sách để giảng dạy cho sinh viên. Không có trường sở dạy, chúng tôi đã lập bệnh viện vừa chữa bệnh cho dân địa phương, vừa hướng dẫn sinh viên học tập. Trường sở, nhà ở đều nhờ vào sức dân, thầy trò chung lưng đấu cật, dựng lên những ngôi nhà giữa rừng, vừa làm, vừa dạy. Những khoá bác sĩ đầu tiên đã tốt nghiệp toả ra khắp nẻo đất nước; khắp các chiến trường phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến. Chính Hồ Chủ tịch là người cha đỡ đầu tinh thần cho Trường Y kháng chiến”- Bác sĩ Hồ Đắc Di nhớ lại.

Bác sĩ Hồ Đắc Di kết lại: “Hoà bình lập lại, ngành Y gánh thêm biết bao nhiêu nhiệm vụ mới hết sức nặng nề. Một lần nữa Bác lại đến với chúng tôi, vạch ra phương hướng công tác. Bác dạy Lương y phải như từ mẫu... Y học cũng phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc, đại chúng!

Như vậy là trong cuộc đời của tôi đã có nhiều dịp được gặp Hồ Chủ tịch. Mỗi lần gặp diễn ra trong một hoàn cảnh khác nhau, một thời kỳ khác nhau, nhưng đều bao hàm một ý nghĩa riêng, quyết định phương hướng hành động của tôi”.

Kỷ niệm của bác sĩ Tôn Thất Tùng với Bác Hồ

Bác sĩ Tôn Thất Tùng (1912-1982), sinh tại Thanh Hóa và lớn lên ở Huế, là một bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực gan và giải phẫu gan. Năm 1935, ông học tại Trường Y khoa Hà Nội, một trường thành viên của Viện Đại học Đông Dương do thực dân Pháp lập ra. Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ông được chính quyền cách mạng cử làm Giám đốc bệnh viện Phủ Doãn và cùng với giáo sư Hồ Đắc Di, ông đã bắt tay xây dựng Trường Đại học Y Hà Nội. Ông cũng được cử làm làm cố vấn phẫu thuật ngành quân y ở Bộ Quốc phòng. Cũng trong thời gian này, cùng với bác sĩ Đặng Văn Ngữ, ông đã góp phần sản xuất Penicilline phục vụ thương bệnh binh trong điều kiện dã chiến. Năm 1947, ông được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế và giữ chức vụ này cho tới năm 1961. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Bác sĩ Tôn Thất Tùng (người mặc complet trắng bên trái) dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Bệnh viện Việt - Đức sau ngày Hà Nội giải phóng (10-10-1954). Ảnh tư liệu lịch sử.

 

Bác sĩ Tôn Thất Tùng kể lại kỷ niệm của mình khi được gặp Bác Hồ lần đầu tiên: “Nhớ Bác quá, nhớ ngày đầu tiên gặp Bác ở Bắc Bộ Phủ: Một cụ già ăn mặc rất giản dị, gầy gò, trán cao, hai mắt sáng và toàn thân toát ra một sức hấp dẫn lạ thường. Ngay giờ phút ấy, tôi đã biết cuộc đời của tôi từ đây sẽ hoàn toàn thay đổi. Ngay giờ phút ấy, tâm hồn và trí tuệ của tôi đã đi theo Bác. Tôi vui sướng lắm”.

“Rồi tới những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Sau khi thoát khỏi vòng vây của địch ở Đốc - Tín, tôi nhận được một cái thiếp của Bác, có đóng một dấu triện đỏ nhỏ, với những hàng chữ đánh máy màu tím như sau: “Bác sĩ Tùng, chú làm việc rất hăng hái. Tôi rất vui lòng. Chú cứ gắng sức. Kháng chiến nhất định thành công. Tổ quốc sẽ nhớ công con hiền cháu thảo ...” - Bác sĩ Tôn Thất Tùng nhớ lại.

Bác sĩ Tôn Thất Tùng kể tiếp: “Hòa bình lập lại, Bác vẫn theo dõi trên báo chí các thành tích về y tế của ta. Một hôm, gặp tôi, Bác hỏi: “Sao chú mấy lâu nay lại ít cho tin tức về mổ xẻ của ta? Còn cái bà có hòn đá trong tim nay còn khỏe không ?”. Tôi sực nhớ đến một bệnh nhân mà cách đây hai năm, tôi đã mổ lấy ra một cái u lớn có vôi hóa đá đè trên tim. Thế mà Bác cũng biết. Thì ra Bác quan tâm theo dõi từng bước tiến của tôi.

