BẾN SÔNG CHIỀU THẮT THẺO NỖI NHỚ QUÊ
"Sông vẫn chảy như nỗi niềm da diết/Ai tha hương mới hiểu hết nỗi lòng...”. Cây có cội, nước có nguồn. Hạnh phúc cho bất cứ ai còn có quê để nhớ!
An Lộc
Khắp xứ này sông nước dài miên man. Cho con kinh xáng trước nhà, cho con “rạch trời sanh” sau gian bếp. Nhà nào cũng có chiếc ghe, con xuồng dập dềnh theo con nước trước mỗi hiên nhà.
Ngồi vỏ lãi gần 5 cây số tìm về bến sông xưa, chú Tư kể nơi đó có mái nhà lợp toàn lá đưng (giống cây lác nhưng thân dài hơn) với bóng cây tràm đổ xuống bến trước nhà; có tuổi ấu thơ chăn trâu xúc cá; có tiếng la rầy của cha khi ham leo cây lộn mèo bên sông cùng chúng bạn; có bóng má lụi cụi trong bếp bên nồi cơm xôi; cũng bến sông này 63 năm trước tấp nập xuồng ghe mừng cho đôi trẻ, đám cưới của tôi, một người lính trẻ với cô thiếu nữ thị thành đằm thắm thủy chung...
Chú kể xóm chú thủa đó (khoảng năm 1940 -1941) đất rộng nhưng dân ở thưa thớt lắm, chỉ khoảng bốn, năm chục hộ, nhà này cách nhà kia khá xa và chủ yếu là bà con thân thuộc tụ về chung sống. “Tôi còn nhớ nhà tôi ở cặp bờ xáng, trước mặt có con kinh, hai bờ xanh mướt bởi những rặng dừa, cây chuối nước ken đặc cùng một cây tràm gốc rất bự nghiêng xuống dòng kinh; sau nhà lại có con rạch trời sanh”. Xung quanh toàn đồng đất, rất nhiều lung, bào, đìa cùng mạng lưới sông ngòi, kinh, rạch, mương dày đặc, chằng chịt. Mùa nước nổi, từ thượng nguồn nước tràn về đồng ruộng sâu bảy, tám tấc còn lung bào sâu trên một mét, kinh mương có nơi ngập khỏi đầu. Mùa khô cánh đồng đất nứt nẻ, lung bào nhiều nơi chỉ còn vài tấc nước, kinh mương khô cạn, chỉ còn năm, bảy tấc nước khiến xuồng ghe đi lại rất khó khăn.
Bến sông đón khách du lịch. Ảnh: TN.
Tuy nhiên, cá, tôm, chuột đồng, rắn, rùa... khi đó vẫn vô số kể tưởng như ăn không bao giờ hết. Cá sống lâu năm “mọc râu” luôn, muốn ăn dân chỉ chọn cá rô mề. Rắn hổ đất bò lền khên chui cả vô liếp; chim trích, cúm núm chạy vô nhà như gà nhà mình nuôi vậy. Ra kinh dùng vợt xúc chỉ 3 tiếng là cá oằn ghe đầy xuồng, cầm cần câu nhấp một hồi nhìn cá muốn xỉu rồi. Đẩy xuồng đi mà chim le le ken đặc như vịt đàn xà xuống. Tháng 9 tháng 10 đúng mùa cá ra dân thường khui hầm, dồn cá vô lung, đìa để bắt dễ cả hàng trăm tấn làm khô làm mắm dành ăn cả năm. Mùa khô đất dậy phèn lươn trào lên, con nào cỡ cườm tay mới lượm, nhỏ bỏ lại; cá lên màng tụ lớp lớp dưới ruộng; rồi dặm cù bắt chuột khi lúa vừa gặt xong, mê mải suốt ngày… Cũng nhờ thiên nhiên hào phóng nên cuộc sống người nghèo khi đó đỡ lắm. Bây giờ thủy sản đồng đất ngày càng cạn kiệt là điều cũng cần phải trăn trở, suy nghĩ.
Đường làng ngõ ấp đã khác, con rạch sau nhà đã thành ruộng lúa, lòng kinh trước nhà đã rộng hơn nhiều, rặng dừa nước vẫn đổ bóng như xưa nhưng những cụm chuối nước đã đi xa xa mãi…
Chú ghé thăm nhà Hai Năng, Ba Nguyện, hai chị em học cùng Trường Tiểu học kháng chiến Cần Thơ; lội đi tìm nhà Hai Tấn, Tám Bé, Bảy Vinh, Hai Muông, Hai Thanh, Mười Lé... chỉ gặp được lớp con cháu của họ, kẻ nhớ người quên, nhắc lại cảnh xưa người cũ sao vẫn ắp đầy bao kỷ niệm.
Người xưa cảnh cũ xa rồi. Và những giọt nước mắt của người lính già đầu bạc, dạn dày sanh tử trên khắp sông rạch miền Tây hôm nay lại bất chợt nhỏ xuống, hoà với con nước của bến sông xưa…
"Sông vẫn chảy như nỗi niềm da diết
Ai tha hương mới hiểu hết nỗi lòng...”
Trên dòng sông quê. Ảnh: TN.
Quê, ai đó sẽ về! Giữa chốn bộn bề cuộc sống, giữa những lo toan vất vả đời thường, quê hương chính là nơi lắng đọng những gì thiêng liêng và bình dị nhất. Ở nơi ấy có dáng hình người Mẹ người Cha vất vả tảo tần sớm hôm, có hương vị ngọt ngào cây cỏ hoa trái, có những điều chân chất của con sông trước nhà con rạch sau bếp, có hương tỏa khói lam mỗi chiều về...
Ngày qua ngày, bến sông quê dần trở thành quá khứ, những đứa trẻ ngày ấy nay đã tỏa bay khắp đường đời, phương trưởng, neo đậu bến bờ mới nhưng hình ảnh chiếc ghe con đò neo đậu bến sông xưa còn vẹn nguyên trong ký ức, đâu dễ ai quên? Càng đi xa, càng xa nhiều thì càng đau đáu nỗi nhớ quê với bến sông bên lở bên bồi thủa trước
Cây có cội, nước có nguồn. Chuyến đi tìm về bến sông xưa của chú Tư càng cho tôi thấy rõ tình quê hương luôn ẩn chứa sâu đậm trong mỗi con người, mãnh liệt lắm dù họ có đi xa đến mấy. Hạnh phúc cho bất cứ ai còn có quê để nhớ, nhất là những dịp Tết đến Xuân về!
Bến sông chiều thắt thẻo nỗi nhớ quê.