KỶ NIỆM VỀ NHỮNG LẦN VIẾNG LĂNG BÁC
NHỮNG NƠI BÁC Ở ĐỂ LÃNH ĐẠO KHÁNG CHIẾN
Như thường lệ hàng năm, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám (19-8), ngày Quốc khánh 2-9 và ngày giỗ Bác (2-9). Dù năm lẻ hay năm chẵn (5 năm), Đảng, Nhà nước ta có nhiều hoạt động sôi nổi, các phương tiện truyền thông đăng tải nhiều tin tức của các ngành, đoàn thể, địa phương hướng về những ngày lễ lớn của dân tộc. Năm nay theo dõi thì thấy các hoạt động này hơi trầm lắng lại, kể từ ngày Thương binh Liệt sỹ - 27/7 đến nay. Cũng đúng thôi, từ tháng tư đến nay dịch bùng phát, lan tràn khắp cả nước; cả đất nước đã chịu tổn thất về người và kinh tế, chúng ta đang dồn sức, đoàn kết, đồng lòng quyết tâm dập dịch với mức độ cao hơn, quyết liệt hơn để dành thắng lợi trong thời gian sớm nhất. Trong khó khăn phải giãn cách nhưng các văn nghệ sĩ ở trung ương cũng đã cố gắng luyện tập và phục vụ hai đêm nghê thuật đặc sắc, chào mừng 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mừng kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (vào hai đêm 28 và 29/8/2021) có giá trị sâu sắc.
Tượng Hồ Chủ tịch với các em học sinh tại Dục Thanh Học Hiếu (viết tắt của giáo dục thanh niên). Đây là ngôi trường mà Nguyễn Tất Thành (sau này là Hồ Chí Minh) đã dừng chân dạy học một thời gian trước khi vào Sài Gòn chuyến xuất ngoại. Ảnh: VT
Riêng cá nhân tôi, với trách nhiệm của người làm báo và phụ trách công tác truyền thông của cơ quan, trong những ngày mùa thu lịch sử của Cách mạng Tháng Tám, những ngày lịch sử năm 1969 đất nước ta có một mất mát lớn là Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã ra đi với thế giới người hiền. Niềm vui xen lẫn nỗi buồn và tự đáy lòng mình viết lên những tin, bài nhằm góp phần tuyên truyền về Đảng, Bác, quê hương đất nước. Kết thúc những bài tuyên truyền về chống covi, mấy bữa nay suy nghĩ tìm chủ đề về những ngày này; nhưng thấy thật là khó, nhất là viết về vị Cha già kính yêu - Hồ Chí Minh của dân tộc ta. Bác là một vĩ nhân không chỉ với đất nước ta mà với cả nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, Bác là danh nhân văn hóa, anh hùng giải phóng dân tộc, mình là con cháu của Bác, là nhỏ bé, tầm thường, so với người quá vĩ đại như Bác, làm sao mà khắc họa được những phẩm chất cao quý, những hy sinh cống hiến vĩ đại của người cho dân tộc Việt Nam.
Tôi nói là khó vì những năm qua vào dịp 19/5 và 2/9 khi viết về Bác đã khá vất vả, nay đã cạn nguồn văn vẻ rồi. Làm thơ ca ngợi Bác qua 5 tập thơ cũng đã có đến cả chục bài rồi…Nay chỉ xin ghi lại những kỷ niệm của mình khi vào lăng viếng Bác, hay đi đến nhưng nơi (gọi là nhà) Bác nghỉ để lãnh đạo kháng chiến, những địa chỉ mà vị Cha già đã đặt chân đến hoạt động…
VỀ VIẾNG LĂNG BÁC
Như chúng ta biết trong di chúc của mình Bác căn dặn: khi Bác mất chớ nên phúng điếu linh đình để đỡ tốn kém tiền bạc của nhân dân. Đem thiêu Bác và lấy tro cốt bỏ vào ba cái hũ, để cho ba miền Bắc, Trung, Nam để trên đồi trọc, khi nhân dân đến viếng Bác thì mỗi người trồng một cây xanh, cây lớn lên có bóng mát và trở thành rừng. Viêc này thì Đảng và Nhà nước ta có lỗi là không làm theo lời của Người được. Vì cả cuộc đời Bác vì nước, vì nhân dân, nhất là nhân dân miền Nam lúc nào cũng trong tim Bác “Bác nhớ miền Nam nỗi nước nhà, miền Nam mong Bác nỗi mong cha” (Tố Hữu). Nhân dân miền Nam khát khao được gặp Bác, Bác cũng mấy lần đề nghị TW đưa Bác vào chiến trường để động viên nhân dân miền Nam đánh Mỹ, nhưng do chiến tranh quá ác liệt, sức khỏe của Bác lại không tốt lắm, nên ước nguyện vào thăm đồng bào và chiến sĩ miền Nam sau 58 năm xa cách là không thành. Có lần vào Quảng Bình, Bác nhìn về phía nam và nói thật cảm động “Bác đã đi đến nơi nhưng chưa về đến chốn”.
