Nhân kỷ niệm ngày Thiếu nhi Quốc tế 1-6:
CÁC EM THIẾU NHI ĐANG "ĐÓI" BÀI HÁT HAY PHÙ HỢP LỨA TUỔI
Mục đích của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa là nhằm góp phần hình thành và phát triển nhân cách thế hệ trẻ với các tố chất Nhân - Trí - Dũng. Cùng với các bộ môn khoa học cơ bản khác, Âm nhạc có một vai trò, vị trí rất quan trọng nuôi dưỡng tâm hồn và hướng các em tới Chân - Thiện - Mỹ. Nhà văn, nhà cách mạng Juy-li- ít Fu-xích, người Tiệp Khắc đã nói: “Cuộc sống không có tiếng hát như trái đất không có ánh mặt trời”. Nhạc sĩ Phạm Tuyên, người đã sáng tác nhiều bài hát hay cho thiếu niên, nhi đồng cũng đã viết: Em là búp măng non, em lớn lên trong mùa cách mạng. Sướng vui có Đảng tiền phong. Có Đảng như ánh thái dương sống yên vui trong tình yêu thương. Cuộc đời từ nay bừng sáng. (Em là mầm non của Đảng).
Rõ ràng không ai có thể chối cải khả năng giáo dục to lớn của âm nhạc. Một số nước tiên tiến người ta còn cho thai nhi nghe nhạc cổ điển từ trong bụng mẹ để kích thích trí thông minh, hoặc cho hoa trái, súc vật nghe nhạc để đạt năng suất cao. Còn việc dùng âm nhạc để chữa bệnh thần kinh đối với một số trường hợp thì quá rõ. Song, trong thời đại bùng nổ thông tin của thời hội nhập toàn cầu hiện nay, thì các em thiếu nhi lại đang rất "đói" những bài hát hay, phù hợp với lứa tuổi.
Thật đáng buồn khi ta thấy có những em 6-7 tuổi mà đã hát thuộc lòng những bài như Tiếng hát chim đa đa, Yêu nhau ghét nhau, Người tình mùa đông, Mười năm tình cũ, Một lần dang dở, Sao em nỡ vội lấy chồng, Tình thôi xót xa... Hỏi ra mới biết các em học theo người lớn hát ka-rao-kê. Nhà tôi ở cạnh một trường Mẫu giáo, và hôm nào cũng vậy, các cô chỉ có mấy băng cũ với những bài hát thiếu nhi thịnh hành trong thời kháng chiến chống Mỹ, cách đây hơn nửa thế kỷ, cứ mở đi mở lại và bắt các cháu phải nghe, như: Em đố mẹ em Mỹ rơi bao máy bay, Cháu yêu chú bộ đội bắn Mỹ tài ghê, Chiếc mũ rơm… Không ai phủ nhận giá trị của những bài hát ấy, nhưng liệu nó có còn phù hợp với giai đoạn lịch sử hôm nay nữa không?
Chủ đề các bài hát cho thiếu nhi rất phong phú. Các nhạc sĩ đã sáng tác hàng nghìn bài cho đủ mọi lứa tuổi, nhưng những bài hát hay, phù hợp với cỡ giọng của các em, được các em yêu thích thì còn quá ít. Trong khi đó có khá nhiều bài hát viết theo các giai điệu mà ta tạm gọi là nhạc trẻ, rock, pop in ấn, biểu diễn tràn lan, kích động thị hiếu không lành mạnh. Nhiều bài rất phản cảm, thiếu tác dụng giáo dục tư tưởng cho thiếu nhi. Các bài hát hay cho thiếu nhi, sống mãi với thời gian, không những được các em yêu thích mà người lớn cũng rất thích. Ví dụ như: Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ (Xuân Giao), Bông hồng nhỏ (Trịnh Công Sơn), Bụi phấn (Vũ Hoàng & Lê Văn Lộc), Trường làng tôi (Phạm Trọng Cầu), Đến trường (Bùi Đình Thảo), Em đi thăm miền Nam (Hoàng Lân & Hoàng Long), Khăn quàng thắm mãi vai em (Phạm Tuyên), Bài học đầu tiên (Trương Xuân Mẫn), Con đường học trò (Nguyễn Văn Hiên & Từ Nguyên Thạch), Trái đất này là của chúng mình (Trương Quang Lục), Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng (Phong Nhã)...
