Chào mừng Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6

Chào mừng ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6

 

LTS: Hữu Thọ là nhà báo tầm cỡ trong làng báo chí Việt Nam. Với gần 50 năm làm báo, ông từng giữ các chức vụ: Chủ nhiệm Khoa báo chí, Phân viện báo chí và tuyên truyền, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Tổng biên tập báo Nhân dân; Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương. Ông đã có gần 20 đầu sách để phản ánh về tình hình đất nước và truyền nghề cho các thế hệ làm báo. Đặc biệt, ông dám viết về những vấn đề “gai góc” của đất nước.

Nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2020), chúng tôi xin trích giới thiệu những bài viết và trả lời phỏng vấn báo chí để bạn đọc tham khảo.

“CHẠY”

Bây giờ “chạy chọt” rất dữ, trên nhiều diễn đàn quan trọng, người ta đã phê phán công khai việc “chạy chức”, “chạy quyền”, ‘chạy dự án”, “chạy tội”…

“Mọi việc đều có tiêu chuẩn, quy chế, điều luật rõ ràng, việc gì phải “chạy” cho tốn sức, tốn tiền, và mất tư thế con người phải khom lung chạy vạy” – Nhiều người chân chính vẫn nghĩ như thế. Nhưng bẵng đi một hồi, thấy những người hăm hở “chạy” lại chạy được, họ muốn gì được đó. Thế là người không chịu chạy thấy thiệt thòi. Không nhớ kỹ, hình như có một vị túc nho nào đó, đã nói: ‘Người quân tử không phải không có trí, không có mưu. Nhưng có những khi họ lại thua kẻ tiểu nhân, vì người quân tử không thèm làm những việc mà kẻ tiểu nhân dám làm!”.

Có người biết là thiệt nhưng cố giữ đạo đức, nhân cách cho nên không chịu chạy. Nhưng thấy nhiều người “chạy được” cho nên cũng sốt ruột “chạy” theo, thành ra cả làng chạy. Không phải chạy maratông bằng đôi chân của mình mà chạy bằng phong bì… bằng đầu, kể cả đầu gối và đầu trên cổ. “Chạy” kiểu ấy thì mạnh ai nấy thắng cho nên hỗn loạn trường đua, không có trọng tài nào phân xử nổi!

Ngày 14-4-2002

 

NGĂN CHẶN BỆNH “CHẠY” PHẢI BỊT CÁC CỬA “CHẠY”!(1)

 

Phóng viên: Thưa ông, khi mà các loại “chạy” lại được báo động thêm một lần nữa thì nghĩa là mức độ của nó đã trầm trọng hơn?

Hữu Thọ: Tôi không có căn cứ để nói là nó trầm trọng hơn. Nhưng chắc chắn nó còn và là nỗi bức xúc nên Chính phủ mới báo cáo với Quốc hội cũng là công khai báo cáo với quốc dân. Đây là vấn đề rất phức tạp, vì cán bộ nắm quyền hành trong tay nếu có tư tưởng không đúng, đạo đức không tốt rất dễ làm đảo điên xã hội. Cho nên đánh giá và cất nhắc đúng cán bộ có ý nghĩa rất quan trọng.

Bài học lớn nhất qua vụ án Năm Cam, theo tôi, là vấn đề cán bộ. Nếu không đánh giá đúng cán bộ từ khi họ còn công tác ở cấp dưới thì làm sao có thể đề bạt họ lên cấp rất cao rồi mới mắc tội, gây tai họa, phải xử lý kỷ luật, vào tù.

Khi xã hội đã nói tới “chạy chọt” là nói đến đi cửa sau, không đàng hoàng. Càng nhức nhối hơn khi người ta thấy chạy chọt được việc hơn là không chạy. Tội ác không bị trừng phạt, hành động xấu xa không bị ngăn chặn thì tội ác và hành vi xấu có tính xã hội. Khi nó thành thói quen có tính xã hội thì rất nguy hiểm. Ai không ‘chạy” lại bị xem như kẻ hâm, kẻ không thức thời, bị thiệt thòi cho nên đua nhau “chạy”.