Do đó TW Đảng quyết định gìn giữ thi hài Bác khi Bác mất, để ngày thống nhất đất nước, nhân dân cả nước được nhìn thấy Bác. Lăng Bác được khởi công xây dựng vào năm 1972 nhưng do tháng 12 năm đó Mỹ đem máy bay bắn phá miền Bắc và Hà Nội, nên phải tạm ngưng một thời gian, sau đó ta tiếp tục xây dựng và 20h ngày 18/7/1975 đưa Bác từ K9 trở về. Ngày 22/8 năm 1975, Lăng Bác được khánh thành và mở cửa cho nhân dân vào viếng Bác (việc ướp và giữ gìn thi hài Bác trong 6 năm – mời quí vị đọc tác phẩm Giữ yên giấc ngủ của Người).
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội là quãng trường lớn nhất Việt Nam. Quãng trường này còn là nơi ghi nhận nhiều dấu ấn quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Đặc biệt vào ngày 2/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Cộng hòa Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: VT
Lúc xây dựng lăng thì tôi còn ở ngoài miền Bắc, tôi chứng kiến các đoàn xe chở đá tốt từ Thanh Hóa, Ninh Bình, gỗ quý từ Quảng Đà, các loại cây cảnh quý ra để xây dựng lăng. Cuối năm 1974 thì tôi vào Nam, mãi tết năm 1977 mới được về phép, lòng khát khao là được vào lăng viếng Bác. Chưa hết phép tôi đã tranh thủ ra Hà Nội, từ nhà khách số 8 Phan Huy Chú, tôi đi taxi đến thật sớm mong được vào lăng sớm. Nhưng háo hức bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu, vì lúc đó việc vào lăng cũng chưa dễ dàng như bây giờ, phải đi theo đoàn, phải có giấy giới thiệu mới được vào. Tôi đứng ngoài cổng chờ thấy mấy đoàn thiếu nhi vào mới đến đoàn người lớn, tôi bám càng theo sau, nhưng có lẽ các anh công an thấy tôi đứng lẻ một mình từ nãy chứ không phải thành viên của đoàn nên loại tôi ra, làm tôi thất vọng và buồn lắm. Nếu không được vào lần này thì lại vào Cần Thơ, không biết khi nào mới lại ra và mới được vào gặp Bác. Đúng là cái khó ló cái khôn, trong mình lúc đó chỉ có cái giấy nghỉ phép và cái chứng minh thư, tôi nảy ra ý tưởng xuất trình hai giấy này xem có được không? Khi các đoàn đã vào hết lúc đó cũng đã gần 10 giờ, tôi liều đến gặp các anh, xem giấy tờ và nhìn mặt, các anh nhận ra tôi là người hiền lành và tin tưởng nên cho tôi nhập vào đoàn mới, nhưng vẫn phải đi cuối đoàn. Ôi thật sung sướng, cảm động đến rơi nước mắt, tim đập thình thịch …chuyện vào lăng viếng Bác kể ra thì dài dòng lắm. Chỉ xin kể lúc vào lăng thôi, ta bước vào lăng là thấy mát lạnh, nhìn trước mặt là dòng chữ “không có gì quí hơn độc lập tự do”, dưới là chữ ký của Bác; dòng chữ vàng óng, người thì bảo là chữ mạ vàng, người bảo là vàng thật. Ta đi vào bên tay phải, bước lên cầu thang lên tầng một, đi vào tay phải hình chữ U, xung quanh là hàng chắn bằng inox; mọi người phải thật im lặng và bước chậm, nhích từng bước nhưng không được dừng lại, tôi mải mê nhìn Bác mà quên bước đi, làm anh công an bước đến đẩy nhẹ tôi về phía trước để tránh ùn tắc, đứng lâu. Ta đi ngang chữ u và đi ra ngoài; Bác nằm phía dưới, 4 góc là 4 cảnh vệ, Bác nằm trên một giường nệm nhỏ, tấm đắp mỏng phủ từ ngang bụng xuống chân, hai tay Bác đặt lên bụng, trên là một hộp kính pha lê trong suốt, nhìn kỹ mới biết là có kính như một