CẦN THƠ NGÀY ẤY.....BÂY GIỜ
Năm nay mưa sớm, hai trận mưa lớn cuối tháng tư đã trôi đi lớp bụi dầy đặc trên lá cây do gần sáu tháng mùa khô. Cũng nhờ có nước mưa tưới tự nhiên nên cây lá như xanh tươi hơn, trên nhiều con đường và trong công viên hoa bằng lăng đã nở rộ, lác đác có những cây phượng nở sớm xen kẽ màu đỏ, như điểm tô cho thành phố những sắc màu tươi mới. Hình như hoa lá cũng muốn hòa quyện niềm vui với con người trong những ngày hội lớn. Hầu hết các tuyến đường cờ đỏ sao vàng rực rỡ, ngã ba, ngã tư các băng rôn xanh, đỏ, tuyên truyền về các ngày lễ lớn: 45 năm giải phóng miền Nam, ngày 1-5 Quốc tế lao động, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẩu hiệu kêu gọi hiến máu tình nguyện, khẩu hiệu phòng chống Covid-19...ở giữa đường Hòa Bình là những pa-nô quảng cáo của các doanh nghiệp ...những sắc màu bắt mắt.
Đại lộ Hòa Bình – TPCT. Ảnh: VT
Năm nay những ngày nghỉ lễ kết hợp với ngày nghỉ cuối tuấn nên thời gian cũng rộng rãi, nhà nước lại cho phép nới lỏng giãn cách, và 16 ngày qua Việt Nam không có ca nhiễm Covid-19 nên lượng người ra đường nhiều hơn, nhộn nhịp hẳn lên, niềm vui nhân lên thành hai. Chưa có lúc nào thành phố lại náo nức sống động như những ngày này..
Thời khắc này chẳng khác thời điểm 30-4 cách đây 45 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Mấy ngày nay các phương tiện truyền thông liên tục phát những phim tư liệu quí, gặp gỡ, giao lưu với các nhân chứng sống, nói về Trường Sơn, về đại thắng mùa xuân, về ký ức hòa bình,..gợi lại cho ta một khí thế sống động, sục sôi về những ngày quyết chiến, quyết thắng, những ngày chói lọi, đất nước trọn niềm vui. Những ca khúc Tiến về Sài Gòn, ca khúc Giải phóng miền Nam, ca khúc Tiếng hát từ thành phố mang tên Người, Như có Bác trong ngày vui đại thắng...cứ vang vọng đất trời, ngọt ngào, sâu lắng, để lại sự ấm áp trong lòng người nghe.
Những ký ức, những kỷ niệm gần nửa thế kỷ qua, lại dâng trào trong tôi và cái giật mình bất chợt. Lúc đó đang tuổi thanh niên (25 tuổi), đầy sức sống, niềm tin và khát vọng cống hiến, nay đã là bậc cao niên (tuổi 70) mọi thứ từ sức khỏe, năng lực, trí nhớ...cứ dần bỏ lại phía sau, những gì không sâu đậm thì dễ lãng quên, tuy nhiên những gì đã ăn vào máu thịt thì “sống để dạ, chết mang theo” chứ quên làm sao được. Bởi nó là sinh mệnh chính trị của mình, gắn liền sứ mệnh của đất nước và dân tộc, nối tiếp dòng lịch sử Cha Anh. Cùng đi theo các đoàn quân giải phóng, chúng tôi đã có mặt đúng lúc, về tiếp quản Cần Thơ thời điểm mà cách mạng đang cần, và do lịch sử sắp đặt, tôi đã gắn bó với Cần Thơ, coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình. 45 năm qua, Cần Thơ (tỉnh Hậu Giang, tỉnh Cần Thơ và TP Cần Thơ) cùng đất nước trải qua những bước thăng trầm, vượt qua nhiều cam go thử thách, định hướng, tìm giải pháp, phương tiện đi lên. Đội ngũ cán bộ nối tiếp nhau: từ chiến khu về, cán bộ tập kết và TW chi viện đến các thế hệ trẻ được đào tạo chính qui trong nước, nước ngoài trở về...trong đó tôi là một chứng nhân lịch sử.
Đại thắng mùa xuân, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với 55 ngày đêm thần tốc, táo bạo, đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, ta tiếp quản gần như nguyên vẹn các đô thị... Tây Đô của chính quyền cũ quản lý lúc bấy giờ, với qui mô nhỏ bé, lạc hậu, luộm thuộm hạ tầng cơ sở yếu kém. Từ điểm xuất phát đó đi lên, ngày nay TP Cần Thơ là đô thị loại I, là một trong 5 thành phố trực thuộc TW, với những đổi thay chóng mặt, ngày càng văn minh, hiện đại.
