Những ngày gần đây người dân sinh sống cạnh 2 bãi rác thải tập trung qui mô lớn của TP Cần thơ là bãi rác Ô Môn (quận Ô Môn) và Đông Thắng (huyện Cờ Đỏ) rất phấn khởi trước thông tin: 2 điểm tập kết nầy sẽ đóng cửa vào cuối năm 2019. Toàn bộ số rác hiện tồn đọng sẽ chuyển về nhà máy rác rất hiện đại (tọa lạc tại huyện Thới Lai) để biến rác thành nguồn năng lượng điện sinh hoạt. Điều nầy thể hiện cách làm sáng tạo để hướng đến nguồn năng lượng tái tạo, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác thải.
Nhà máy đốt rác thành điện huyện Thới Lai hoạt động từ đầu năm 2019.
Trước đây, Khu xử lý rác thải rắn (KXLRTR) xã Đông Thắng (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) là nơi tập kết rác thải rắn của các huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh và quận Thốt Nốt (tất cà đều thuộc TP Cần Thơ). Khu xử lý rác (KXL) nầy có diện tích trên 5,1 ha hình thành cách nay trên 15 năm mỗi ngày tiếp nhận xử lý trên 300 tấn rác thải sinh hoạt. Do không đủ năng lực và thiết bị để đảm bảo vệ sinh môi trường nên rất nhiều năm KXL đã phát tán mùi hôi rất nghiêm trọng nhất là vào những lúc cao điểm. Người dân xung quanh khu vực nầy đã phải di tản sang nơi khác để sinh sống. Điều đáng nói là KXL rác nằm cạnh 2 trường Tiểu học và Mầm Non xã, nơi hàng ngày có hàng trăm học sinh đến đây theo học. Nghiêm trọng hơn là nước thải có mùi hôi nồng nặc, màu đen ngòm đã rò rỉ xuống hàng chục ha ruộng của người dân lân cận. Đã nhiều lần giáo viên các trường, người dân bị ảnh hưởng đã làm đơn kêu cứu khắp nơi. Bãi rác quận Ô Môn tuy khả năng tiếp nhận nguồn rác ít hơn nhưng cũng gây ô nhiễm môi trường khiến người dân vô cùng bức xúc.
Trước thông tin đóng cửa 2 KXLRTR vừa nêu, khỏi phải nói niềm vui của người dân sinh sống xung quanh KXLRTR xã Đông Thắng là từ đây rác thải rắn được chuyển đến nhà máy rác xã Trường Xuân A, đồng nghĩa là môi trường thông thoáng, an toàn, vệ sinh sẽ được trả lại cho người dân, giáo viên lẫn hàng trăm học sinh.
Ông Từ Công Danh, ngụ xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ vui mừng nói: “Vậy là từ đây, người dân xung quanh bãi rác sẽ không còn lo việc ô nhiễm môi trường, không còn bị mùi hôi tấn công mỗi ngày, ruộng vườn sẽ không con nước bẩn từ bãi rác rò rỉ làm thất thu sản lượng”.
Bà Võ Thị Nguyệt, ngụ xã Đông Thắng phấn khởi nói: “Vậy là từ nay, người lớn, con nít hết nươm nướp lo sợ về các loại dịch bệnh qua đường hô hấp, không còn cảnh hứng chịu mùi hôi thối quanh năm. Bà con mừng lắm”.
Có được niềm vui trên là do từ tháng 10/2018, TP Cần Thơ đã tiến hành xây dưng một nhà máy đốt rác hiện đại với công suất xử lý mỗi ngày từ 400 đến 450 tấn rác thải sinh hoạt. Qui trình xử lý bằng công nghệ cao để đốt rác tạo ra nguồn điện 150.000 kwh/ngày (tương đương 60 triệu kWh/năm). Thời gian hoạt động của nhà máy là 20 năm và nguồn điện từ rác được đấu nối vào mạng lưới điện quốc gia. Với nhiệt độ trên 1000 độ C thì rác cháy hoàn toàn và nhiệt lượng tận dụng làm quay tua bin phát điện. Hệ thống xử lý khói thải được xử lý triệt để do quy trình khép kín hoàn toàn. Đặc biệt, lượng tro phát thải được khép kín đưa vào nhà máy xử lý tro xỉ lò, tiến hành sàng lọc tách kim loại và một số chất khác; phần còn lại sàng lọc làm vật liệu xây dựng, ép làm gạch không nung. Nước rỉ từ rác được xử lý triệt để và đưa trở lại làm mát hệ thống lò đốt... Nhà máy do Tập đoàn China Everbright Quốc tế làm chủ đầu tư. Pháp nhân tại Việt Nam quản lý vận hành nhà máy là Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB Cần Thơ. Với diện tích 5,3 ha, tổng mức đầu tư 1.050 tỉ đồng.
Rác thải đang được thu gom về nhà máy
Sự có mặt của nhà máy đã giải quyết được bức xúc của người dân sinh sống cạnh 2 bãi rác Ô Môn và Đông Thắng trên 15 năm qua, vừa góp phần xây dựng đô thị văn minh, an toàn, thân thiện, sạch, đẹp, mỹ quan.
Sau gần 3 tháng thử nghiệm, đầu năm 2019, nhà máy nầy đã chính thức hoat động. Theo số liệu từ Sở Tài Nguyên và Môi Trường TP Cần Thơ, hiện nay toàn thành phố có khoảng 600 đến 650 tấn rác cần xử lý. Nếu như trước đây chỉ áp dụng biện pháp chôn lấp và đốt tự nhiên vừa gây ô nhiễm môi trường đất, nước và phát tán mùi hôi, chưa kể đến tình trạng không còn đất để chôn lấp thì khi có nhà máy nầy sẽ giải quyết cơ bản bài toán rác thải tại TP Cần Thơ.
Theo lộ trình chung, thời gian vận chuyển hết số rác chôn lấp tại 2 bãi rác Ô Môn và Đông Thắng khoảng 2 tháng. Đến nay, đã vận chuyển, đốt thí điểm được trên 500 tấn rác thải chôn lấp để phát điện. Số rác chôn lấp sau khi được đưa vào nhà máy sẽ trộn với rác thải mới phát sinh và được đốt phát điện.
Ông Nguyễn Chí Kiên - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ cho biết: “ Chúng tôi sẽ đóng cửa 2 bãi rác Ô Môn và Cờ Đỏ trong thời gian sớm nhất sau khi chuyển toàn bộ rác tại đậy đến nhà máy xử lý. Cạnh đó hhi đóng cửa còn phải xử lý triệt để rác thải chôn lấp và nước thải trước đó còn tồn đọng không gây thiệt hại cho người dân xung quanh”.
Trương Thanh Liêm.