Có những địa danh mỗi khi nhắc đến lại lan toả mãnh liệt trong lòng người những tình cảm thân thương, thán phục. Nó gợi nhớ đến ký ức không thể phai nhoà. Nhớ đến để nhìn lại mình, để sống tốt hơn, trách nhiệm hơn, nghĩa tình hơn. Lộ Vòng cung ở thành phố Cần Thơ là một địa danh như vậy.
Vũ Thống Nhất
“Vành đai Anpha” xưa
Lộ Vòng Cung nằm ở phía Tây sông Hậu, có chiều dài gần 30 km, xuất phát từ đầu cầu Cái Răng đi qua các địa phương như phường An Bình (quận Ninh Kiều), xã Mỹ Khánh, Thị trấn Phong Điền, Tân Thới (huyện Phong Điền), xã Trường Lạc (quận Ô Môn). Một nhánh khác đi về xã Giai Xuân (Phong Điền), phường Long Tuyền, Long Hòa (quận Bình Thủy). Sách xưa kể lại, tuyến lộ này hình thành từ thời Pháp, được đắp bằng đất. Phía Bắc thành phố là con sông Hậu rộng mênh mông. Phía Nam, vượt qua sông Cái Răng là chạm chân đến Lộ Vòng cung.
Tường đài chiến thắng ông Hào (ảnh: TN)
Trong kháng chiến chống Mỹ, kẻ địch đặt biệt danh là “Vành đai Anpha”. Đây là vành đai án ngữ để bảo vệ đầu não, sào huyệt của vùng 4 chiến thuật, Quân khu 4, tỉnh Phong Dinh của Mỹ ngụy. Bên trong có 2 sân bay (Trà Nóc, Lộ Tẻ), quân cảng Hoàng Diệu, khu Kỹ nghệ Trà Nóc, hai hãng thầu quân sự Mỹ RMK - PRJ... cùng nhiều phương tiện phục vụ chiến tranh khác.
Do tính chất xung yếu của Lộ Vòng cung, đặc biệt trong chiến dịch Mậu Thân 1968, kẻ địch tập trung đủ sắc lính và cả lữ đoàn B Sư đoàn 9 bộ binh Mỹ nhảy vào tham chiến. Lộ Vòng cung trở thành một trong những chiến trường chính của miền Tây Nam bộ, hầu hết lực lượng chủ lực Khu 9 và tỉnh Cần Thơ đã có mặt trên tuyến lửa này. Địa danh nào trên tuyến lộ cũng gắn liền, vang danh chiến công Tiểu đoàn Tây Đô, Tiểu đoàn 307, Biệt động, chủ lực Quân khu 9, dân quân du kích…
Chiến trường Lộ Vòng cung Mậu Thân 1968 “có thể nói là tiêu biểu nhất ở Miền Tây Nam bộ về quy mô và tính chất ác liệt” (Ông Trần Minh Sơn - Phó Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Hậu Giang - Hội thảo “Vòng cung - Cần Thơ, Tết Mậu Thân 1968” - 1990).
Ông Vũ Đình Liệu, nguyên Bí thư Khu uỷ Tây Nam bộ từng kết luận: “Sau Tết Mậu Thân, Vòng cung đã đi vào lịch sử của Cần Thơ, của Tây Nam bộ, của đồng bằng sông Cửu Long, của Nam bộ và cả nước như một địa danh huyền thoại. Vì Vòng cung là biểu tượng của ác liệt, gian khổ, là biểu tượng của kiên cường, dũng cảm…” (Hội thảo “Vòng cung - Cần Thơ, Tết Mậu Thân 1968” - 1990). Nghĩa trang Lộ Vòng cung có mặt anh em quê quán suốt từ Việt Bắc đến Cà Mau!
