Cần Thơ gạo trắng nước trong - Ai đi đến đó lòng không muốn về

“CẦN THƠ GẠO TRẮNG NƯỚC TRONG

                        AI ĐI ĐẾN ĐÓ LÒNG KHÔNG MUỐN VỀ”

                                                                                                                                                                                                   Lê Thị Thu Thanh

 

Lần đầu tôi được đến Cần Thơ trong một chuyến tham quan của trường tôi. Thế là tôi được thỏa nguyện. Thực ra tôi biết đến Cần Thơ qua sách báo và phim ảnh như bộ phim “ Người đẹp Tây Đô”. Chừng ấy hành trang đã phần nào giúp tôi hình dung ra một Cần Thơ vừa thơ mộng vừa năng động của một thành phố trẻ.

Trong tour du lịch về miền Tây, đến Cần Thơ địa điểm chúng tôi đặt chân đến là  Chợ nổi Cái Răng. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là hình ảnh thuyền bè tấp nập trên sông, buôn bán nhộn nhịp. Tôi được nghe nói nhiều về chợ này nhưng đây là lần đầu tiên tôi tận mắt chứng kiến và hiểu được vì sao người ta gọi là “chợ nổi”, khác với  quê tôi chợ trên mặt đất. Được hướng dẫn viên du lịch giới thiệu Chợ Cái Răng thường họp khá sớm, thường từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn. Những loại hàng hóa được bày bán trên ghe, thường thì mỗi ghe sẽ chuyên bán một mặt hàng. Trước mỗi ghe hàng, thường có một cây xào chống, trên đó treo loại mặt hàng mà ghe có gọi là cậy bẹo. Ví dụ như, nếu ghe chuyên bán khoai lang thì trên cây xào sẽ treo lủng lẳng vài củ khoai, còn nếu ghe bán xoài thì trên cây xào sẽ có treo vài quả xoài như thể muốn người mua biết rằng “ Ở đây có bán khoai” hoặc “ Ở đây có bán xoài”. Nhờ vậy mà từ xa, người mua có thể nhận ra thuyền chở loại hàng mình cần mà tấp tới. Vì vậy có câu thơ:

Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng
Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn
Em treo bẹo Cái Răng, Ba Láng
Ta thương hồ Vàm Xáng, Cần Thơ

Không chỉ tận hưởng cảm giác bồng bềnh trên sông Cần Thơ, hít thở những làn gió mát rượi, tinh tươm vào buổi sớm mai, chút phù sa châu thổ rẽ mũi tàu, chúng tôi còn được lắng nghe tiếng máy nổ, tiếng mái chèo khua nước, sóng vỗ mạn thuyền, tiếng gọi chào, nói cười rộn rã của khách đi chợ xen lẫn tiếng í ới ngã giá bán mua… xé toạc không gian yên tĩnh của cả khúc sông.

Đi chợ nổi Cái Răng thích nhất là bắt gặp cảnh thương hồ giao hàng: người bán đứng trên ghe lớn giao từng túi, giỏ hàng… cho thuyền nhỏ. Kẻ chuyền, người nhận nhịp nhàng, điệu nghệ trông thật tuyệt. Tôi vô cùng thích thú khi được hòa mình vào thế giới thu nhỏ giữa mênh mông trời, nước; ấm lòng với những nụ cười hiền hậu, thân thương.

Cô gái Cần Thơ chèo thuyền bán hàng trên chợ nổi

 

 Đặc biệt là hình ảnh những cô gái miền Tây trong chiếc áo bà ba thướt tha duyên dáng chèo thuyền trên sông bán hàng khiến tôi nghĩ  ngay đến bài hát “ Chiếc áo bà ba” của Trần Thiện Thanh:

“Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm
Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ lướt mong manh
Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ
Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời”.

Chắc hẳn người nhạc sĩ của bài hát này có ấn tượng mạnh mẽ và cảm xúc dồi dào về chiếc áo bà ba mới toát ra những câu hát hay đến như vậy. Bỗng tôi chợt nhớ đến chiếc áo bà ba của bà nội, bà ngoại tôi lúc đi chợ hay ở nhà.