Không có tham vọng khảo sát đánh giá mọi mặt của đời sống xã hội, trong cảm nhận của mình, tôi chỉ so sánh bề nổi về mặt phát triển đô thị để chúng ta, nhất là các thế hệ 8x, 9x cùng cảm nhận, cùng chung vui trước sự thay da, đổi thịt, sự tăng tốc trên con đường phát triển của TP Cần Thơ thân yêu của chúng ta. Trước giải phóng, TP Cần Thơ chỉ có ba quận (không kể Phong Dinh), diện tích không lớn lắm, không gian đô thị cũng hạn hẹp. Do chiến tranh, chính quyền và quân đội của chế độ cũ chủ yếu là nhờ vào viện trợ của Mỹ, do đó chỉ phục vụ cho các mục đích quân sự, không phát triển cho mục đích phúc lợi công cộng.
Nói về đường xá giao thông: lúc bấy giờ chỉ có mấy trục lộ chính như Phan Đình Phùng, Nguyễn Trãi, đường Hùng Vương, Lý Tự Trọng. Những con đường mang hai tên khác nhau là: Châu Văn Liêm - Nguyễn An Ninh, Võ Văn Tần - Nguyễn Thái Học lúc bấy giờ thương phế binh Ngụy làm thêm một dãy nhà ở giữa làm cho đường xá trở nên chật hep. Hầu hết các con đường chỉ đảm bảo cho loại xe lam, xe đa xu, xe lôi...lưu thông. Sau nhiều năm ta mở rộng, nâng cấp và mở mới, ngày nay thành phố chúng ta có nhiều đường mới thênh thang, vừa dài, vừa rộng, có những con đường được bình chọn là con đường đẹp nhất nước như đường 30-4, những con đường mở mới như đại lộ Võ Nguyên Giáp, đường Nguyễn Văn Linh, đường Võ Văn Kiệt, đường Nguyễn Văn Cừ nối dài tiếp Nguyễn Văn Cừ mở rộng (lộ 20)..., đường 3-2 mở rộng, đường Lê Hồng Phong mở rộng, đường Mậu Thân mở rộng... Nhiều đường mỗi bên có hai, ba làn xe lưu thông đảm bảo cho các loại xe khách, xe tải lớn, phục vụ cho phát triển kinh tế và đi lại của nhân dân, với số lượng xe ngày càng tăng gấp hàng trăm lần lúc mới giải phóng.
Nói về kiến trúc nhà cửa: nếu như trước đây sau ngày giải phóng, đô thị Tây Đô chỉ có nhà 4 tầng lầu là cao nhất – trừ tòa nhà khu kỹ nghệ Trà Nóc là 7 tầng (nay là ngân hàng Agribank) đến nay TP có nhiều công trình cao ngút như Vincom, Mường Thanh, khách sạn T81 – Ninh Kiều, KS TTC, tòa nhà đài truyền hình VN khu vực Tây Nam Bộ, đài phát thanh và truyền hình Cần Thơ, KS Hoàng Anh Gia Lai, KS Tây Nam. Những công trình mang tầm cỡ khác vừa tô điểm cho không gian đô thị, vừa là điều kiện chăm sóc sức khỏe không chỉ cho nhân dân Cần Thơ mà cho nhiều tỉnh ĐBSCL như BV đa khoa TW Cần Thơ, BV đa khoa TP Cần Thơ, BV nhi đồng CT, BV 121 Quân khu 9 và nhiều BV tư nhân khác: BV quốc tế Phương Châu, BV đột quỵ, BV Hoàn Mỹ, BV Medic Hòa Hảo...
