Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020)
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – NGỌN CỜ ĐẤU TRANH VÌ CÔNG LÝ
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là ngọn cờ đấu tranh vì công lý. Đánh giá về điều này, tiến sĩ M.Ahmed, Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhận định: “Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho tổ quốc và nhân loại bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”[1].
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong Đại hội Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp năm 1920. Người đã tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Ảnh tư liệu lịch sử.
Ngọn cờ đấu tranh vì công lý
Trong những năm tháng học ở trường tiểu học Pháp – Việt Đông Ba và trường Quốc Học Huế, Người đã bị hấp dẫn bởi tư tưởng “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” của giai cấp tư sản qua văn hóa Pháp, mà sau khi tham gia phong trào chống thuế tháng 4-1908, Người đã đã quyết chí rời Huế vào Nam để tìm đường cứu nước ở phương trời Tây vào năm 1911 tại Bến cảng Nhà Rồng. Theo con tàu Đô đốc Latouche-Tréville, Người đến thành phố Marseille của nước Pháp vào tháng 7-1911. Từ Marseille, theo một con tàu khác, Nguyễn Tất Thành đã có một cuộc hành trình rất dài đi vòng quanh châu Phi rồi sang những nước tư bản tiên tiến nhất lúc bấy giờ. Người đã sang nước Mỹ (1912-1913) rồi đến nước Anh (1913-1917). Đến cuối năm 1917, Người lại trở về nước Pháp và hoạt động ở nước này đến năm 1923. Tại những nơi này Người đã nghiên cứu một số cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu nhất thời cận đại và nhận ra bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa phương Tây “trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”[2] và kết luận “cách mệnh tư bản là cách mệnh chưa đến nơi”[3]. Đối với nước Mỹ, một nước thuộc địa giành được độc lập từ Anh và có bức tượng Nữ thần Tự do nổi tiếng, Người viết về công lý ở đất nước này như sau: “Linsơ là tên một chủ đồn điền ở bang Viếcgini vừa là địa chủ, vừa là quan toà. Lợi dụng tình hình rối ren trong cuộc chiến tranh giành độc lập, hắn thâu tóm toàn bộ quyền hành trong quận. Những người thuộc phái bảo hoàng và những người thuộc phái bảo thủ bị hắn trừng phạt rất dã man, không cần xét xử, không cần án từ gì cả. Nhờ bọn chủ nô, nhờ đảng Ku Klux Klan và những tổ chức bí mật khác, nên tục hành hình kiểu Linsơ, một tục không hợp pháp và man rợ trở thành phổ biến và kéo dài mãi ở các bang trong Liên bang Mỹ. Sau khi người da đen được giải phóng, tục đó càng trở nên vô nhân đạo, và đặc biệt chĩa vào người da đen… Trong số 78 người da đen bị hành hình kiểu Linsơ nǎm 1919, có 11 người bị thiêu sống, 3 người bị thiêu sau khi đã bị giết, 31 người bị bắn chết, 3 người bị hành hạ cho đến chết, 1 người bị chặt ra làm nhiều mảnh, 1 người bị dìm chết dưới nước, 11 người bị giết bằng nhiều cách khác”[4] (trích “Hành hình kiểu Linsơ – Một phương diện ít người biết về nền văn minh Mỹ”).
