Kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2019)
“XIN CÁM ƠN NGƯỜI - NGƯỜI MẸ VIỆT NAM”
Ghi chép của Viết Trương
Có nơi nào như ở nơi đây, mỗi tấc đất thắm đẫm máu đào của đồng bào chiến sĩ, quân và dân ta: quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Cuộc chiến tranh này vừa dứt, lại phải đương đầu với cuộc chiến đấu mới khốc liệt, tàn bạo hơn, để rồi cả nước trắng màu khăn tang...
Ngày nay chúng ta đang sống trong hòa bình, cuộc sống ấm no, nó được đánh đổi từ sự hy sinh xương máu, mất mát, đau thương của những đứa con lần lượt ra đi, đi mãi không về, và nước mắt Mẹ không còn để mà khóc... Chỉ trong vài thế kỷ nay, nhân dân ta phải đuổi Nhật, đánh Pháp, chống Mỹ tên sen đầm quốc tế mạnh nhất về tiềm lực quân sự và kinh tế, đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Trường Sa .
Kế thừa truyền thống đánh giặc của ông cha ta: Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách tài tình, khôn khéo, cương quyết, với sách lược, chiến lược, chiến thuật cho từng chiến trường, từng giai đoạn, dương cao ngọn cờ bách chiến, bách thắng, đánh cho kẻ địch phải ôm đầu máu chạy về nước. Buộc Chính Phủ của họ phải ngồi vào bàn đàm phán ở hội nghị Giơ-ne-vơ (đối với chính phủ Pháp) và hội nghị Pa-ri (đối với chính phủ Mỹ) để yêu cầu họ rút hết quân xâm lược về nước.
Chiến thắng của nhân dân Việt Nam là hết sức vĩ đại, vẻ vang, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, nước ta có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, bọn bành trướng cũng phải mau mau rút quân về nước.
Trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại ấy, đã có hàng triệu đồng bào chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh thân mình, hay mất một phần xương máu để giành lại độc lập, tự do cho tổ quốc. Tạo nên dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ. Tuy vậy những mất mát đau thương vẫn còn hằn sâu trên mình Tổ quốc cũng như nhiều gia đình. Ngoài những nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) quốc gia như: NTLS trường sơn, NTLS đường 9, Thành cổ Quảng Trị - NTLS không mộ, NTLS QK9, NTLS Điện Biên Phủ,… mỗi tỉnh, mỗi huyện, mỗi xã đều có NTLS hoặc đài tưởng niệm ghi danh các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong những trận chiến.
Nhân dịp các chuyến công tác tôi đã có dịp đến thăm các khu di tích lịch sử, các NTLS nhiều nơi như: hầm Dcatari, đồi A1, NTLS Điên Biên Phủ, nhà tù Sơn La, nhà tù Côn Đảo và NTLS Hàng Dương, Thành cổ Quảng Trị, NTLS đường 9, NTLS Trường Sơn, NTLS Quân khu9 (ở dốc Bà Đắc Tịnh Biên – An Giang) NTLS tỉnh An Giang, NTLS thành phố Cần Thơ, NTLS huyện Tri Tôn... Đến đâu tôi cũng thắp nén tâm nhang kính viếng hương hồn các anh hùng liệt sĩ, mong các anh, các chị phù hộ cho quốc thái dân an, dân giàu, nước mạnh, tôi đã cùng đoàn công tác thắp hương tưởng nhớ các AHLS đảo Gạc Ma, nơi các anh chiến đấu và hy sinh, nơi an nghỉ của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc, 10 cô gái Truông Bồn . Nhũng địa chỉ nay có nơi chỉ đến thắp nhang một lần, có nơi vài lần. Riêng NTLS huyện Tri Tôn và NTLS tỉnh An giang tôi đến hàng chục lần trong suốt 28 năm đi tìm hài cốt anh ruột tôi, theo giấy báo tử ghi là “hy sinh ở mặt trận phía Nam, an táng tại NT đơn vị” (được sự giúp đỡ của đồng đội và các tổ chức của QK9, của Bộ Quốc Phòng, cơ quan LĐ -TBXH, NTLS tỉnh AG, NTLS huyện Tri Tôn đã tìm thấy hài cốt anh tôi và đã đưa về quê ở Ninh Bình an táng).
