Báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng

LTS: Nhân kỷ niệm 93 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, Ban biên tập xin giới thiệu các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách làm báo. Xin giới thiệu cùng quý độc giả.

 

BÁO CHÍ CỦA TA PHẢI CÓ ĐƯỜNG LỐI CHÍNH TRỊ ĐÚNG

 

Cách đây vừa tròn 30 năm, vào một ngày giữa tháng 4 năm 1959, Bác Hồ đã đến thăm và nói chuyện thân mật với Đại hội Nhà báo Việt Nam lần thứ hai tại Hà Nội. Nói về Hội Nhà báo. Người chỉ rỏ: Đó là tổ chức chính trị và nghiệp vụ. Nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội Nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình, và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng.

Chúng ta hãy đặt câu hỏi: Báo chí phải phục vụ ai? Có người nói các nước tư bản có tự do báo chí và báo chí không giai cấp. Nói vậy không đúng. Ví dụ: Các báo Pháp như báo Lơ Phi-ga-rô, báo nước Pháp buổi chiều…một mặt nó ru ngủ nhân dân, làm cho nhân dân mất chí khí chiến đấu, mất tinh thần đoàn kết giai cấp. Mặt khác, nó phục vụ giai cấp tư bản. Đó là những tờ báo chính trị. Lại còn những báo “giật gân”, báo nói về ái tình, báo chuyên lôi chuyện bí mật của những người có tiền ra để tống tiền…tất cả những báo ấy đều phục vụ lợi ích của giai cấp bóc lột. Báo chí Pháp có thật tự do không? Không! Ví dụ báo Nhân đạo thường bị bọn thống trị tìm mọi cách để phá: nào phạt tiền, nào cho bọn du côn phá phách, nào làm ăn khó khăn về giấy in, nhiều khi báo bị thu…

Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành,…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng.

Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu.

Mục đích chung của chúng ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giữ gìn hòa bình. Nhưng mỗi bài báo như báo của nông dân, báo của công nhân, báo của thanh niên, báo của phụ nữ…nên có đặc điểm của nó. Về hình thức thì không nên rập khuôn, rập khuôn thì cũng thành khô khan, làm cho người xem dễ chán.

Nói đến những người làm báo chí, Bác Hồ dạy: Các cô, các chú đã có những ưu điểm như đã đóng góp vào cuộc kháng chiến thắng lợi, xây dựng hòa bình và đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Nhiều đồng chí đã cố gắng làm việc. Ưu điểm của các cô, các chú không ít. Nhưng khuyết điểm thì cũng còn nhiều. Trong các đồng chí cũng còn có người hoặc ít hoặc nhiều chưa thoát khỏi ảnh hưởng tư sản và tiểu tư sản, cho nên nắm vấn đề chính trị không được chắc chắn. Nói về văn nghệ, Bác thú thật có ít thì giờ xem các bài văn nghệ. Có lẽ vì thế mà lúc xem đến thì thấy cách viết thường ba hoa, dây cà dây muống; và hình như viết để đếm dòng lấy tiền, có những bài nhạt nhẽo thế nào ấy. Còn viết về chính trị thì khô khan và có hai cái tệ: một là rập khuôn, hai là dùng quá nhiều chữ nước ngoài. Cái bệnh dùng chữ nước ngoài là phổ biến trong tất cả các ngành. Đáng lẽ báo chí phải chống lại cái bệnh đó, nhưng trái lại, báo chí lại tuyên truyền cho cái tệ đó…

Về trách nhiệm báo chí, Lê-nin có nói: báo chí là người tuyên truyền, cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng, là vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy, thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công.

 

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP KỂ CHUYỆN LÀM BÁO VỚI BÁC HỒ

 

Năm 1941, Bác Hồ về Pắc Bó thuộc tỉnh Cao Bằng chuẩn bị mọi mặt để thành lập Việt Nam độc lập đồng minh, tưc là Mặt trận Việt Minh – Đây là thời kỳ tôi có dịp sống và làm việc gần Bác. Báo “Việt Nam độc lập” ra đời vào lúc này, do Bác làm “Tổng biên tập”. Bác kể chuyện với chúng tôi về những ngày đầu tiên học nghề viết báo ở bên Pháp. Người ta yêu cầu Bác khi thì kéo dài một bài báo ra, khi thì rút ngắn lại, kéo dài ra đã khó, rút ngắn lại càng khó hơn.

Một hôm, Bác giao cho tôi viết một bài về vấn đề phụ nữ cho báo “Việt Nam độc lập”, một trong những số báo đầu tiên đã ra. Tôi viết một bài hai trang, đọc đi đọc lại, lấy làm ưng ý, đưa Bác xem.

Bác xem rất nhanh, gọi tôi, đưa lại bài viết và mỉm cười:

- Bài này chỉ để cho chú đọc thôi. Ở đây, bà con đọc có lẽ không ai hiểu. Bác trả lại chú.

Bác nói tiếp:

- Bây giờ chú chịu khó viết lại, 200 chữ thôi. Báo của ta ít trang, độc giả của ta trình độ văn hóa thấp, có người đọc chưa thông viết chưa thạo; nhiều người chưa tự đọc báo mà chỉ nghe người khác đọc. Khi viết cần nhớ: viết cho ai đọc, viết sao cho người đọc hiểu để rồi làm.

Thế là từ bài báo gần 1000 chữ, tôi phải rút ngắn đi năm lần, lại phải viết thế nào cho đồng bào ở đây ai nghe đọc cũng hiểu được, một công việc gian khổ, buộc tôi phải cân nhắc từng ý, từng chữ để đạt những yêu cầu Bác đề ra.

Cuối cùng, bài viết xong, tôi lại trao cho “Tổng biên tập” và nói:

- Cố gắng lắm rồi đấy !

Tôi chờ Bác đọc và cho ý kiến. Nhưng lần này bác lại làm khác. Bác cho mời mấy người ở xung quanh lại. Đồng chí Dương Đại Lâm, chị Nông Thị Trưng, đồng chí Lộc “anh nuôi”… tất cả ngồi quay quần bên Bác. Tôi đọc bài báo cho anh chị nghe, đọc chậm, rành rọt từng câu, từng chữ.

Đọc xong, tôi hồi hộp đợi ý kiến của cử tọa như một người đi thi chờ công bố kết quả. Bác Hồ thân mật hỏi:

- Thế nào, các cô, các chú nghe chú Văn đọc, có hiểu không?

Mọi người đáp:

- Hiểu ạ!

- Hay không?

- Hay ạ!

Bác hỏi thêm vài câu kiểm tra xem mọi người có hiểu thật không. Sau đó Bác cười và nói:

- Bài của chú thế là được.

Qua làm việc với Bác, tôi đã rút ra cho mình một bài học sâu sắc về làm báo, viết báo. Trước hết phải nghĩ đến người đọc và tác dụng thiết thực của bài viết.

 

Trích tập “Xin đừng quên lời nhà báo Hồ Chí Minh” – NXB Đà Nẵng, 2005.