Trên báo “Tiếng gọi phụ nữ” (Cơ quan tuyên truyền cổ động của Phụ nữ Cứu Quốc) số Tết Âm lịch 1946 ra ngày 22-1-1946, Bác có thơ gửi phụ nữ Việt Nam để cổ vũ cho đời sống mới:
Năm mới Bính Tuất
Phụ nữ đồng bào
Phải gắng làm sao
Gây “Đời sống mới”
Việc thành là bởi
Chúng ta siêng mần
Vậy nên chữ cần
Ta thực hành trước
Lại phải kiệm ước
Bỏ thói xa hoa
Tiền của dư ra
Đem làm việc nghĩa
Thấy của bất nghĩa
Ta chớ tham tàn
Thế tức là liêm
Đã liêm thì khiết
Giữ mình làm việc
Quảng đại công bình
Vì nước quên mình
Thế tức là chính
Cần, kiệm, liêm, chính
Giữ được vẹn mười
Tức là những người
Sống “Đời sống mới”
Bác luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Người mong muốn phụ nữ có thể tự tin vươn lên giành lấy quyền bình đẳng. Trong tác phẩm “Đường Kách Mệnh” (1927), Bác đã dẫn lại lời Các Mác, rằng: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi” và lời V.I.Lênin, rằng: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”[1]. Từ đó, Bác nhận định: “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”[2].
Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại kho tàng đồ sộ với hơn 2.000 bài báo. Ảnh: tư liệu lịch sử.
Gần đến Tết Âm lịch 1946, các ông chủ báo tư nhân ở Hà Nội đều tập trung lo cho số Tết. Đây là số báo quan trọng nhất trong năm vì nó thể hiện “thương hiệu” của tòa báo. Và cũng bởi Tết Bính Tuất 1946 cũng là Tết Độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Làm sao đưa đến cho độc giả không khí mừng Xuân, mừng Độc lập một cách phong phú và hấp dẫn nhất đây?
Báo “Quốc gia” (trụ sở ở số 67, phố Cửa Nam, Hà Nội) do ông Lê Quang Thiều làm chủ bút cũng có suy nghĩ như vậy.
Để hấp dẫn bạn đọc, ông Lê Quang Thiều và tập thể tòa soạn cho rằng báo “Quốc gia” số Tết phải có bài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc.
Chủ bút Lê Quang Thiều và phóng viên Lê Chương đã đến Bắc Bộ Phủ xin Bác viết cho một bài để đăng ở trang nhất. Bác tiếp các nhà báo của báo “Quốc gia” rất thân mật và vui vẻ nhận lời đề nghị của báo “Quốc gia”.
Được tin, cả toà soạn báo “Quốc gia” vui mừng, đợi chờ, khi tờ báo đã lên khuôn, chỉ còn trang nhất, chờ bài của Bác. Khi cả toà soạn ngóng chờ, thì có anh vệ quốc đoàn mang đến trao cho chủ bút phong thư của Bác gửi. Mở phong thư ra, mọi người thấy tấm phong bì làm bằng tờ giấy đã viết một mặt. Trong phong bì chỉ có một bài báo Tết cũng là bài thơ Xuân của Bác được viết ở mặt sau của tờ lịch cũ:
TẶNG BÁO “QUỐC GIA”
Tết này mới thật Tết dân ta
Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia
Độc lập đầy vơi ba cốc rượu
Tự do vàng đỏ một rừng hoa
Muôn nhà đón mừng Xuân Dân chủ
Cả nước hoan nghênh phúc Cộng hoà
Ta chúc nhau rồi, ta nhớ chúc
Những người chiến sĩ ở phương xa
Hồ Chí Minh
Bài thơ của Bác thật đặc biệt. Đặc biệt vì trước đây báo Xuân của nước ta khi chưa có độc lập toàn viết về cái đẹp của đất trời, cái đẹp của xuân thì, đọc chỉ để giải trí mà thôi. Nay Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, chấm dứt cảnh đời nô lệ cho dân tộc nhưng thực dân Pháp nào có từ bỏ dã tâm thôn tính trở lại đất nước ta. Chúng núp sau quân đội Anh làm nhiệm vụ giải giáp phát xít Nhật để xâm lược trở lại nước ta.
Bởi vậy, Bác làm thơ Xuân cũng là để khẳng định nền độc lập, tự do của đất nước ta, dân tộc ta. Bác cũng lấy thơ để đoàn kết lòng dân, cổ vũ lòng dân tham gia bảo vệ nền độc lập, tự do. Vì theo Người:
“Cảm tưởng khi đọc Thiên gia thi”
Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp,
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông;
Nay ở trong thơ nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
(Nhật ký trong tù)
Và mùa xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm đượm tinh thần cách mạng.
“Tự khuyên mình”
Nếu không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân
Nghĩ mình trong bước gian truân
Gian nan rèn luyện tinh thần thêm hăng.
(Nhật ký trong tù)
Tờ báo “Quốc gia” Tết Âm lịch 1946 được độc giả đón nhận nhiệt liệt. Tờ báo in đi in lại nhiều lần mà vẫn không đáp ứng đủ cho bạn đọc. Điều đặc biệt là ông Lê Quang Thiều, chủ bút của báo đã quyết định tặng tất cả số tiền phát hành số báo đó vào công quỹ của Nhà nước để phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc.
N.V.T
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 2, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.288.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 6, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.289.