Xu thế phát triển kinh tế hiện nay theo hướng kinh tế xanh mà các nước đang theo đuổi đó là kinh tế tuần hoàn. Nó không đi theo con đường tuyến tính từ khai thác tài nguyên để làm đầu vào cho quá trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Ngược lại, chúng tạo ra mối liên kết có tính dây chuyền, tuần hoàn của các công đoạn, có tính khôi phục chuyển dịch theo hướng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại đến việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải. Hiện nay, các nước trên thế giới có xu hướng chuyển từ kinh tế tuyến tính, kém bền vững sang kinh tế tuần hoàn mang tính bền vững hơn, xanh hơn và tốt hơn cho môi trường sinh thái.
Việt Nam cũng rất tích cực trong quá trình chuyển đổi này, thể hiện ở khung pháp lý ngày càng rõ ràng hơn. Ngày 11/02/2020, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thuật ngữ kinh tế tuần hoàn được nhắc đến để nhấn mạnh vai trò của kinh tế tuần hoàn trong việc giảm khí thải và phát triển bền vững ngành năng lượng. Ngày 17/11/2020, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội thông qua, lần đầu tiên đã dành riêng Điều 142 để quy định về kinh tế tuần hoàn. Ngày 07/6/2022, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Ngày 23/2/2023, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bến Tre phối hợp cùng Công ty cổ phần Sáng tạo xanh Việt Nam (GreenIn) và Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn – Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Bến Tre”, với sự tham dự của Liên hiệp hội các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đại diện lãnh đạo các Sở Ban ngành các cấp tỉnh Bến Tre, các doanh nghiệp, hội nông dân và hội phụ nữ tại địa phương.
Bến Tre nằm giữa sông Tiền Giang và sông Cổ Chiên, sở hữu đa dạng các tiểu vùng sinh thái và có thế mạnh về nhiều loại hình sản xuất nông nghiệp. Do đó, tỉnh có tiềm năng rất lớn trong việc áp dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Một số mô hình kinh tế tuần hoàn đã được đề xuất cho ngành nông nghiệp của tỉnh Bến Tre, như mô hình kinh tế tuần hoàn cho ngành dừa, các giải pháp kinh tế tuần hoàn cho nhà máy chế biến thủy hải sản, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt. Trong những năm qua, hoạt động kinh tế xã hội của tỉnh Bến Tre chịu nhiều thách thức, bao gồm tác động môi trường từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Để giảm thiểu những tác động tiêu cực này đến nền kinh tế, sản xuất và đời sống người dân, cần có thay đổi về tư duy, nhận thức và định hướng phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng sạch hơn, bền vững hơn. Lồng ghép các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào các kế hoạch và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm định hướng xây dựng các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Việc triển khai kinh tế tuần hoàn vào ngành du lịch ở Bến Tre vẫn còn tiềm năng rất lớn. Du lịch có thể liên kết với nông nghiệp sạch/hữu cơ, xây dựng xanh, tiêu dùng xanh, các trải nghiệm liên quan tới rừng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo tồn văn hóa đa dạng sinh học và các công nghệ tiên tiến khác. Ngoài các mô hình tuần hoàn trong xử lý, quản lý nước thải, rác thải hữu cơ, rác thải nhựa từ các hoạt động du lịch cũng cần được cân nhắc triển khai.
Đóng góp ý kiến tham luận tại Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Hồng Quân – Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh với tham luận “Triển vọng áp dụng Kinh tế tuần hoàn đáp ứng yêu cầu tích hợp Nông nghiệp – Công nghiệp – Du lịch và các ngành kinh tế khác tại tỉnh Bến Tre”; tham luận “Cơ hội, thách thức và giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn ở Đồng bằng sông Cửu Long” của TS. Nguyễn Thanh Bình – Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL”. Tọa đàm tại Hội thảo còn có các tham luận của Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, các chuyên gia, nhà quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp..., góp phần cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về phát triển kinh tế tuần hoàn tại địa phương.
Ông Lê Đức Thọ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Ông Lê Đức Thọ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho rằng: “Kinh tế tuần hoàn là một khái niệm rất rộng không giới hạn ngành nghề , thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn không chỉ phục vụ cho tỉnh Bến Tre mà còn cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Kinh tế tuần hoàn và kinh tế tích hợp gắn liền với nhau, để nông nghiệp tuần hoàn phát triển hiệu quả cần tích hợp công nghiệp chế biến, tích hợp các ngành công nghiệp cung cấp các yếu tố đầu vào như con giống, thức ăn chăn nuôi,... tích hợp thương hiệu của các ngành dịch vụ, thương hiệu của sản phẩm,...”.
Ở Bến Tre nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước nói chung, phát triển bền vững nền nông nghiệp đang đứng trước những áp lực của sự suy giảm tài nguyên, giá tăng phát thải và biến đổi khí hậu. Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh do tiết kiệm chi phí, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tin và ảnh: Y Phụng