Nhiều bài hát viết cho các em trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của một số nhạc sĩ vẫn còn xanh mãi, bởi nó có giai điệu hay, ca từ đẹp, phù hợp với lứa tuổi. Và đặc biệt các bài hát ấy có tính thời sự, tính giáo dục và tính thẩm mỹ cao. Âm nhạc sẽ giúp các em vừa chơi vừa học, đem đến cho các em nhiều bài học tư tưởng nhẹ nhàng mà bổ ích. Qua các bài hát ấy sẽ đem đến cho các em tình yêu quê hương đất nước, tình thầy trò, bè bạn, tình quốc tế, phản đối chiến tranh, bảo vệ môi trường..., làm cho tâm hồn các em trong như nước suối đầu nguồn, như ánh sáng ban mai, mở rộng cánh cửa tâm hồn để các em hướng tới một khung trời tương lai đầy ước mơ, hy vọng. Bông hoa này là của chung giáo dục các em ý thức vì cộng đồng, Trường của cháu là trường mầm non, Cô giáo em đẹp như cô Tiên, Xe chú vô ngày các cháu tựu trường, Bài học đầu tiên, Bụi phấn...nâng cao hơn lòng yêu trường, mến bạn, kính trọng thầy cô. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng, Em mơ gặp Bác Hồ giáo dục các em lòng biết ơn và kính yêu lãnh tụ. Liên hoan thiếu nhi thế giới, Trái đất này là của chúng mình đem đến cho các em tình bè bạn quốc tế hồn nhiên, trong sáng, cao đẹp. Các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Phong Nhã, Phạm Trọng Cầu, Xuân Giao, Bùi Đình Thảo, Hoàng Lân, Hoàng Long, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Văn Hiên, Trương Quang Lục, Gíap Văn Thạch... đã có nhiều bài hát hay cho thiếu niên nhi đồng. Tiếc rằng hiện nay có rất ít nhạc sĩ viết cho thiếu nhi hay như các nhạc sĩ lớp trước. Phải chăng chúng ta thiếu tài năng hay ngọn lửa tâm hồn của nhạc sĩ chưa tỏa sáng vào thế giới của tuổi thơ? Hay vì cơ chế thị trường mà một số nhạc sĩ có tài thực sự nhưng lại chiều theo thị hiếu của một bộ phận công chúng, để rồi viết ra những bài ca khi rên rĩ, lúc hò hét, khi não tình, lúc giật gân để cho một số ca sĩ khi khóc mướn, khi dậm dật trên sân khấu trong ánh đèn màu loạn xạ hàng đêm? Hay vì bài hát viết cho thiếu nhi, các báo, các nhà xuất bản trả nhuận bút thấp hơn bài hát viết cho người lớn? v.v và v.v. Biết bao câu hỏi chưa có lời đáp.
Hiện nay rất nhiều trường Mẫu giáo, Tiểu học còn thiếu giáo viên dạy Nhạc. Đó là một thiệt thòi lớn cho các em. Số thanh thiếu niên "mù" nhạc có đến hơn 90%, thậm chí một số ca sĩ cũng chỉ hát truyền khẩu theo băng, đĩa, theo ca từ, hát nhép, nhạc lý chẳng biết gì. Các-Mác, vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản, đã nói: “Bản nhạc sẽ không có giá trị gì đối với lỗ tai không biết thẩm âm”. Dân gian có câu tục ngữ: “Đàn gảy tai trâu” cũng nhằm phê phán hạng người không biết gì, không chịu nghe… Những yếu kém hiện nay về âm nhạc đối với thế hệ trẻ, trách nhiệm thuộc về ai? Theo thiển nghĩ cá nhân, có lẽ trước hết thuộc về các Bộ, như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông. Sau nữa là Hội nhạc sĩ Việt Nam và các ban ngành chức năng…
Những ai có lương tâm và trách nhiệm với thế hệ trẻ cũng đều băn khoăn, trăn trở, và rất mong các nhạc sĩ hãy vì tương lai con em chúng ta mà lao tâm khổ tứ để cho ra đời những bài hát hay, phù hợp với lứa tuổi, góp phần xóa đi nạn "đói" bài hát trong các trường học hiện nay.
LÊ XUÂN