Từng thước đất Lộ Vòng cung đều trộn máu của bao đồng chí, đồng bào. Chỉ riêng xã An Bình (khi chưa tách), hai lần Anh hùng, khởi đầu tuyến lộ Vòng cung đã có 125 gia đình liệt sĩ. Xã Long Tuyền có đến 409 gia đình liệt sĩ, 16 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; ấp Lợi Nguyên có 394 nóc gia thì có 402 lượt người bị cầm tù, 75 gia đình liệt sĩ... Má Lê Thị Huyền lần lượt giao 13 đứa con cho cách mạng; ông Lê Văn Huấn có 5 con kế tiếp nhau hy sinh. Rạch Ông Hào (Trường Long - Ô Môn), mỗi năm, tháng 6, từ 1965, khói nhang lại cuộn trong bao nóc nhà bởi hơn 200 nhân mạng, hầu hết là người già và trẻ em bị bom thù vùi dập một chỗ…
Trải qua cuộc chiến, tất cả các xã, phường dọc Lộ Vòng cung đều được Nhà nước vinh danh “Anh hùng LLVTND”.
Tuyến, điểm du lịch nay
Truyền thống anh hùng vẫn lưu chuyển mãnh liệt tạo nên bản lĩnh, sự đi lên cho người Vòng cung. Đến nay, dấu tích “Đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom” đã biến mất. Xã Mỹ Khánh (thuộc huyện Phong Điền) là xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới đầu tiên trên địa bàn thành phố. Hai năm sau (2016) Phong Điền trở thành “huyện nông thôn mới” đầu tiên của Thành phố trung tâm châu thổ Cửu Long. Ngày vui đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Việc công nhận huyện Phong Điền đạt chuẩn nông thôn mới là kết quả bước đầu, tạo nền tảng và động lực để địa phương có những hướng đi bền vững trong thời gian tới.
Du khách đi tham quan bằng tàu trên sông rạch (ảnh: TN)
Ở cả hai phía bờ sông, cặp dài theo tuyến Lộ Vòng cung trở thành vành đai xanh – du lịch sinh thái với nhiều loại hình du lịch đa dạng. Nhìn lại thế mạnh này để rõ hơn sắc vóc Lộ Vòng cung thời hội nhập.
Du lịch văn hóa, lịch sử có Mộ Cụ Cử Phan Văn Trị (Nhơn Ái - Phong Điền), Khu Di tích Chiến thắng trận Ông Hào (Trường Long - Phong Điền), dự án “Khu di tích lịch sử Lộ Vòng cung”, “Địa điểm chuyển quân, trạm quân y tiền phương và nơi cất giấu vũ khí thuộc Lộ Vòng Cung Cần Thơ trong kháng chiến chống Mỹ”, Di chỉ khảo cổ Bưng Đá Nổi - Lung Cột Cầu (Nhơn Nghĩa - Phong Điền). Đặc biệt, “Làng cổ Long Tuyền” lọt vào "Tốp 5 ngôi làng cổ có niên đại hàng trăm năm nổi tiếng của Việt Nam" (Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam VietKings - 2014).
Bên trong khu di tích Giàn Gừa (ảnh: TN)
Du lịch sông nước đặc sắc với Chợ nổi Cái Răng đã vượt ra ra khỏi vùng, cả nước và mang tính Quốc tế! “Văn hóa chợ nổi Cái Răng” là Di sản VHPVT cấp Quốc gia (2016); là một trong 10 khu chợ nổi ấn tượng nhất thế giới (Tạp chí du lịch Rough Guide - Anh); là “một trong những chợ nổi đáng đến nhất thế giới và lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long” (Trang du lịch Youramazingplaces). Chợ nổi Phong Điền mang nét riêng, còn dân dã, nguyên sơ; có thể tính toán phục hồi, nối tuyến với chợ nổi Cái Răng và tăng dịch vụ xung quanh.