Năm 1962, tôi được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Sau lễ tuyên dương, tôi được cùng với 44 đồng chí Anh hùng đến thăm Bác. Bác vui lắm, Bác bảo: “Các cô, các chú phải lần lượt phát biểu cảm tưởng ấy”. Đến lượt tôi, thấy tôi chậm giơ tay, Bác nói: “Chú Tùng cũng phải nói chứ, ít nhất để cho các người Huế với nhau nghe với”. Chưa bao giờ tôi cảm động đến thế.

Con người tôi đã bao nhiêu lần lạnh lùng cầm cái sống và cái chết trong tay, thế mà hôm nay tôi hoàn toàn mất bình tĩnh, không trấn tĩnh được tình cảm dạt dào trong lòng.

Tôi thưa lại với Bác chuyện cũ, chuyện 10 năm về trước, trong một buổi lễ tại khu rừng Việt Bắc, Bác Tôn trước mặt Bác đã gắn cho tôi Huân chương kháng chiến. Tôi nhớ, khi ấy, tôi có nói: “Tôi ở một thành phần giai cấp mà con đường duy nhất là đi đến phản cách mạng. Thế mà nhờ sự giáo dục của Đảng, tôi lại được thưởng huân chương”.

Từ bấy đã 10 năm. Hôm nay ở ngực tôi, không phải chỉ có một huân chương, mà nhiều huân chương, tôi lại được tuyên dương là Anh hùng Lao động. Tôi nhớ có một lần một người bạn Đức, được biết lịch sử đời tôi đã nói: “Đảng các anh đã hóa đá thành vàng”. Đúng là như thế. Hôm nay, được hưởng vinh dự lớn lao này, làm sao tôi lại không cảm động, không nhắc đến công ơn của Đảng, của Bác.

Kể chuyện cũ xong, tôi hứa với Bác, làm sao chúng tôi cũng hết sức xây dựng một đội ngũ cán bộ y học hùng mạnh để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, để đưa y học nước nhà vào hàng những nước tiên tiến”.

Bác sĩ Tôn Thất Tùng khẳng định: “Ôn lại những bài học Bác dạy, tôi càng thấm thía sự ân cần của Bác đối với tôi như tình cha, con: “Chú phải sống như người ta, làm như người ta mới có thể cảm hóa người ta”, “Cái gì lợi cho nước thì làm, không lợi thì không làm”, “Muốn thành công việc gì, trước hết phải đoàn kết với nhau; thiếu đoàn kết, không bao giờ làm được việc gì”.

Nghĩ lại, nếu quả tôi đóng góp chút gì về khoa học, chính là nhờ tôi biết học và hành bài học đoàn kết của Bác Hồ. Tôi hiểu rằng sự nghiệp khoa học bao giờ cũng là sự nghiệp tập thể. Người làm công tác khoa học, phải học cách phối hợp, phối hợp rất tài tình các binh chủng khác nhau, như Bác Hồ đã tập hợp trí, dũng của dân ta, đưa dân ta từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Cuối cùng, bác sĩ Tôn Thất Tùng kết lại: “tôi muốn hồi tưởng lại những ngày đã qua, hồi tưởng lại từng phút được sống gần Bác, được Bác chỉ bảo dạy dỗ”.

Kỷ niệm của bác sĩ Đặng Văn Ngữ với Bác Hồ

Không chỉ bác sĩ Hồ Đắc Di và bác sĩ Tôn Thất Tùng, Liệt sĩ - bác sĩ Đặng Văn Ngữ cũng có những kỷ niệm không quên về Bác Hồ.

Bác sĩ Đặng Văn Ngữ sinh ngày 4-4-1910 tại làng An Cựu ngoại ô thành phố Huế. Ông tốt nghiệp bác sĩ y khoa nǎm 1937 tại Đại học y khoa Hà Nội. Nǎm 1941, giáo sư Massuo Ota, một nhà nấm học Nhật Bản, sang Hà Nội và giảng một số giờ tại Trường Đại học Y, ít lâu sau bác sĩ Đặng Văn Ngữ được cử sang Nhật với tư cách phái viên của trường và với hy vọng trở thành một nhà nấm học giỏi nhất Á Đông.

Từ tháng 12 nǎm 1946, biết tin kháng chiến toàn quốc bùng nổ, sau khi bắt được liên lạc với đại diện Chính phủ ta tại Bangkok (Thái Lan), ông được chính quyền cách mạng tổ chức đưa về khu IV (cũ) rồi lên cǎn cứ địa Việt Bắc với vài bộ quần áo và một ống nấm Penicilline để gặp Bác Hồ.

Bác sỹ Đặng Văn Ngữ (ở giữa) với Bác Hồ nhân dịp Bác thăm trường Y - Dược và khoa Kí sinh trùng. Ảnh tư liệu lịch sử.

