Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới

BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRONG TÌNH HÌNH MỚI

                                                                      Ths Trần Văn Kiệt

 

Kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2021) là dịp để mọi người chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của Đảng, càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất và hội nhập quốc tế. Một trong những việc làm thiết thực là ra sức cùng toàn Đảng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

 

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam

Từ ngày 6/l đến ngày 7/2/1930, tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc),   đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành lập một đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam; thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng.

Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập là kết quả của sự vận động, phát triển và thống nhất phong trào cách mạng trong cả nước trong những năm đầu thế kỷ XX; là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; là kết quả của sự chuẩn bị công phu về mọi mặt của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sự đoàn kết nhất trí của những chiến sỹ tiên phong vì lợi ích của giai cấp, của dân tộc.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước.Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, được Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua đã xác định cách mạng Việt Nam phải tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là con đường cách mạng duy nhất đúng để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam

 

Ngay từ khi Đảng ra đời và trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, dù bất cứ hoàn cảnh nào, chủ nghĩa Mác – Lênin luôn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Vì lẽ đó, Đảng ta luôn coi trọng công tác bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, bảo vệ cương lĩnh, đường lối của Đảng và bảo vệ nhân dân, đồng thời kiên quyết đấu tranh phản bác, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch.

(1) Trong thời kỳ lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc (1930-1945), Đảng hoạt động giữa vòng vây của kẻ thù, nhiều thế lực phản cách mạng tập trung đánh phá quyết liệt, Đảng còn non trẻ nhưng đã thể hiện bản lĩnh của một đảng cách mạng có bản lĩnh chính trị vững vàng.

(2) Bất chấp mong muốn độc lập và hoà bình của Chính phủ và nhân dân ta, mặc dù chúng ta đã nhân nhượng nhưng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng có dã tâm cướp nước ta một lần nữa. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt đứng lên với quyết tâm thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đánh dấu bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

(3) Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) và kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), Đại hội III (1960) của Đảng đề ra nhiệm vụ lãnh đạo toàn dân tộc vừa bắt tay vào công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. Trong bối cảnh chủ nghĩa cơ hội, xét lại ra sức chống lại chủ nghĩa Mác, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết và kiên trì đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác.

(4) Những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX, các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Đông Âu và Liên Xô từng bước rơi vào khủng hoảng và sụp đổ. Kể từ sau sự kiện này đến nay đã gần 30 năm, các thế lực thù địch vẫn luôn ra sức lợi dụng xuyên tạc, công kích và phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin. Là Đảng cầm quyền, lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, Đảng ta đã dựa trên cơ sở nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, kiên định con đường đi lên CNXH và tích cực tìm tòi đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Dự thảo Các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hộilý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hoá. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay” [3, tr. 24]

Rõ ràng, trong quá trình lãnh đạo cách mang Việt Nam, Đảng ta đều khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin luôn luôn là nền tảng tư tưởng của Đảng ta, chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Một nội dung cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo là, tại Đại hội IX (2001), Đảng ta: “Khẳng định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động là bước phát triển quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng ta” [1, tr.13]. Từ Đại hội IX của Đảng đến nay tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta”. Dự thảo Các văn kiện trình Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tiếp khẳng định quan điểm số một là: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” [3. tr.27]. Sự khẳng định này cho thấy bản lĩnh và quyết tâm rất lớn của Đảng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, dù các thế lực thù địch ra sức chống phá.

 

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Về cách hiểu đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị khoá XII (gọi tắt là Nghị quyết số 35-NQ/TW) “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” chỉ rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước” [1]

Nghị quyết số 35-NQ/TW đã xác định bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhằm đạt mục tiêu: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội  và niềm tin của nhân dân với Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” [1]

Nội dung, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Thứ nhất, nghiên cứu sâu sắc, toàn diện về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ rõ những giá trị bền vững, bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến sâu rộng, thuyết phục sâu sắc về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Thứ ba, phát triển bền vững nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo thành sức mạnh nội lực; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng – an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Thứ tư, bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với cuộc đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận những giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận con đường đi lên của nghĩa xã hội ở Việt Nam…

Thứ năm, xử lý kịp thời, nghiêm minh những vi phạm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, loại bỏ các phần tử cơ hội trong Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Thứ sáu, đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc hình thức tự phê bình và phê bình trong Đảng.

Thứ bảy là, phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, Ban Chỉ đạo 35; xây dựng phát triển lực lượng đấu tranh theo hướng chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm hoạt động chống phá của đối tượng để đấu tranh, tạo thế liên hoàn, vững chắc, có bộ phận nòng cốt, chuyên sâu, tập hợp lực lượng rộng rãi; quản lý chặt chẽ tình hình; xử lý kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy sinh. Trong tổ chức thực hiện, cần duy trì tốt các chuyên trang, chuyên mục chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở các cơ quan, đơn vị. Các cơ quan báo chí cần phát huy vai trò nòng cốt đấu tranh vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, góp phần định hướng dư luận xã hội.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết số 35-NQ/TW Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001) Báo cáo chính trị Đại hội IX của Đảng.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2020), Dự thảo Các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.