Du lịch sinh thái miệt vườn vốn là thế mạnh bởi trải dài theo lộ Vòng cung, tỉnh lộ 923 và Kênh Xáng Xà No là những khu vườn xanh ngát dâu Hạ Châu, vú sữa Lò Rèn, nhãn da bò, sầu riêng cơm vàng hạt lép, sầu riêng khổ qua, măng cụt, xoài cát, mít nghệ, cóc, đu đủ, ca cao… quanh năm mùa nào thức ấy. Riêng huyện Phong Điền có 28 điểm du lịch thường xuyên, 9 điểm liên kết và 14 điểm di tích. Trong số đó phân nửa là khu du lịch sinh thái, homestay: vườn trái cây Hoàng Anh (xã Mỹ Khánh), vườn du lịch sinh thái Vũ Bình (xã Nhơn Nghĩa), Mỹ Thuận homestay (xã Mỹ Khánh), vườn lan Hai Khánh (xã Tân Thới…Năm 2016, huyện đón 772.000 lượt khách, doanh thu trên 120 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, toàn huyện đón khoảng 570.000 lượt khách, doanh thu 112 tỷ đồng, tăng 44,33% so với cùng kỳ.
Du lịch ẩm thực phong phú với nem nướng Cái Răng nổi tiếng từ hơn nửa thế kỷ trước; món "Piza hủ tíu" làm từ bánh tráng cán sợi chiên vàng của “Điểm du lịch Sáu Hoài” (phường An Bình - quận Ninh Kiều), nằm dưới chân cầu Rau Răm. Bánh hỏi mặt võng Út Dzách (xã Nhơn Ái); gà vườn um dâu Phong Điền: ngon và độc đáo nhất vì đây là xứ sở của dâu Hạ Châu nổi tiếng. Hương đồng, không gian miệt vườn lan tỏa qua cung đường đặc sản lâu đời và nổi tiếng, chạy suốt từ cầu Trường Tiền (xã Mỹ Khánh) đến tận xã Tân Thới (Phong Điền), nhưng rôm rả nhất là đoạn gần Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam.
Du lịch tâm linh bùng nổ hơn khi Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (xã Mỹ Khánh - Phong Điền) được xây dựng trên diện tích gần 4 ha. Dịp lễ, tết hàng vạn lượt du khách đến cầu phúc, cầu lộc tại ngôi chùa này. “Khu di tích lịch sử Giàn Gừa” (xã Nhơn Nghĩa - Phong Điền) thể hiện lịch sử khai hoang lập ấp bởi Giàn cây Gừa khổng lồ, lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long cùng Đền thờ Bác Hồ và bàn thờ Mười cô gái đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Trong hai cuộc chiến tranh nơi đây từng là căn cứ của lực lượng cách mạng.
Suốt nhiều năm qua, Lộ Vòng cung đã trở thành tuyến du lịch trọng điểm của ngành công nghiệp không khói; chiếm gần ⅔ tổng lượng khách đến Thành phố Cần Thơ. Theo đề án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trọng tâm của ngành du lịch thành phố là khai thác thế mạnh sông nước của một đô thị gắn với sinh thái miệt vườn.
Từ năm 2013, Cần Thơ đã có định hướng phát triển “Khu du lịch sinh thái Lộ Vòng Cung” trải dài dọc tuyến đường này gồm các xã, phường như Phường An Bình (Q.Ninh Kiều), xã Mỹ Khánh, Nhơn Ái, thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền)... Theo đó, sẽ tập trung phát triển tiềm năng du lịch sẵn có ở khu vực này như cây ăn trái, ruộng đồng miệt vườn gắn với sông nước, chợ nổi cùng với các di tích lịch sử Phan Văn Trị, di chỉ Óc Eo...
Du lịch Lộ Vòng cung nhất định sẽ chuyển mình mạnh mẽ hơn, góp phần cùng Cần Thơ nhanh chóng trở thành “Điểm đến du lịch lý tưởng - An toàn - Thân thiện - Chất lượng”; nơi hội tụ của “Văn minh sông nước Mekong”.
Lộ Vòng Cung – điểm sáng của thế trận chiến tranh nhân dân năm xưa nhất định sẽ tiếp tục tạo ra nhiều kỳ tích mới./.