90 mùa xuân vững buớc dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng

Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930 – 03/2/2020)

 

90 MÙA XUÂN VỮNG BƯỚC DƯỚI NGỌN CỜ

QUANG VINH CỦA ĐẢNG

 

Mùa xuân năm Canh Ngọ, ngày 03/02/1930 đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam như một trong những sự kiện chính trị to lớn và sâu sắc nhất. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về con đường cứu nước, cứu dân, thống nhất đất nước, thoát khỏi ách áp bức của thực dân, phong kiến, thoát khỏi bần cùng, lạc hậu. Xuân này, Đảng ta tròn 90 tuổi, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

 

Kể từ mùa xuân năm Canh Ngọ 1930, cách mạng Việt Nam đã có đội tiên phong lãnh đạo là Đảng Cộng sản với Cương lĩnh chính trị đúng đắn, đưa cách mạng nước ta phát triển theo xu thế của thời đại đã được mở ra từ Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại (1917). Đảng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền mà đỉnh cao là cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, dẫn đến sự ra đời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đó là sự kiện quan trọng bậc nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta. Đó cũng là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc điển hình của thế kỷ XX.

Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Do sự lãnh đạo sáng suốt và kiên quyết của Đảng, do sức đoàn kết và hăng hái của toàn dân trong và ngoài Mặt trận Việt Minh, cuộc cách mạng tháng Tám đã thắng lợi” và “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Giai đoạn từ năm 1945 đến 1975, Đảng lãnh đạo nhân dân bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng tháng Tám, tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Năm 1945-1946, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân vượt qua những khó khăn, thách thức nặng nề, chống thù trong, giặc ngoài, vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Tháng 12/1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm : “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến, vừa kiến quốc vừa kháng chiến, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của bè bạn quốc tế, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954.

  Thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ cùng với việc ký kết Hiệp định Giơnevơ năm 1954 đã chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Những năm 1954 đến năm 1975, Đảng ta lãnh đạo nhân dân ta tiến hành đồng thời hai chiến luợc cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Đây là đặc điểm mang tính đặc thù của cách mạng Việt Nam, cùng với mục tiêu độc lập dân tộc, mục tiêu xã hội chủ nghĩa được đặt ra trực tiếp.

Hất chân thực dân Pháp, đế quốc Mỹ ra sức phá hoại Hiệp định Giơnevơ, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng. Dân tộc ta lại phải đương đầu với chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ. Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân nêu cao quyết tâm đánh Mỹ, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân được nâng lên tầm cao khoa học và nghệ thuật; kết hợp mặt trận quân sự, chính trị với mặt trận ngoại giao, phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân đánh bại âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 đã giành toàn thắng, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Về tầm vóc và ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại hội lần thứ IV của Đảng (12/1976) đã nêu rõ: “Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một trong những trang chói lọi nhất của lịch sử dân tộc và là một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính chất thời đại sâu sắc”.

Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc đã thu được những thành tựu quan trọng. Vừa sản xuất, vừa chiến đấu và chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, miền Bắc đã nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, xây dựng hậu phương vững mạnh, trở thành căn cứ địa cách mạng của cả nước, bảo đảm mọi mặt cho tiền tuyến đánh thắng, mở rộng quan hệ đối ngoại, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của bè bạn trên thế giới, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, tạo những cơ sở vật chất và những kinh nghiệm quý báu trong sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sau này.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất và từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội với hai nhiệm vụ chiến lược là vừa xây dựng vừa bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sau 30 năm chiến tranh liên miên, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn. Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta một mặt phải ra sức khôi phục kinh tế sau chiến tranh, vừa phải lãnh đạo nhân dân tiến hành hai cuộc chiến tranh để bảo vệ biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam thắng lợi, vừa ra sức xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, từng bước hình thành cơ cấu kinh tế mới trong cả nước, cải thiện từng bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân lao động.

 Hội nghị Trung ương 6 khoá IV (8/1979) với tư tưởng nổi bật là làm cho sản xuất bung ra, khắc phục những yếu điểm trong quản lý kinh tế, từng bước chúng ta đã hình thành tư duy mới trong kinh tế và trong nhận thức về chủ nghĩa xã hội. Mười năm xây dựng chủ nghĩa xã hội là mười năm Đảng ta tìm tòi con đường đổi mới đất nước. Đây là thời kỳ tư duy mới được hình thành từng bước bắt nguồn từ thực tiễn của phong trào cách mạng của quần chúng.

 Đại hội VI của Đảng (12/1986), đường lối đổi mới được hoạch định trên những mặt cơ bản, huy động được sức mạnh toàn Đảng, toàn dân tập trung thực hiện đường lối đó. Đường lối đổi mới xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; xoá bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, phát huy các thành phần kinh tế, giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, thực hiện chính sách mở cửa, hợp tác và tranh thủ các nguồn lực trong nước và quốc tế; đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng; xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; bảo đảm quốc phòng-an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Trước bối cảnh mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tạm thời lâm vào thoái trào, Đảng ta đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, xác định những quan điểm và phương hướng phát triển của đất nước và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta

Nhờ có đổi mới, đất nước đã ra khỏi khủng hoảng, đã vượt qua tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, kém phát triển, đã hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đã tạo nên Thế và Lực của Việt Nam như ngày nay. Giữ vững ổn định chính trị, kinh tế tăng trưởng, từng bước thực hiện được tiến bộ và công bằng xã hội, cải thiện và nâng cao dần mức sống của người dân, củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đổi mới. Chặng đường 34 năm đổi mới mà toàn Đảng, toàn dân đã đi qua là thực tiễn sinh động và quý giá cho ta niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tiềm năng sáng tạo của nhân dân và nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam.

90 mùa xuân vững bước dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng, Đảng đồng hành cùng dân tộc, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua bao gian nan thử thách, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, của sự nghiệp đổi mới có hiệu quả và đúng hướng. Năm 2020 là năm các cấp ủy Đảng tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhằm đề ra quyết sách mới đưa đất nước ngày càng phát triển.

Với những thành tựu đã đạt được có thể khẳng định, việc hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới là hoàn toàn đúng đắn, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng bị bao vây cấm vận, đất nước ta thay da đổi thịt nhanh chóng và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Đời sống nhân dân được nâng cao. Hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Chính trị xã hội ổn định. Quốc phòng, an ninh bảo đảm. Uy tín của Việt Nam được khẳng định trên trường quốc tế. Đất nước chuyển nhanh vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bươc tiến lên chủ nghĩa xã hội.

 

                                   PHẠM PHÚ BÌNH