Tin, nguyên tắc cơ bản về làm tin

Kỷ niệm 94 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2019)

 

TIN, NGUYÊN TẮC CƠ BẢN VỀ LÀM TIN

 

Cùng bạn đọc: Hiện nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Cần Thơ (Liên hiệp Hội) đang quản lý 2 trang thông tin điện tử có địa chỉ: www.custa.cantho.gov.vnwww.sangtaokhkt.cantho.gov.vn.

Với sự yêu mến của quý độc giả nói chung, các hội thành viên thuộc Liên hiệp Hội nói riêng, số tin bài gửi về cho Ban biên tập ngày càng tăng. Để giúp cho các cộng tác viên nâng cao tay nghề và Ban biên tập cũng thuận lợi trong công tác biên tập. Chúng tôi xin trích giới thiệu tài liệu về viết tin của Viện thông tấn thuộc Thông tấn xã Việt Nam năm 1992. Hy vọng tài liệu này sẽ giúp ích cho quý vị.

Trân trọng./.

        

Tin tức là gì?

Tin tức là những sự kiện mới xảy ra hoặc đang xảy ra mà mọi người hoặc một số người quan tâm tới. Tin tức được thông tin nhanh và ngắn gọn sự kiện ấy trên báo chí, đặc biệt là báo hàng ngày, đài phát thanh, vô tuyến truyền hình (bao gồm cả tin viết và tin ảnh).

Trong giáo trình “nghiệp vụ báo chí” của trường đại học Tuyên giáo (phát hành năm 1977) nhấn mạnh thêm: tin tức phải là sự kiện có ý nghĩa quan trọng hoặc có liên quan đối với xã hội, theo một đường lối quan điểm chính trị nhất định nhằm góp phần thúc đẩy và cải tạo thực tiễn…

Còn theo Charles A.Dana, chủ bút tờ Newyork Sun: tin tức là bất luận đề tài gì khả dĩ hấp dẫn phần đông người đọc mà họ chưa biết đến…

Charles A.Dana nhấn mạnh tới tính hấp dẫn và thời gian tính của tin tức.

Tính hấp dẫn của tin tức là độc giả nóng lòng muốn biết đến những sự kiện được phản ánh có liên quan đến chính mình; song nó cũng còn có nhiều yếu tố tâm lý khác làm cho người đọc theo dõi tin tức: tin chiến tranh vùng Vịnh, tin về những phát minh khoa học, tin về môi trường, tin văn hóa – nghệ thuật – thể thao, tin phục vụ phát triển…

Đã gọi là tin tức thì phải được phát nhanh, đúng lúc. Trước hết về mặt tâm lý ai cũng muốn được thông báo một sự kiện mới nhất mà mọi người chưa biết: chí ít là nhiều người chưa biết.

Sáu nguyên tắc cơ bản về làm tin:

Một là, câu đâu tiên của một tin không nên viết quá 3 dòng.

Hai là, mào đầu phải trả lời được 6 câu hởi: cái gì? Ai? Bao giờ? ở đâu? Tại sao? Như thế nào?

Ba là, bắt đầu phần mào đầu phải nêu được sự việc đáng chú ý nhất.

Bốn là, mào đầu phải giản dị, cụ thể và làm nổi bật sự việc.

Năm là, tin tức phải được viết theo kiểu “hình tam giác lộn ngược” tức là phải đưa cái gì chú yếu – nghĩa là cái nền – lên trên đầu và đưa những chi tiết còn lại theo trình tự mức hấp dẫn của những chi tiết đó giảm dần.

Sáu là, không đoạn nào được dài quá 5 dòng.

Phóng viên cần nhớ: phải khách quan, không suy diễn sự kiện theo ý mình. Không dùng những hình dung từ theo ý chủ quan. Viết cho một đối tượng không biết chuyên môn (với ý thức bạn đọc không phải là người chuyên về vấn đề đó). Phải luôn luôn đưa cụ thể nguồn tin và với mức chính xác cao nhất, tuyệt đối không được bịa đặt ra.

Kỹ thuật làm tin bao gồm việc viết đầu đề, viết mào đầu và sau đó nêu lên diễn biến của vấn đề. Như mọi kỹ thuật khác, kỹ thuật viết tin không phải cương ra mà được, phải học kỹ thuật đó và hoàn thiện nó theo những nguyên tắc chính xác. Để nắm vững được nó đến mức thành thạo đòi hỏi phải có quá trình rèn luyện.