Năm 1919, tại thủ đô Paris của nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều thời gian đi sâu sát những khu vực có đông Việt kiều, vận động cổ vũ tinh thần yêu nước, tố cáo tội ác của bọn thực dân đế quốc, dần dần được mọi người yêu quí tin tưởng và trở thành linh hồn của Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Đại diện Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam”, gồm 8 điểm và được viết bằng tiếng Pháp gửi tới Hội nghị Hòa bình Versailles vào ngày 18-6-1919, đòi chính phủ Pháp ân xá các tù chính trị, thực hiện các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Trong 8 nội dung của bản Yêu sách có hai nội dung liên quan trực tiếp đến công lý. Đó là, “Cải cách nền pháp lý Đông Dương bằng cách để người bản xứ cũng được quyền hưởng những bảo đảm pháp lý như người châu Âu. Xóa bỏ hoàn toàn những tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam” và “Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật”[5]. Cũng cần nhấn mạnh là cùng ngày 18-6-1919, Người cũng đã gửi Bản yêu sách cho Tổng thống thứ 28 của Hoa Kỳ Woodrow Wilson với mong muốn ông này “ủng hộ trước những người có thẩm quyền”. Woodrow Wilson khi đó đã đưa ra Tuyên bố với 14 nguyên tắc ứng xử giữa các quốc gia sau cuộc đại chiến. Đặc biệt, tại Điểm số 14 của Tuyên bố này nêu rõ: “Thành lập Liên minh các dân tộc để đảm bảo độc lập cho tất cả các dân tộc trên thế giới, dù lớn, dù nhỏ”. “Chủ nghĩa Wilson” với sự hô hào về “quyền dân tộc tự quyết” sau đó được Người đánh giá là “bánh vẽ”, “trò bịp bợm lớn”[6]. Từ đây, Người nhận thức một điều sâu sắc đó là: “Trong cuộc đấu tranh giành độc lập thì phải dựa vào sức mình để giải phóng mình, đừng bao giờ hy vọng trông chờ vào sự “ban ơn” của chính quyền tư sản”[7].
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Do đó, dù Bản yêu sách phản ánh nguyện vọng của nhân dân Việt Nam không được Hội nghị Hòa bình Versailles xem xét nhưng nó lại tác động mạnh mẽ đến người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Bản yêu sách đã được đăng toàn văn trên báo Nhân đạo (L' Humanité) và trên báo Dân chúng (Le Populaire). Ngoài bản tiếng Pháp, Bản yêu sách còn có bản chữ quốc ngữ theo thể văn vần, nhan đề “Việt Nam yêu cầu” và một bản chữ Hán nhan đề “An Nam nhân dân thỉnh nguyện thư” để gửi cho Việt kiều ở Pháp và bí mật gửi về nước. Tổng cộng, 6.000 Bản yêu sách đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tự bỏ tiền túi để in ra. Một tiếng vang nữa là ngày 18-9-1919, Bản yêu sách được đăng trên báo Yiche Pao (Nghị xã báo) xuất bản ở Thiên Tân (Trung Quốc).
Chính quyền Pháp lúc đó xác định Người là lá cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc. Trong một lần đến theo dõi buổi nói chuyện ở Hội trường Hooctiquyntơ tại Paris, viên mật thám Pháp Paul Arnoux tận mắt chứng kiến Người đang phân phát truyền đơn in bản Yêu sách cho những người có mặt, đã phải thốt lên dự cảm: “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”. Năm ngày sau khi Bản yêu sách được gửi đi, Tổng thống Pháp đã yêu cầu điều tra dồn dập về Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp và người đại diện đã gửi Bản yêu sách với cái tên “Nguyễn Ái Quốc”.
Ngày 2-8-1919, bài “Vấn đề bản xứ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Nhân đạo (L’ Humanité) cũng nhắc lại những nội dung chính Bản yêu sách và khẳng định nguyện vọng của nhân dân Việt Nam là chính đáng. Trong bài báo nay, Người viết: “Về hành chính và pháp lý: cả một vực thẳm cách biệt người Âu với người bản xứ. Người Âu hưởng mọi tự do và ngự trị như người chủ tuyệt đối; còn người bản xứ thì bị bịt mõm và bị buộc dây đi, chỉ có quyền phải phục tùng, không được kêu ca… Còn công lý, đối với người bản xứ, nó tồn tại như thế này đây: Người Âu nào đã giết chết, tàn sát hoặc cưỡng dâm người bản xứ, thì trong trường hợp vụ án không thể được ỉm hoàn toàn, anh ta chắc mẩm rằng mình được toà án tha bổng, mình ra toà chẳng qua là chuyện hình thức”[8].