Từ sự mất mát của gia đình và qua nhiều NTLS tôi càng thấu hiểu nỗi mất mát, đau thương của dân tộc ta. Ở NTLS Điên Biên Phủ danh sách liệt sĩ thì nhiều nhưng chỉ 4 người có danh (Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót..) tại NTLS Trường Sơn cũng có hàng ngàn ngôi mộ khuyết danh, NTLS QK9, An Giang, Cần Thơ, Côn Đảo,… cũng tương tự. Được biết Bộ LĐTB&XH cũng đã công bố cả nước còn khoảng 300 ngàn mộ khuyết danh và khoảng 200 ngàn LS chưa tìm thấy hài cốt.
Thực hiện chính sách hậu phương quân đội của Đảng và Nhà nước ta, trong nhiều năm qua Bộ Quốc Phòng đã thành lập ở các quân khu và các tỉnh nhiều đội qui tập mộ LS, cùng với các địa phương, các ngành và các nước bạn, đã qui tâp được hàng ngàn hài cốt đưa về NT, về quê. Thành lập ngân hàng gen để đối chiếu với thân nhân tìm ra danh tính LS (truyền hình quân đội có chương trình đi tìm đồng đội). Bên cạnh đó Nhà nước tiếp tục phong tặng Mẹ VN Anh hùng cho các mẹ có hai con trai cùng hy sinh, xây dựng nhiều nhà tình nghĩa cho các gia đình liệt sĩ và các thương bệnh binh. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương thường xuyên thăm hỏi các trại an dưỡng, các gia đình chính sách và tặng nhiều món quà đấy ý nghĩa, khen thưởng cho nhiều thương binh sản xuất kinh doanh giỏi...
Với những cố gắng của Đảng, Nhà Nước và nhân dân ta cũng thật đáng kể, tuy vậy cũng mới làm dịu đi nỗi đau của Mẹ, bớt đi những khó khăn cho các thương bênh binh mà thôi, bởi công sức của Mẹ lớn lắm, như nước trong nguồn chảy ra. Những đứa con Mẹ nuôi từ tấm bé, lớn lên cường tráng, thông minh, đẹp trai, đã nghe theo mênh lệnh của Tổ Quốc, xếp bút nghiên lên đường giết giặc, “để ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ, các anh không về mình Mẹ lăng im”. Đôi vai gầy bên mái tranh nghèo mẹ ngóng con về mỏi mòn mà không thấy, Mẹ lại ngóng tin xem các con mẹ nằm ở nơi đâu, đứa ở nơi nào...và mẹ mỏi mòn không chờ được nữa, mẹ cũng ra đi sang thế giới bên kia.
Có nỗi đau nào hơn nữa dành cho Mẹ Thứ không: 9 người con ruột, một người con rể, một đứa cháu, Mẹ đã hiến dâng cho Tổ Quốc. Hình ảnh của Mẹ Thứ là hình ảnh đặc trưng mẫu mực nhất của người Mẹ Việt Nam trong suốt ngàn năm chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Xin cám ơn người - người Mẹ Việt Nam. Mỗi chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, các thương, bệnh binh. Mỗi người phải tâm niệm rằng nhờ có sự hy sinh mất mát của bao người chúng ta mới được sống bình an hạnh phúc, phải sống cho xứng đáng, góp phần xây dựng đất nước, cũng là đền đáp công ơn những người đã khuất, ai không đóng góp được thì cũng đừng có hành động phá hoại đất nước, đừng có tham nhũng đất đai công bởi nó còn đến hôm nay là sự hy sinh xương máu của bao người đấu tranh để giành lại mà có. Dù là cán bô công chức, viên chức nhà nước còn đương chức hay nghỉ hưu, dù là người dân bình thường cũng phải là người tốt, người tử tế xứng đáng với truyền thống con Lạc, cháu Hồng.
Các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, nhưng tâm hồn lý tưởng đức hy sinh cao cả của các anh vẫn còn sống mãi với non sông đất nước, vẫn theo dõi sự hành động của mỗi người đang sống, dõi theo sự phát triển của đất nước phồn vinh.
Chúng ta hãy xứng đáng với Người đã khuất.
Mùa Thu, 2019