Khách sạn Vinpeal Cần Thơ
Khách sạn – Nhà hàng Ninh Kiều Riverside
Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ
Khách sanh Ninh Kiều 2
Cơ sở vật chất của ngành giáo dục cũng không ngừng phát triển: nếu như sau giải phóng ta chỉ có trường đại học Cần Thơ với mấy dãy nhà cấp 4 thì nay trong khuôn viên ấy có hàng chục tòa nhà cao ngất, khang trang hiện đại. Không chỉ có vậy, với hàng chục tòa nhà liên hoàn khác của các trường đại học; đại học Kỹ thuật - Công nghệ, đại học Y dược Cần Thơ, đại học Tây Đô, đại học Nam Cần Thơ, đại học FPT, các trường cao đẳng dạy nghề, cao đẳng kinh tế, cao đẳng y tế, các trung tâm giới thiệu việc làm. Ngày nay hầu hết các trường trung học phổ thông và trung học cơ sở đều đã xây mới cao tầng như Trường Nguyễn Việt Hồng, Lương Thế Vinh, Châu Văn Liêm, trường Đoàn Thị Điểm, hệ thống trường ở các quận huyện khác cũng tương tự. Một góc nhìn khác, ta cũng thấy trụ sở của các cơ quan phục vụ nhân dân như: hệ thống cơ quan thuế, kho bạc, bảo hiểm ...đều xây dựng khang trang hiện đại. Bên cạnh đó là các cơ quan bảo vệ pháp luật như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, các ngân hàng cũng được xây dựng cao tầng,t rang thiết bị an toàn. Đặc biệt có những công trình đã đáp ứng ước nguyện vọng ngàn đời của nhân dân ta đó là cầu Cần Thơ, sân bay quốc tế Cần Thơ. Có thể nói cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội không ngừng tăng lên. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho kiến trúc thượng tầng, song song với việc xây dựng hệ thống chính quyền, là yếu tố đảm bảo thực hiên thắng lợi đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh công băng, dân chủ văn minh.
Trường THCS Đoàn Thị Điểm quận Ninh Kiều, được xây dựng mới khang trang. Ảnh: VT
Từ khi TPCT là thành phố trực thuộc TW, nhà nước đã quan tâm chỉnh trang đô thị, cơ sở hạ tầng được cải thiện: mở rộng công viên, xây bờ kè và làm đường, đường hẽm 4m, cấp thoát nước, trồng thêm nhiều cây xanh, làm cho đô thị ngày càng văn minh, xanh, sạch, đẹp, nhiều phường đạt phường văn hóa văn minh, có 36 xã đạt xã nông thôn mới. Nhiều khu dân cư mới mọc lên, lung linh ánh điện đêm, nhiều con đường được trang trí đèn với các mô hình, màu sắc rực rỡ không khác nước ngoài.
Nếu chỉ nói về bề nổi mà không nói về kinh tế và chất lượng cuộc sống thì thật là thiếu sót. Về cơ sở kinh tế: khi tiếp quản TP có mấy cơ sở lớn như nhà máy nhiệt điện Trà Nóc khánh thành năm 1974, nhà mày nước, nhà máy bia BGI, nhà máy bánh kẹo thế giới (nay là nhà máy bia Cần Thơ đường 30/4 )...nói chung là không có gì đáng kể. Ngày nay, với chủ trương hội nhập, và kinh tế thị trường, nền kinh tế đa thành phần, đa chủ sở hữu, đến cuối năm 2016 TP Cần Thơ đã có 11.900 doanh nghiệp, và mỗi năm tăng thêm hàng ngàn doanh nghiêp mới, sản xuất phát triển thu ngoại tệ về (năm 2019 là 2.163 triệu USD), thu ngân sách TP nếu như năm 2004 là 1.200 tỷ đồng, thì năm 2019 là 16.850 tỷ đồng (bao gồm cả thuế Hải quan). Song song đó là thu hút hàng chục ngàn lao động có việc làm, có thu nhập, đồng thời tiêu thụ nguyên liệu tại chỗ giúp nâng cao đời sống nông dân, thu nhập bình quân đầu người là 88,3 triệu đồng ( tương đương 3.757 USD).
Không sao kể hết những niềm vui khi chúng ta tận mắt chứng kiến những tiến bộ đang đổi thay hàng ngày, hàng tháng. Cái quí giá lớn lao, vĩ đại nhất của đất nước ta là đã giành được độc lập - tự do, đã phải trải qua những tháng năm dài nô lệ, máu và nước mắt. Ngày 30-4-1975 là mốc son chói lọi, là ngày đất nước trọn niềm vui, nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do, đất nước sạch bóng quân thù, giang sơn thu về một mối, tổ quốc thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến “thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Trong ngày vui hôm nay, ta ghi công ơn Bác Hồ kính yêu, anh giải phóng quân, đồng bào chiến sỹ đã anh dũng hy sinh xương máu đổi lại hạnh phúc cho chúng ta. Những hoa thơm và trái ngọt, cờ hoa rực rỡ.
Đó là những gì cảm nhận được của người trong cuộc, đã góp phần, đã chứng kiến TP Cần Thơ thân yêu của chúng ta Ngày ấy ...và bây giờ./.
Cần Thơ, ngày 30/4/2020
Viết Trương