Tôi đã có dịp đi qua nhiều vùng của đất nước nhưng quả thực tôi chưa bao giờ nghe tiếng nói dịu dàng thân mật và nồng nàn đến thế của những cô gái Cần Thơ. Những tiếng “ ngen, nè, hổng, dzề, dzậy...” từ những cô gái  miền Tây cất lên nghe vừa lạ vừa rất thân quen. Biết chúng tôi là khách du lịch miền Trung các cô bán hàng nói rất ngọt ngào, mời chào niềm nở và đặc biệt là bán hàng đúng giá, giá cả phải chăng không nói thách. Điều này khác với quê tôi thương nhân thường nói lên vài giá để người mua hàng mặc cả, cò kè...Phải chăng đây cũng là nét đẹp biểu hiện lòng hiếu khách của người dân cần Thơ.

 

Chợ nổi Cái Răng  là một nét văn hóa đặc sắc ở Đồng bằng sông Cửu Long, phù hợp với vùng sông nước. Vì vùng đất “Chín rồng” đâu đâu cũng chỉ thấy nước, sông ngòi chi chít, cửa sông đan xen như mạng nhện, ghe thuyền ngày đêm xuôi ngược. Đến Cần Thơ mà chưa đi  Chợ nổi Cái Răng  thì kể như chưa biết về đất Tây Đô này.

Hoàng hôn trên sông Hậu. Ảnh: Thu Thanh

 

Ban ngày chúng tôi khám phá vẻ đẹp cuộc sống thường ngày của thành phố Cần Thơ. Từng ấy thôi thì chưa đủ để nói lên nét độc đáo nơi đây mà một ấn tượng nữa mà tôi không thể nhắc đến là chúng tôi được đắm chìm trong không gian của thành phố Cần Thơ về đêm. Du thuyền trên sông, thuyền chầm chậm trôi đưa chúng tôi tận hưởng bầu không khí trong lành mát rượi của những cơn gió thổi từ sông Hậu. Hai bên bờ sông lấp lánh ánh đèn, những ánh đèn màu soi bóng những tòa nhà cao tầng, cảnh vật  xuống mặt nước trông thật lung linh huyền ảo.

 

Không những thế chúng tôi còn thưởng thức đàn ca tài tử đến từ ban nhạc không chuyên. Nghe vọng cổ hoài lang ngỡ mình như đang du thuyền trên sông Hương nghe ca Huế. Đắm mình trong cảm giác bồng bềnh đó tôi như trút bỏ những ưu tư, phiền muộn và mệt mỏi của cuộc sống.

Từ trên sông nhìn vào bờ là bến Ninh Kiều luôn tấp nập nhộn nhịp. Mọi người đi dạo ngắm cảnh trò chuyện tíu tít hay những người đi bộ thể dục buổi tối để có thân hình khỏe đẹp. Và lãng mạn hơn nữa là những đôi tình nhân quấn quýt bên nhau trên chiếc ghế đá thưởng thức hương vị ngọt ngào của tình yêu. Ôi! một khung cảnh nên thơ giữa sông nước bao la thật là thơ mộng và xinh đẹp.

Gác lại không gian lãng mạn chúng tôi được hòa nhập vào cuộc sống sôi động  với những gian hàng chợ đêm, thưởng thức những món ăn đặc sản nơi đây thật ngon tuyệt. Khách khứa trong các nhà hàng đông đúc từ những khách qua đường lẫn khách sành điệu.

Mải mê đi dạo giữa thành phố Cần Thơ về đêm mà quên đi giờ giấc. Xe đưa chúng tôi trở về khách sạn để sớm mai tiếp tục cuộc hành trình. Một chuyến du lịch đầy ý nghĩa giúp tôi khám phá vẻ đẹp vùng sông nước nơi này và thầm nhủ một ngày nào đó tôi sẽ quay trở lại

 “Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về…”