Có người tự hỏi phải viết mào đầu như thế nào cho sắc, hấp dẫn và đạp mạnh vào tư tưởng người đọc. Câu trả lời đơn giản thôi: bạn hãy theo đúng các nguyên tắc dưới đây:

- Phóng viên phải khách quan: phóng viên đừng đưa ý kiến riêng, đừng nhận xét. Phóng viên cứ cung cấp tin tức, sự việc. Phóng viên không nên đưa sự kiện với lời bình là hay, là đẹp, là xúc động, là dở… mà phóng viên phải nêu sự việc, để sự việc tự nó nói lên.

- Hãy coi như bạn đọc không có chuyên môn về vấn đề mình viết. Viết sao để mọi người đọc có thể hiểu được vấn đề.

Mào đầu của tin

Quy tắc 1: câu đầu tiên của tin không nên dài quá 3 dòng.

Mào đầu phải nêu được điều cốt yếu nhất của tin, với sự chính xác cao nhất và càng ít từ càng tốt. Để đạt được yêu cầu này ta hãy nắm các tiêu chuẩn sau đây: câu mở đầu càng ngắn càng tốt. Không nên quá 60 từ. Vì sao vậy? Vì trên một cột báo không thể sắp xếp quá 30 từ trong một dòng, tức là mỗi dòng ta viết trên bản tin đã chiếm hai dòng trên cột báo rồi. Mào đầu viết 30 từ, dài 3 dòng thì chiếm 6 dòng trên cột báo. Với khối lượng chữ như vậy là thích hợp với người đọc. Nếu một câu dài tới 8 dòng trên bản tin, khi in vào báo thành 16 dòng, khối chữ đó chiếm một khoảng cao mấy centimet, rất khó đọc.

Trường hợp đặc biệt có thể cho phép viết 4 dòng.

Nếu câu đầu tiên viết dài tới 5 dòng  hoặc hơn nữa thì dỡ rồi, bạn nên cố gắng viết lại.

Quy tắc 2: Mào đầu phải trả lời được sáu câu hỏi: cái gì? Ai? Bao giờ? ở đâu? Tại sao? Thế nào?

Nguyên tắc này phải được áp dụng đối với tất cả các tin bài, tin, dù dài hay ngắn (5 đến 200 dòng), dù là tin bài về chính trị, kinh tế hay thể thao, nghệ thuật… Trong việc này không có sự phân biệt giữa tin về thống kê, về một tai nạn xe cộ hay một thông cáo ngoại giao.

Ví dụ: BBC (Hà nội ngày 3/3/1992). Hôm nay, trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ Richard Solomon tới Hà Nội để tiếp tục bàn với Việt Nam nỗ lực hơn trong vấn đè MIA.

Rõ ràng ở vào thời điểm tháng 3/1992, đây là sự kiện mọi người trong nước và trên thế giới quan tâm trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ và xóa bỏ lệnh cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam. Sự kiện xảy ra hôm nay (3/3/1992) là rất mới. Mào đầu ngắn gọn, rõ, chưa đầy 3 dòng và gần như trả lời 6 câu hỏi:

Ai đến: R.Solomon, trợ lý ngoại trưởng Mỹ

Đến khi nào: hôm nay

Đến đâu: Hà Nội, thủ đô Việt Nam

Để làm gì: bàn với Việt Nam

Vấn đề gì: người Mỹ mất tích trong chiến tranh

Như thế nào: nỗ lực hơn nữa trong vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích.

Quy tắc 3: Ngay sau khi bắt đầu viết mào đầu phải nêu được đều lý thú nhất hoặc quan trọng nhất.

Cần phải kể và nêu nổi bật ngay khi viết mào đầu sự việc hay nhất, mới nhất, cơ bản nhất hoặc hấp dẫn nhất.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể nêu một cách dễ dàng trong 3 dòng như quy tắc 1 đã đề ra – những chi tiết đáp ứng được 6 câu hỏi – như quy tắc 2. Vì vậy ta phải chọn lọc những chi tiết trong mào đầu. Phần lớn tài năng và khả năng thể hiện của một nhà báo được thể hiện ở việc chọn được những chi tiết “đắt” nhất, hay nhất, hấp dẫn nhất trong mào đầu. Kỹ thuật viết hiện đại loại bỏ những đầu đề (tít theo lối cũ, những mào đầu dài ghê gớm) và hết sức chung chung mà phải viết với ý cô đọng và chính xác cao nhất.

