Chiều cuối năm

Khi đứng trước một cuộc đổi dời dường như lòng người cũng đầy những điều ngổn ngang. Mẹ ngồi bên bếp lửa chiều cuối năm, ngọn khói già nua chập chờn quanh mắt mẹ. Ta đứng lặng nhìn từng vòng khói trắng bay lên mải miết, ngỡ như ngọn khói ấy không bao giờ tan đi. Thời gian cũng vì thế mà đi qua nhau không chút do dự nào. Món thịt kho hột vịt của mẹ vẫn ngọt ngào hương vị ngày xưa, để đi qua bao nhiêu ngõ ngách trong cuộc đời, ta vẫn nhớ hoài hương vị ấy.

Chiều cuối năm, gian nhà trở nên tất bật hơn. Ba chăm lo từng chút một cho bàn thờ tổ tiên, mẹ bận bịu với bếp núc, ta và đứa em lăng xăng nhà cửa trước sau. Hình như gia đình nào trong xóm cũng gấp gút chạy đua với thời gian. Hồi đó, ta vẫn thường nghĩ, chỉ ăn uống trong ba ngày Tết tại sao lại chuẩn bị biết bao nhiêu là thứ. Rồi đến một ngày khi đã đủ trưởng thành, ta mới chợt nhận ra đó là cách để người thân lo lắng cho nhau, dành tình yêu thương của mình qua từng hành động. Ba gởi nỗi lòng của người ở lại vào việc dọn dẹp bàn thờ tổ tiên và nhắc nhớ con cháu về bổn phận của mình, mẹ dành trọn tình yêu thương vào từng món ăn để bầy con trở về ngụp lặn trong hương vị ngày xưa, đứa em dọn dẹp từng ngóc ngách trong nhà để thấy nơi đâu cũng là kỉ niệm.

ảnh Viết Trương

Chiều cuối năm, ta như đứng bên bờ vực thấy bóng mình hun hút phía xa. Đám trẻ ngày xưa cùng ta đi qua những vạt đồng, nương rẫy giờ đã ly hương biền biệt. Có đứa trở về trong hồ hởi mà quên đi vết phèn chua ngai ngái, có đứa cúi mặt âm thầm trở về và chẳng mong mình được nhận ra. Đôi khi ta thấy mình cô quạnh, đứng trước bao nhiêu ngã đường vẫn không thể nào quên được những tháng ngày ở quê. Mẹ lại lật giở xem lại những tấm hình ngày xưa, tấm đã cũ mờ đi, tấm bị thời gian làm ố vàng, tấm hằn lên đầy dấu vân tay của mẹ. Những tấm ảnh đi qua tháng năm vẫn vẹn nguyên một màu kí ức, nó đã hoàn thành một sứ mệnh thật lớn lao- “sứ giả của ký ức”. Đứa em chỉnh lại tư thế cho mọi người, những cái bấm máy liên tục, cả gia đình đứng trong một khung hình nhỏ, ai cũng cười. Giây phút đó ta thấy lòng mình bình yên quá đỗi. Mẹ nói, mang hình ra tiệm rửa để mẹ cất vào album hình gia đình. Có đôi khi ta nghĩ giờ đây chắc chỉ còn có mẹ là có thói quen rửa hình mà không “gửi” nó lên các mạng xã hội. Mẹ vẫn nâng niu theo một cách rất riêng của mẹ…

ảnh Viết Trương

Chiều cuối năm, ta nghe lòng mình đong đầy kỷ niệm. Những kí ức xưa chợt ùa về theo ngọn gió xuân bàng bạc thổi qua. Dòng sông quê cứ lững lờ con nước chở không biết bao nhiêu phận người lênh đênh. Chiếc ghe thương hồ rẽ sóng tranh thủ chạy về nhà cho kịp quây quần bên mâm cơm tất niên. Người trên ghe khẽ nở một nụ cười như thể gởi lại câu chúc xuân cho người trên bờ. Bầy trẻ quê tụ tập trước sân đi dài dài xóm chúc xuân mong mỏi nhận được bao lì xì (người ở quê không đầu năm phải xài tiền). Ta lại thấy cuộc đời mình trong mắt trẻ, đặt vào tay bọn trẻ bao lì xì đỏ thắm, ta như thể gieo vào đất một hạt mầm. Nụ cười của bầy trẻ cứ rộn ràng khắp xóm. Chiều cuối năm dường như cũng thôi bớt cô đơn…

Những vạt nắng chiều còn sót lại trên sông như chở ta về với miền cổ tích tuổi thơ.

 

Trần Thương Tính