Phóng viên: Thưa ông, như vậy căn bệnh “chạy” tới nay vẫn chưa có phương thuốc chữa trị hữu hiệu?

Hữu Thọ: Nói cho công bằng thì ta đang trừng trị đấy chứ! Trong vụ án Năm Cam và một số vụ kỷ luật hành chính, xử tù ở thành phố Hồ Chí Minh là xử ‘chạy tội” đấy. Chúng ta đang xây dựng và thực hành chặt chẽ quy chế đánh giá, đề bạt cán bộ. Nhưng cuộc đấu tranh còn dài và rất phức tạp. Tôi cho rằng để ngăn chặn bệnh “chạy” thì phải bịt các “cửa chạy”. Bịt các cửa chạy, trước hết phải bịt bằng cơ chế. Không tạo ra những cơ chế có quyền ban phát kiểu “xin – cho”, không tạo ra cơ quan có thể ban danh, ban lợi cho người này, người khác. Tôi nghe dân nói có câu “trên tiền”, ý muốn nói đến chức vụ. Có chức là có quyền. Có quyền là có khả năng có nhiều tiền vì quyền lực có khả năng đẻ ra sở hữu. Nghe nói có anh làm căn nhà 600 triệu đồng nhưng thật ra không tốn đồng nào, thậm chí tổ chức tiệc tân gia còn thu thêm được lãi. Tất nhiên không nên vơ đũa cả nắm, nghi ngờ lung tung vì cũng có nhiều cán bộ rất gương mẫu.

Phóng viên: Có một độc giả gửi thư đến báo Tuổi trẻ nói châm biếm rằng, không nên xem tham nhũng là quốc nạn mà phải xem là… “chuyện thường ngày ở huyện”?

Hữu Thọ: Tham nhũng thì nước nào cũng có. Nước phát triển cũng có, nước đang phát triển cũng có, mỗi nước tất nhiên mỗi khác. Có người nói rằng giải quyết được tiền lương thì sẽ giải quyết được tham nhũng. Phải bảo đảm lương đủ sống, coi như một biện pháp chống tham nhũng; nhưng tôi cho rằng chỉ chống được tham nhũng nhỏ thôi. Vì cái anh nghèo thì mới đi nhặt phong bì về nuôi vợ nuôi con, còn những kẻ tham nhũng lớn đều là những kẻ giàu, đã giàu còn muốn giàu hơn. Cho nên giải quyết được tiền lương cũng chưa thể chống được tham nhũng triệt để.

Tôi cho rằng lòng tham là vấn đề rất lớn, nhưng không phải không có cách trị. Cách hay nhất là công khai, minh bạch để nhân dân giám sát. Người ta chỉ lấy cắp tiền công chứ không ai ăn cắp tiền của mình. Phải làm cho dân hiểu rõ rằng tiền công là tiền thuế của dân. Phải có cơ chế để người dân giám sát chi tiêu tiền công qua dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, không để cho ai đó mang tiền công đi ban phát người này, người kia. Như vậy sự công khai, minh bạch tài chính cùng với sự giám sát chặt chẽ của người dân là cách chống tham nhũng hiệu quả nhất. Tôi hy vọng việc thực thi Luật Ngân sách mới đề cao quyền năng của Quốc hội trong phân bổ và giám sát chi tiêu ngân sách, nếu làm tốt sẽ giảm được lãng phí, tham ô.

Phóng viên: Thưa ông, như ông đã nói nước nào cũng có tham nhũng, nhưng tình trạng tham nhũng ở ta vẫn được xếp hạng cao?