Ngày 6-9-1919, Albert Sarrau, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa (từng là Toàn quyền Đông Dương) đã đích thân gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trụ sở Bộ Thuộc địa. Ngay ngày hôm sau, Người viết thư đòi Albert Sarraut thực thi Bản yêu sách: “Tiếp theo cuộc trao đổi với Ngài hôm qua, tôi xin phép gởi đến Ngài kèm theo đây bản trình bày các yêu cầu của người An Nam. Vì Ngài có nhã ý nói với tôi rằng Ngài luôn luôn muốn làm sáng tỏ mọi vấn đề, tôi xin phép yêu cầu Ngài cho biết là trong 8 điểm yêu cầu của chúng tôi có điểm nào đã được thực hiện, và chúng tôi phải liên hệ với những tư liệu nào để chứng minh điều đó. Vì tôi xin khẳng định là cả 8 điểm đều còn nguyên vẹn và chưa có điểm nào được giải quyết một cách thoả đáng”[9]. Ngày 15-11-1919, Người gặp Pierre Pasquier, một quan chức Bộ Thuộc địa Pháp và Người đã hỏi: “Mỹ sau 10 năm đã cho Philíppin tự trị, Nhật vừa cho Triều Tiên tự trị sau 14 năm. Sao Pháp chưa làm gì cho Đông Dương?”. Pierre Pasquier cứng họng!
Trong “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925), trong chương 8 mang tên “Công lý”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về nền công lý mà nước Pháp “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” mang lại cho người dân Việt Nam như sau: “Thế thì tại sao ở Đông Dương, ông người Pháp nọ bắn vỡ sọ một người Trung Kỳ bằng súng lục; ông viên chức Pháp kia nhốt một người Bắc Kỳ vào cũi chó sau khi đánh đập tàn nhẫn anh ta; ông thầu khoán Pháp này trói tay một người Nam Kỳ cho chó cắn, rồi đem giết đi; ông thợ máy Pháp kia “hạ sát” một người An Nam bằng súng săn; ông nhân viên hàng hải Pháp khác xô người gác cầu bản xứ vào đống than hồng cho chết, v.v. và v.v. lại không bị trừng trị?”. Bởi vậy, Người châm biếm: “Công lý được tượng trưng bằng một người đàn bà dịu hiền, một tay cầm cân, một tay cầm kiếm. Vì đường từ Pháp đến Đông Dương xa quá, xa đến nỗi sang được tới đó thì cán cân đã mất thăng bằng, đĩa cân đã chảy lỏng ra và biến thành những tẩu thuốc phiện hoặc những chai rượu ty, nên người đàn bà tội nghiệp chỉ còn lại độc cái kiếm để chém giết. Bà chém giết đến cả người vô tội, và nhất là người vô tội”[10]. Bởi vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét Chủ tịch Hồ Chí Minh là “người đầu tiên kết án chủ nghĩa thực dân. Người đã cùng với dân tộc của Người thi hành bản án đó”[11].
Đến với nền công lý vĩ đại
Vào những tháng cuối năm 1919, Uỷ ban Quốc tế Cộng sản của Đảng Xã hội Pháp được thành lập. Mục đích của Uỷ ban này là vận động Đảng gia nhập Quốc tế Cộng sản và bảo vệ cách mạng Nga đang bị các chính phủ tư sản kể cả Chính phủ Clémanceau của Pháp, tấn công dữ dội. Trong những ngày này, Người luôn tham dự các cuộc họp của tổ chức này. Trong các cuộc họp, Người thường thông báo cho các bạn Pháp về tình hình Việt Nam và những tội ác của thực dân Pháp ở đó.
