Mừng ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6
BÁC DÀNH “MUÔN NGÀN TÌNH YÊU THƯƠNG” ĐỐI VỚI THIẾU NIÊN, NHI ĐỒNG
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất yêu quý thiếu niên, nhi đồng. Người đã dành muôn ngàn tình thương yêu dành cho các cháu thiếu nhi, chủ nhân tương lai của Đất nước. Sau đây Ban biên tập xin trích giới thiệu một phần tình cảm của Bác cho thiếu niên, nhi đồng Việt Nam.
Trong năm 1961, có một sự kiện đáng nhớ của các cháu thiếu nhi. Bác Hồ cho 2000 cháu lần lượt đến vui chơi trong Phủ Chủ tịch. Bác dành phòng khách long trọng nhất trong Phủ Chủ tịch làm nơi cho các cháu triển lãm tranh ảnh của mình. Bác cho trang trí vườn hoa và mắc âm thanh tốt nhất cho các cháu ca hát, liên hoan văn nghệ.
Ngày 15/5/1961 nhân Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư cho thiếu niên, nhi đồng. Trong thư Bác căn dặn: “Các cháu cũng tham gia đấu tranh bằng cách thực hiện mấy điều sau đây: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/ Giữ gìn vệ sinh/ Thật thà, dũng cảm”. Cũng ngay trong lá thư này, Bác ân cần nhắc nhở thiếu niên nhi đồng: “Mai sau các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh”.
Bác Hồ dành muôn ngàn niềm yêu thương đối với thiếu nhi. Ảnh: tư liệu.
Trong cuốn sổ Giải thưởng Bác Hồ là loại sổ dành riêng để thưởng cho giáo viên và học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập năm học 1964 - 1965 thì 5 điều Bác dạy trên đây lại được in hoàn chỉnh là: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/ Giữ gìn vệ sinh thật tốt/ Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Nguyên nhân là do vào lúc đó ở miền Bắc xuất hiện nhiều gương thiếu nhi dũng cảm cứu người, cứu hàng; ở miền Nam xuất hiện nhiều gương dũng sỹ diệt Mỹ. Nhưng Bác không muốn các em tự kiêu, mà muốn các em khiêm tốn, vì đức khiêm tốn sẽ giúp các em tiến bộ mãi. Bởi Bác đánh giá rất cao đức khiêm tốn ở các em. Bác nói: “Ở nước Mỹ, người ta giết nhau chỉ vì đồng bạc giấy, thế mà ở Việt Nam ta các cháu bé đã biết sống như thế nào... Có cháu lên 6 tuổi cùng bạn đi chơi, bạn nó sảy chân ngã xuống ao, nếu chạy về gọi người lớn thì bạn chết mất, cháu liền bám vào bụi cỏ bờ ao, nhoai cái chân nhỏ xíu ra, miệng bảo bạn “bám vào đây, bám vào đây”. Cháu tuy nhỏ tuổi mà biết thương bạn như vậy. Thương bạn, thông minh và dũng cảm, cháu lại khiêm tốn nữa, cứu được mạng người mà không khoe khoang. Văn minh chiến thắng bạo tàn. Xã hội ta văn minh hơn xã hội Mỹ từ những việc làm của các cháu bé như vậy”.
Nghe theo lời dạy của Người, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam hăng hái thi đua tham gia phong trào “Hai tốt”, phong trào “Thiếu nhi làm nghìn việc tốt”. Chính những đóng góp nhỏ bé của các em đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự nghiệp dựng xây đất nước.
Dịp Quốc Tế Thiếu Nhi 1/6/1969, Bác đã có lời căn dặn toàn Đảng, toàn dân cần "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng” đăng trên báo Nhân Dân, số 5526, ngày 1/6/1969. Bác khẳng định: “Nói chung trẻ con ta rất tốt”, Bác nhắc đến các cháu thiếu nhi ở hai miền Nam, Bắc thi đua làm nghìn việc tốt như thế nào, thành tích ra sao. Người nhấn mạnh: “chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ...”. Bác kêu gọi mọi người: “Vì tương lai con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.
Đặc biệt, trong di chúc của mình, Người viết: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp 2 miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”. Ở đoạn kết thúc Bác lại viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”.
Không chỉ dành tình yêu cho các cháu thiếu nhi trong nước, Bác còn dành tình yêu bao la cho các cháu thiếu nhi khắp năm châu. Và các cháu thiếu nhi khắp năm châu cũng đã thể hiện sự yêu quý vô bờ đối với Bác.
Năm 1946, Bác sang Pháp để đàm phán với Chính phủ Pháp về những vấn đề có liên quan đến vận mệnh đất nước. Thị trưởnh thành phố Pari mở tiệc long trọng thiết đãi Bác Hồ. Khi ra về, Người lấy trên bàn một quả táo bỏ vào túi. Mọi người ngạc nhiên, tò mò trước cử chỉ ấy của Bác. Ra đến cửa, Bác nhìn thấy rất đông bà con Việt Kiều và người Pháp đứng đón mừng Bác. Trông thấy một bà mẹ bế trên tay một cháu bé, Bác tiến lại gần, giơ tay bế cháu bé. Lúc ấy, Bác rút trong túi ra quả táo đưa cho cháu bé. Mẹ cháu bé và những người cùng đi rất cảm động trước tấm lòng yêu trẻ của Bác Hồ. Ngày hôm sau, câu chuyện “quả táo của Bác Hồ” đều được các báo Pháp đăng lên đầu trang nhất. Các báo còn kể lại rằng em bé gái khi nhận được quả táo đó thì giữ khư khư trong tay, ai xin cũng không cho. Lúc về nhà, em để quả táo trên bàn học. Cha mẹ em bảo: “Con ăn đi, kẻo để lâu sẽ hỏng, không ăn được”. Nhưng em nhất định không ăn. Em nói: “Đó là táo của Bác Hồ cho con, con sẽ giữ thật lâu để làm kỷ niệm”.
Khi đến thăm các nước xã hội chủ nghĩa anh em, đến thăm trại thiếu thi Tiệp Khắc gần Pra-ha, Bác đã có một cuộc đối thoại hết sức sinh động, vui vẻ với các cháu: “- Các cháu có biết Bác là ai không? - Ano! (có ạ). Strycek Hồ! (Bác Hồ). - Bác từ nước nào đến? - Việt Nam! - Các cháu có yêu học tập không? - Ano! - Có yêu lao động không? - Ano! - Bác Hồ rất yêu các cháu. Các cháu có yêu Bác Hồ không? - Ano... Ano!...”.
Ngày 7/2/1958, hơn 3.000 thiếu nhi Ấn Độ đồng diễn chào mừng Bác Hồ tới thăm. Các em phấn khởi hô vang “Cha, cha Hồ” (Bác Hồ). Đây là điều rất đặc biệt. Bởi vì, chỉ có 2 người được thiếu nhi Ấn Độ gọi là Bác, đó là “Bác Nê-ru” và “Bác Hồ”.
Thật cảm động khi đọc được những câu chuyện như vậy về Bác Hồ kính yêu của chúng ta!
Nguyễn Văn Toàn