Hữu Thọ: Một số nhà báo nước ngoài nói với tôi rằng ở Việt Nam họ chưa thấy những vụ tham nhũng lớn, trong khi ở những nước đang phát triển thì tham nhũng lớn nhất là nhắm vào vốn ODA (tiền viện trợ phát triển). Có nước khoảng 60 – 70% vốn ODA chảy vào túi các quan chức. Nhưng cái khổ ở ta là các nhà đầu tư đi vào cửa nào cũng chi hoa hồng, chi phong bì. Anh ta không tính toán được trọn gói phải chi bao nhiêu và không thể lên kế hoạch làm ăn được. Người ta nói một cách hình ảnh rằng, làm ăn ở Việt Nam như đi trên đường chưa gặp phải những ổ voi nhưng có quá nhiều ổ gà cho nên rất mệt mỏi.

Phóng viên: Vị trí xếp hạng 100/133 (theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế) về tham nhũng của nước ta (nếu tính trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ “sạch” hơn Inđônêxia và Myanma), theo ông, có phản ánh đúng thực trạng và có đáng tin cậy?

Hữu Thọ: Đánh giá là việc của họ và kết quả này cũng đã được công bố trên các bản tin của ta chứ không giấu giếm gì. Đúng hay không đúng thì ta cũng không nên so sánh với các nước khác làm gì. Theo tôi, sự xấu thì không nên tự hào rằng tôi đỡ xấu hơn anh. Điều quan trọng là có cái gì xấu thì phải sửa đi, trước hết là có lợi cho mình, đồng thời giữ được uy tín của ta đối với nhân dân và thế giới.

Phóng viên: Thưa ông, chủ trương kê khai tài sản đã được thực hiện mấy năm nay như một biện pháp chống tham nhũng có mang lại kết quả gì không?

Hữu Thọ: Tôi chưa đánh giá được vì tổ chức nào khai theo tổ chức ấy. Theo tôi, điều quan trọng là khai có đúng không. Có người cho đứng tên vợ, tên con tới 7 – 8 lô đất. Người dân đều biết hết. Kê khai không đúng mà công bố thì người dân sẽ chỉ ra ông này còn chỗ này, chỗ kia. Nghị quyết Trung ương có nói nếu tài sản có nguồn gốc không minh bạch thì xem xét xử lý. Nhưng xử lý thế nào thì chưa quy định rõ. Có những người tham nhũng rất nhiều vụ nhưng chỉ bị phát hiện một vụ thì luật pháp chỉ cho xử lý tài sản liên quan đến vụ đó, không thể tịch thu hết tài sản của anh ta được. Có anh giám đốc một xí nghiệp rất xập xệ, lỗ to, nợ lớn nhưng khi về hưu có tới ba xí nghiệp con và năm biệt thự mà báo chí đã đăng. Nhưng không phải mọi kê khai tài sản của cán bộ công chức đều có thể công khai được. Vì tài sản cũng là chuyện bí mật của riêng người ta, ngay cả nguồn gốc tài sản cũng là vấn đề bí mật. Chỉ những người giữ chức vụ quan trọng mới phải công bố tài sản lúc đến và lúc đi.

Phóng viên: Thưa ông, nghĩa là chống tham nhũng vẫn là một bài toán khó vì mọi người đều biết có tham nhũng nhưng khó mà vạch mặt chỉ tên được ai là kẻ tham nhũng?

Hữu Thọ: Từ vụ án Mường Tè cho đến vụ án Nguyễn văn Soàng (Yên Bái), hay vụ án Năm Cam…, những người bị tố cáo nhận hối lộ rất ít người chịu nhận rằng mình đã nhận hối lộ. Ở Quốc hội khóa trước, tôi có nói một điều là nếu luật trị cả người đưa hối lộ thì còn ai dám tố cáo kẻ nhận hối lộ. Không phải tôi cho rằng người đưa hối lộ không có tội, nhưng tôi muốn pháp luật trị người có chức, có quyền hối lộ vì tôi cho đó là điều quan trọng.

Phải chấp nhận như thế thì mới có nhân chứng, vật chứng trị quan chức nhận hối lộ. Trước hết phải quét nhà cho sạch thì mới có được đội ngũ cán bộ công chức trong sạch, liêm khiết, công minh.

(1): Trích trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, TPHCM ngày 6-11-2003.

Theo Tiểu phẩm báo chí “Chạy…” – NXB Chí trị Quốc gia 2004.