Trong hai ngày 16 và 17-7-1920 trên báo Nhân đạo ở Pháp đã đăng “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin. Sơ thảo luận cương của Lênin đã chỉ ra: “Đối với các quốc gia, dân tộc chậm tiến hơn…nhất thiết phải có sự giúp đỡ của các đảng cộng sản đối với phong trào giải phóng dân tộc dân chủ tư sản của những nước ấy; công nhân của một nước đang thống trị một dân tộc chậm tiến về mặt thuộc địa hoặc về mặt tài chính phải có nhiệm vụ trước tiên ủng hộ tích cực nhất phong trào giải phóng của dân tộc ấy!”[12]. Qua nghiên cứu Luận cương, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) đã hoàn toàn tin theo Lênin và Quốc tế thứ ba. Trong “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” (1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết về ảnh hưởng của bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa” của Lênin đối với Người như sau: “Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”[13].
Điều này cũng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định lại nhiều lần, ngay từ năm 1920 “dù chưa biết đủ tiếng Pháp để nói hết ý nghĩ của mình, tôi vẫn đập mạnh những lời lẽ chống lại Lênin, chống lại Quốc tế thứ ba. Lý lẽ duy nhất của tôi là: Nếu đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu đồng chí không bênh vực các dân tộc thuộc địa thì đồng chí làm cái cách mạng gì?”[14].
Trong tác phẩm “Đường Kách Mệnh” được xuất bản năm 1927, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những nhận xét rất sâu sắc, toàn diện về cách mạng Tháng Mười: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi lại ra sức cho công, nông các nước và dân tộc bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đạp đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”[15]. Tin theo Lênin, tin theo Cách mạng Tháng Mười, Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[16]. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công đã khẳng định con đường cứu nước, giải phóng dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm ra là đúng đắn. Người nhấn mạnh: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Đó là thắng lợi đầu tiên của Chủ nghĩa Mác-Lênin ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Cách mạng đã đập tan xiềng xích của thực dân Pháp và phát xít Nhật, lật nhào chế độ quân chủ phong kiến thối nát trên đất nước ta, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á”[17].
Về phát triển nền kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười là ngôi sao soi đường cho chúng tôi trong sự nghiệp xây dựng một cuộc đời hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam”[18]. Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh không nói đến những lý luận cao xa về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, mà Người nói một cách giản dị, dễ hiểu: “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc thì chủ nghĩa xã hội trước hết là làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một cuộc đời hạnh phúc”[19] và “Chế độ cộng sản là ai cũng no ấm, sung sướng, tự do; ai cũng thông thái và có đạo đức. Đó là một xã hội tốt đẹp vẻ vang. Trừ những bọn phản động quá sá, thì chắc ai cũng tán thành chế độ cộng sản”[20].
Là người sáng lập nhà nước dân chủ ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người có công lớn nhất trong sự nghiệp lập hiến và lập pháp. Người hết sức chăm lo đưa pháp luật vào cuộc sống, tạo ra cơ chế bảo đảm cho pháp luật được thi hành, cơ chế kiểm tra, giám sát việc thi hành đó trong các cơ quan nhà nước và trong nhân dân. Ở cương vị Chủ tịch nước, Người đã hai lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo hiến pháp (1946 và 1959), ký lệnh công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác…
Tượng đài Bác Hồ ở trước trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/.
Khi bàn về công lý, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phác họa một nền công lý chân chính là phải đối lập với nền công lý giả tạo dựa trên sự bất bình đẳng và chà đạp quyền con người do thực dân Pháp dựng nên. Vì lẽ đó, ngay sau khi thành lập nhà nước cách mạng, trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã ban hành Sắc lệnh số 13 ngày 24-1-1946 quy định: “Các vị Thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý” (Điều 47); khi các Phụ thẩm nhậm chức phải tuyên thệ: “Tôi thề trước công lý và nhân dân rằng tôi sẽ suy xét cẩn thận những án đem ra xử, không hề ăn hối lộ, vị nể, vì sợ hãi hay vì tư lợi hay thù oán riêng mà bênh vực hay làm hại một bị can nào. Tôi sẽ cứ công bằng mà xét định mọi việc” (Điều 25).