 

Bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã viết về cuộc gặp hôm đó và lời dạy của Bác đối với việc sản xuất Penicilline rằng: “...Khi đến phía tôi, Bác chỉ cái cà vạt của tôi vừa cười vừa nói:

- A, chú Ngữ đã đến, không cần phải giới thiệu, nhìn cà vạt ở cổ thì biết ngay người mới ở ngoại quốc về.

Gặp Bác, tôi không thấy bối rối lo sợ, lúng túng như tôi tưởng tượng, trái lại, tôi có cảm tưởng thân mật như một người con đi xa về gặp cha vậy. Sau bữa cơm trưa hôm đó, tôi lại được gặp riêng Bác, Bác bảo:

- Bộ đội ta cần rất nhiều thuốc để chữa vết thương, chú phải cố gắng giải quyết vấn đề thuốc. Nghe nói chú biết làm Penicilline. Chú có kế hoạch gì không?

- Dạ có. Tôi rút trong túi ra một kế hoạch đã chuẩn bị sẵn (với sự tham gia ý kiến của bác sĩ Tùng và bác sĩ Di). Trong kế hoạch có đề ra một Phòng nghiên cứu Trung ương. Phòng ấy sẽ chỉ huy một số Phòng nghiên cứu ở địa phương. Các phòng ở địa phương sẽ huấn luyện và cung cấp nhân viên làm nước lọc Penicilline cho các trạm phẫu thuật ở tiền tuyến.

Bác chăm chú nghe tôi trình bày. Nghe xong, Bác chỉ tay vào đoạn cuối cùng (phần huấn luyện cán bộ) của bản kế hoạch và bảo:

 - Chú nên chú trọng về phần này, phần này phải làm trước. Chú phải huấn luyện cho nhiều y tá đi phục vụ ngay ở tiền tuyến. Các phòng thí nghiệm cũng cần thiết, nhưng chú sẽ có thì giờ làm sau, chú cần bao nhiêu thời gian để huấn luyện một y tá có thể làm được Penicilline ?

- Thưa Bác, chừng một tháng, tôi trả lời.

- Thôi, cứ cho là 3 tháng, cho rộng rãi. Còn vật liệu, chú cần những gì?

- Thưa Bác, cần nhất là chai, lọ; nếu có chai bẹt thì tốt; nếu không tạm dùng chai tròn cũng được, nhưng phải có hàng nghìn chai mới sản xuất kịp.

Bác liền cho mời đồng chí Hoàng Quốc Việt (Chủ tịch Tổng Công đoàn), ông Nguyễn Văn Huyên (Bộ trưởng Bộ Giáo dục), ông Vũ Văn Cẩn (Cục trưởng Cục Quân y) và ông Lê Văn Hiến (Bộ trưởng Bộ Tài chính) tới, Bác nhắc các vị ấy giúp tôi để công tác chung có hiệu quả ...”.

Kết quả là trong thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp tại chiến khu Việt Bắc, bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã nghiên cứu thành công cách sản xuất ra thuốc Penicilline, loại thuốc kháng sinh này đã góp phần rất lớn trong điều trị chống nhiễm khuẩn cho thương binh và nhân dân trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ sau này.

Năm 1955, bác sĩ Đặng Văn Ngữ sáng lập ra Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và côn trùng Việt Nam, và làm Viện trưởng đầu tiên của viện này. Trong chiến tranh Việt Nam, ông tập trung nghiên cứu phòng chống và điều trị căn bệnh sốt rét tại Việt Nam.

Đúng vào dịp Tết cổ truyền dân tộc nǎm 1967,  bác sĩ Đặng Văn Ngữ dẫn đầu một đoàn nghiên cứu sốt rét vào chiến trường Trị Thiên-Huế để nghiên cứu các biện pháp phòng chống sốt rét tại chiến trường và về vacxin sốt rét.  Bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã hy sinh trên mặt trận Trị-Thiên- Huế ngày 1-4-1967 vì một loạt bom B52 của giặc Mỹ. Ngay trong năm 1967, bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lao động, liệt sĩ. Nǎm 1996, bác sĩ Đặng Văn Ngữ được truy tặng giải thường Hồ Chí Minh, giải thưởng lớn về khoa học của Nhà nước cho các công trình khoa học của bác sĩ.

Nguyễn Văn Toàn

Tài liệu tham khảo:

- “Hồ Đắc Di - cuộc đời và sự nghiệp”. NXB. Y học Hà Nội. 1999

- “Đặng Văn Ngữ - cuộc đời và sự nghiệp”. NXB. Y học Hà Nội. 2000.

- “Tôn Thất Tùng - cuộc và sự nghiệp” – NXB. Y học Hà Nội. 2002.