Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản báo chí cách mạng vô cùng quý báu. Trong cuộc đời hoạt động của mình, Bác đã viết khoảng 2.000 bài báo với trên 100 bút danh khác nhau. Đặc trưng các bài báo, tiêu đề bài báo mà Bác viết đều ngắn gọn, súc tích nhưng có sức truyền tải nội dung lớn, luôn luôn vì mục đích phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Người khẳng định viết báo là để “chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó”[1]. Bác cũng đã trực tiếp cho ra đời 9 tờ báo: “Người Cùng Khổ” (1922); “Quốc tế Nông dân” (1924); “Thanh Niên” (1925); “Công Nông” (1925); “Lính Kách Mệnh” (1927); “Việt Nam Tiền Phong” (1927); “Thân Ái” (1928); “Đỏ” (1929); “Việt Nam Độc Lập” (1941); “Cứu Quốc” (1942). Riêng tờ “Người Cùng Khổ”, Bác vừa là chủ nhiệm đồng thời là chủ bút, hoạ sĩ biếm họa, thợ rửa ảnh, thủ quỹ, phát hành, bán báo... Học tập Bác, nền báo chí cách mạng và người làm báo nước ta đã không ngừng trưởng thành và phát triển.
Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo Nhân Dân. Ảnh: tư liệu lịch sử.
Nhân Tết Âm lịch 1946, cái Tết đầu tiên của nước Việt Nam độc lập sau hơn 80 năm bị ách áp bức đô hộ dã man của thực dân Pháp và phát xít Nhật, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bài báo ngắn vừa đúng 100 chữ, với tên bài cũng thật ngắn gọn: “Tết” trên báo “Cứu Quốc” (Cơ quan Truyên truyền tranh đấu của Tổng bộ Việt Minh) số 147, ra ngày 21-1-1946.
Sự việc này được đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác kể lại:
“Tối ngày 19-1-1946, Bác hỏi:
- Chú cần xem sắp đến ngày Tết ông Táo chưa nhỉ?
- Thưa Bác, hôm nay mới là 18 tháng Chạp, còn năm ngày nữa ạ.
Đêm đó, Bác trằn trọc không ngủ. Nghe tiếng cựa mình, tôi biết Bác còn thức. Chắc giờ này Bác đang nghĩ nhiều đến đồng bào và chiến sĩ cả nước. Sáng 20, Bác gọi tôi lại, bảo lấy giấy bút, Bác đọc cho viết thư kêu gọi đồng bào nhân dịp Tết sắp đến”.
Nguyên văn bài báo của Bác trên trên báo “Cứu Quốc” số 147, ra ngày 21-1-1946 như sau:
TẾT
Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái. Trong lúc này toàn quốc đồng bào từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ, ai cũng sửa soạn ăn Tết mừng Xuân.
Tôi kêu gọi đồng bào và các đoàn thể làm thế nào để chia sẻ cuộc vui Xuân mừng Tết với:
Những chiến sĩ oanh liệt ở trước mặt trận
Những gia quyến các chiến sĩ,
Những đồng bào nghèo nàn,
Sao cho mọi người đều được hưởng các thú vui và Tết Xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.
Hồ Chí Minh
Ngày 1-2-1946, trên báo “Cứu Quốc” số Tết Bính Tuất 1946, Bác viết bài “Gửi cho các chiến sĩ”. Nguyên văn bài báo như sau:
GỬI CHO CÁC CHIẾN SĨ
Hỡi các chiến sĩ yêu quý!
Trong khi đồng bào đốt hương trầm để thờ phụng tiền nhân thì các bạn đốt thuốc súng để gìn giữ Tổ quốc. Trong khi đồng bào đốt pháo mừng Xuân thì các bạn nổ súng chống địch. Các bạn hăng hái chống địch để cho đồng bào được an toàn mừng xuân. Vậy nên đồng bào quyết không bao giờ quên công lao các bạn.
Trong ba ngày tết, đồng bào ai cũng đoàn tụ sum vầy quanh những bình hoa mâm bánh. Còn các bạn thì chịu ăn gió nằm mưa, lạnh lùng ở chốn sa trường. Song hình ảnh các bạn thì ấm áp trong lòng thân ái của mỗi một quốc dân.
Tôi thay mặt Chính phủ và toàn quốc đồng bào chúc các bạn năm mới mạnh khỏe và thắng lợi.
Bao giờ kháng chiến thành công,
Chúng ta cùng uống một chung rượu đào.
Tết này ta tạm xa nhau,
Chắc rằng ta sẽ tết sau sum vầy.
Hồ Chí Minh
Trong “Bài chúc Tết của Hồ Chủ tịch ngày Nguyên Đán” trên báo “Cứu Quốc” số 155, ra ngày 5-2-1946, Bác viết:
Trong năm Bính Tuất mới
Muôn việc đều tiến tới.
Kiến quốc chóng thành công
Kháng chiến mau thắng lợi.
Các bài báo này của Bác được viết khi thực dân Pháp núp sau quân đội Anh làm nhiệm vụ giải giáp phát xít Nhật để xâm lược trở lại nước ta. Ngày 23-9-1945, được quân Anh giúp đỡ và sự yểm trợ của quân Nhật, 6000 quân Pháp đánh úp trụ sở Ủy ban nhân dân Nam bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn, mưu toan chiếm lại miền Nam nước ta trong vòng một tháng, làm bàn đạp chiếm lại cả Đông Dương.
Như vậy là chỉ 21 ngày sau khi khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân Nam bộ phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu. Ngày 26-9-1945, qua Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, Bác đã gửi thư cho đồng bào Nam bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước ta: “Hỡi đồng bào Nam Bộ! Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm. Khi còn chiến tranh với Nhật, thì bọn thực dân Pháp hoặc đầu hàng hoặc chạy trốn. Nay vừa hết chiến tranh thì bọn thực dân Pháp hoặc bí mật hoặc công khai mò lại. Trong 4 nǎm, họ đã bán nước ta hai lần. Nay họ lại muốn thống trị dân ta lần nữa. Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”. Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà. Tôi chắc và tất cả đồng bào đều chắc rằng những người và những dân tộc yêu chuộng bình đẳng tự do trên thế giới đều đồng tình với chúng ta. Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc tranh đấu của chúng ta là chính đáng”.
Như vậy, các bài báo “Tết”, “Gửi cho các chiến sĩ”, “Bài chúc Tết của Hồ Chủ tịch ngày Nguyên Đán” của Bác vừa khẳng định nền Độc lập của nước ta đồng thời cũng khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước ta.
(Còn tiếp)
Nguyễn Văn Toàn