Trong ví dụ dưới đây ta thấy những chổ viết nghiêng có thể để lại viết sau câu mào đầu, việc này giúp cho cách trình bày tin đỡ nặng nề và bảo đản được tiêu chuẩn 3 dòng:

TRỢ LÝ NGOẠI TRƯỞNG MỸ SOLOMON ĐẾN VIỆT NAM

AFP (Hà Nội 3/3/1992)

Richard Solomon tới Hà Nội hôm nay nói với phóng viên AFP rằng: “Chúng tôi đến đây để giải quyết vấn đề nhân đạo. Ưu tiên của chúng tôi là vấn đề tù binh Mỹ và quân nhân Mỹ mất tích”. R.Solomon phụ trách về Đông Á – Thái Bình Dương, là quan chức cao nhất của Mỹ tới Việt Nam kể từ sau chiến tranh chấm dứt. Nhân dịp này, Solomon cũng sẽ công bố chính thức một khoản viện trợ nhân đạo của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Việt Nam cũng sẽ yêu cầu Mỹ cung cấp một khoản viện trợ kinh tế và bãi bỏ lệnh cấm vận đối với VN. Solomon còn nói: Mỹ sẽ chưa lập lại quan hệ ngoại giao với VN trước khi hiệp định hòa bình về CPC được thực hiện đầy đủ, nhưng một số biện pháp phong tỏa VN có thể được bãi bỏ từng bước.

Như vậy mào đầu của tin này có thể viết: Hôm nay, R.Solomon tới Hà Nội, nói với AFP rằng “chúng tôi đến đây để giải quyết vấn đề nhân đạo. Ưu tiên của chúng tôi là vấn đè tù binh Mỹ và quân nhân Mỹ mất tích”…

Những chi tiết bối cảnh như: “R.Solomon phụ trách về Đông Á – Thánh Bình Dương, là quan chức cao nhất của Mỹ tới Việt Nam kể từ sau chiến tranh chấm dứt” và những chi tiết quan trọng khác có thể sắp xếp theo trình tự, chi tiết nào thấy quan trọng hơn thì viết trước.

Hãy vứt bỏ những điều phản tin tức:

Dù ở bất kỳ cương vị nào trong bộ phận của hãng thông tấn, phóng viên cũng đừng bao giờ cho đăng một tin nào có tính chất phản tin tức, tức là một bài viết không hề có một tý giá trị tin tức nào chẳng hạn như sự kiện ấy đã cũ mèm rồi, nhiều người biết quá rồi; trong nghề nghiệp gọi là “tin ôi” rồi. Hoặc những chi tiết mơ hồ khiến cho độc giả hoài nghi và tối kỵ đăng những tin không chính xác, thất thiệt, hoặc đưa những sự việc không đáng quan tâm.

Theo quy tắc chung mào đầu phải đi thẳng vào sự việc nên cần tránh bắt đầu bằng những từ trừu tượng, công thức như: để tiến tới, phấn đấu giành, nhằm phát huy, sau khi đã… nghĩa là phải vứt bỏ những lời “giáo đầu” sáo rỗng, không cần thiết.

Quy tắc 4: Mào đầu cần phải đơn giản, cụ thể và nêu bật được sự việc quan trọng, có ý nghĩa nhất.

Viết một cách đơn giản, hiểu được ngay đối với một công chúng không chuyên về vấn đề nào đó là quy tắc tuyệt đối có thể áp dụng một cách hợp lý nhất cho những câu mào đầu. Trong mào đầu cần nêu bật những sự việc bằng cách luôn dừng những từ ngữ trực tiếp và cụ thể.

Sắp xếp nội dung thông tin

- Thứ tự

Quy tắc 5: tin tức phải viết theo kiểu “tam giác lộn ngược”

Cụ thể là phải đưa những chi tiết quan trọng, chủ yếu lên đầu, các phần còn lại tùy theo mức độ hấp dẫn của nó nhiều hay ít mà đưa trước hay sau.