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực chấp hành nghiêm luật pháp. Các đồng chí phục vụ Bác kể rằng một lần trên đường đi, gặp đèn đỏ ở ngã tư xe chở Bác phải dừng lại. Một đồng chí bảo vệ định đến bục cảnh sát giao thông yêu cầu bật đèn xanh mở đường cho xe Bác, thấy vậy Bác ngăn lại và nói: “Các chú không được làm như thế. Phải gương mẫu tôn trọng luật lệ giao thông, không nên bắt người khác nhường quyền ưu tiên cho mình”[21].
Nói về nền “công lý” của Mỹ đang thực thi tại Miền Nam Việt Nam, trên Báo Nhân Dân số 3992 (ngày 8-3-1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết rõ: “Ở Hội nghị Giơnevơ, Chính phủ Mỹ đã tuyên bố rằng: Mỹ sẽ không đe doạ hoặc dùng vũ lực cản trở Hiệp định ấy. Nhưng chữ ký chưa ráo mực thì Mỹ đã dùng mọi cách phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Mỹ nặn ra chính quyền bù nhìn phát xít Ngô Đình Diệm. Mỹ tổ chức, vũ trang, huấn luyện cho nguỵ quyền một quân đội đánh thuê khát máu. Suốt mười nǎm trời, gần 20 vạn đồng bào miền Nam yêu nước đã bị Mỹ – Diệm khủng bố, tù đày, chặt cổ mổ bụng. 70 vạn người đã bị tra tấn giam cầm trở nên tàn phế. Hàng triệu người bị nhốt vào các trại tập trung mà chúng gọi là “ấp chiến lược”. Không gia đình nào không có người bị hy sinh. Không làng xóm nào không bị càn quét. Đế quốc Mỹ và bọn tay sai đã phạm hết mọi tội ác dã man, chúng đã biến miền Nam thành một địa ngục”. Trong thư chúc mừng năm mới năm 1969, bài thơ chúc tết cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với những nỗi niềm và nhắn gửi, Người nói: “Thay mặt nhân dân cả nước ta, tôi nhiệt liệt chúc mừng và cảm ơn các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước bầu bạn và nhân dân yêu chuộng hoà bình, công lý trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ, đã hết lòng ủng hộ và giúp đỡ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam”[22].
Bởi vậy, đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến sĩ M.Ahmed, Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhận định: “Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho tổ quốc và nhân loại bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”[23].
NGUYỄN VĂN TOÀN
[1] UNESCO và Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trích tham luận của đại biểu quốc tế), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr. 37.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 1, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 2000, tr. 268.
[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 2, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 270.
[5] http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/print/2435/viet-nam-yeu-cau-ca-ang-tho-dich-tai-tinh-cua-bac-ho
[6]Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 2, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 416.
[7] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr. 33.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, tr. 7
[9] Thu Trang, “ Nguyễn Ái Quốc ở Pari (1917 - 1923)”, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 420.
[10] https://www.bqllang.gov.vn/chu-tich-ho-chi-minh/tac-pham/789-b-n-an-ch-d-th-c-dan-phap.html?start=9
[12] V.I. Lênin: Toàn tập, t. 41, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr. 197-206.
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 10, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 127.
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 10, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 127.
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 2, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 280.
[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 1, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 435-436.
[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 544.
[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 8, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 1577.
[19] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 10, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 17.
[20]Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 8, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 294.
[22] http://dangcongsan.vn/tu-lieu-tham-khao-cuoc-thi-trac-nghiem-tim-hieu-90-nam-lich-su-ve-vang-cua-dang-cong-san-viet-nam/tu-lieu-cuoc-thi/thu-chuc-mung-nam-moi-539998.html
[23] UNESCO và Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trích tham luận của đại biểu quốc tế), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr. 37.