Theo các quy tắc 1, 2, 3,4 thì phần chính của tin ở mào đầu. Phần còn lại thì tùy theo mức độ hấp dẫn nhiều hay ít mà sắp xếp bố cục trong một cái tin. Người ta ví von bố cục tin như “tam giác lộn ngược” vì phần đáy của nó tức là phần chính, phần tinh túy nhất được đưa lên trước, trong khi đó các chi tiết và lời giải thích, bối cảnh lần lượt được sắp xếp một cách nhuần nhuyễn, lô-gic trong những câu sau, đoạn sau. Lối viết như vậy rất khoa học bởi vì nếu như người đọc ít thời giờ cầm tờ báo hoặc nghe đài chỉ lướt phần đầu (tít, mào đầu) là đã có thể nắm được vấn đề quan trọng, có ý nghĩa của tin. Hoặc khi sắp xếp trang cột báo, người biên tập có thể cắt bỏ những chi tiết ở phần cuối cũng không sao.

Phóng viên phải viết sao nội dung tin luôn luôn dễ hiểu và có thể đăng tải được kể cả khi tin đó phải rút gọn lại chỉ còn hai hoặc ba câu đầu mặc dù tin đó có thể dài 400 đến 500 từ.

Muốn viết được như vậy thì phải làm thế nào?

Phải bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên. Đọc lại tin vừa làm xong, “dũng cảm” cắt bỏ những câu chữ thừa, những chi tiết rườm rà. Cứ mỗi lần cắt bỏ một đoạn mà phần còn lại vẫn thấy được thì chứng tỏ cách làm như vậy là tốt. Một nhà báo lành nghề là khi đặt bút viết ngay được một cách ngắn gọn, dễ hiểu. Người biên tập ngồi ở tổng xã khi đọc lại những tin bố cục rối rắm, dài lê thê thường phát hiện mào đầu tốt có khi lại ở gần cuối hoặc cuối tin, bài.

Chú ý: phương pháp viết tin theo kiểu “tam giác lộn ngược” loại bỏ hoàn toàn việc đưa phần chính của tin vào phần kết luận, hoặc câu cuối lại là câu có nhiều chi tiết quan trọng nhất. Khác với viết văn; viết tin phần kết luận bắt buộc phải đưa lên mào đầu nhưng nhớ rằng kết luận ấy cũng phải tôn trọng nguyên tắc của tin: để sự việc nói lên, không được bình luận theo chủ quan. Còn đoạn cuối tin, nếu cần có thể cắt bỏ và cũng là đoạn dễ cắt bỏ nhất.

- Các đoạn tin

Quy tắc 6: không nên viết đoạn nào dài quá 5 dòng

Nguyên tắc này dựa trên cơ sở những cái gọi là “thử nghiệm về đọc” trong ngành báo chí. Cần nhớ rằng các biên tập viên của hãng thông tấn hoặc “khách hàng” nhận tin của hãng thông tấn hàng ngày trung bình phải đọc hàng trăm nghìn từ và phải xử lý, biên tập lại. Vì vậy các tin, bài phóng viên điện hoặc gửi về tòa soạn phải ngắn gọn rõ ràng, dễ đọc.

Đối với mào đầu, chúng ta cần nhớ rằng mỗi hàng của máy phát tin có khả năng chứa 60 chữ cái, và mỗi hàng trên cột báo chỉ có 30 chữ, tức là mỗi dòng trên bản tin nhận từ máy phát đưa in vào báo sẽ thành hai.

Mối đoạn chỉ nên viết dài từ hai đến bốn câu, mà phải là những câu ngắn gọn.

Trường hợp ngoại lệ duy nhất: đó là khi đưa toàn văn văn bản hoặc số liệu. Chúng ta phải phản ánh lời nói của một nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng ngoại giao chẳng hạn, mà câu, chữ lại dài quá năm dòng. Vì thế, chúng ta có thể đưa toàn văn hoặc trích đoạn những gì mà chúng ta thấy quan trọng. Nhưng không bao giờ nên đưa vào phần mào đầu, trong trường hợp này nên trích một cách gián tiếp nội dung nào, ý nào quan trọng nhất và nói chung cũng không nên dài quá bốn, năm dòng.