quan tài vậy, mặc dù chân phải di chuyển nhưng mắt tôi vẫn gián vào nhìn Bác. Đúng như lời thơ của Viễn Phương “Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên, giữa một vầng trăng sáng trong dịu hiền” ta vào lăng thấy Bác, gặp Bác bằng da bằng thịt như người đang ngon giấc sau những giờ làm việc căng thẳng lo cho dân cho nước. “Trên môi như Bác vẫn cười, Bác vui vì khắp non sông, cháu con trở về sum vầy” nhạc sĩ Dân Huyền. Tôi là người con từ miền Nam trở về được gặp Bác, trong lòng nghĩ rằng, nếu sau này không có dịp gặp Bác nữa thì khi chết cũng không còn gì phải ân hận. Đúng như lời bài hát bên lăng Bác Hồ của nhạc sĩ Dân Huyền - niềm ao ước bấy lâu nay đã thỏa nỗi chờ mong…ngày Bác mất nhân dân cả nước khóc Bác vì tiếc thương Bác, ai cũng mong muốn Bác sống để lãnh đạo kháng chiến thắng lợi. Những ngày tang lễ Bác, tôi cũng khóc Bác nhiều và thất vọng vì chưa có dịp gặp Bác (lúc đó cũng không biết Đảng, Nhà nước quyết định gìn giữ thi hài của Bác, để sau này cho mình được gặp Bác).
Đây là kỷ niệm sâu sắc của một đời người, nhưng không dừng lại, được gặp Bác rồi lại muốn gặp nhiều lần nữa, mình gặp rồi lại muốn cho cơ quan, người thân và gia đình mình được gặp Bác và thực tế tôi đã làm được. Sau lần đó phải đến năm 1980 tôi mới có điều kiện ra Hà Nội nhiều hơn, và lần nào ra tôi cũng tranh thủ vào lăng viếng Bác, vì thực ra vẫn còn khao khát, phải nhìn kỹ Bác hơn, quan sát kỹ hơn khu vực Bác nằm. Có người nói là trên tường phía đầu Bác nằm có 2 lá cờ Đảng và cờ tổ quốc bằng đá hồng ngọc từ Thanh Hóa chở ra, có người nói thấy móng tay Bác dài ra, có người bảo tóc Bác có thưa hơn…
Ngồi nhẩm tính lại từ năm 1980 đến 2018 là 38 năm, bình quân mỗi năm 1 lần tôi vào viếng Bác, đã là 38 lần, có năm vào 2-3 lần do đi Đại hội thi đua toàn ngành 5 năm một lần, Đại hội nhiệm kỳ Hội KTKT, hội nghị tổng kết năm của cơ quan Tổng cục, hội nghị thi đua Tổng Liên đoàn LĐVN, Đại hội châu Á Hội KTKT, Đại hội Á-Âu hội Tư vấn thuế đăng cai, ước chừng trên chục lần nữa. Trong đó có 5 lần đoàn có từ 15 đến 50 người, tôi đặt vòng hoa cho đoàn đi riêng vào viếng Bác. Ngồi nghĩ lại thấy rằng, mình là người quá may mắn, vinh dự là được vào Viếng bác nhiều lần; trong khi đó nhiều người chưa được một lần gặp Bác. Qua đó càng thấy công ơn trời biển của Bác và càng ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Tôi xin nhắc lại lời điếu trong lễ truy điệu Người do đ/c Lê Duẩn, Tổng Bí thư Đảng ta đọc trong lễ truy điệu người “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.
Nhân kỷ niệm lần thứ 52 (1969-2921) ngày Bác đi xa tôi nhớ Bác và ghi lên những dòng này, không phải để báo công với Bác mà nhớ lại kỷ niệm, tình cảm tôi dành cho Bác. Với mọi người, trong đó có tôi không ai dám dối lòng mình khi nói về Bác.
ĐẾN NHỮNG NƠI BÁC TỪNG ĐẾN.
Không chỉ đến Hà Nội, nơi mà Bác từ chiến khu về sống, làm việc 24 năm cho đến ngày Bác đi xa. Trong nhiều năm qua có dịp đi công tác tôi đã đến những nơi mà Bác từng hoạt động như: trường Quốc học Huế, trường Dục Thanh nơi Bác dạy học và hoạt động, Bến Nhà Rồng nơi mà Bác ra đi tìm đường cứu nước (ngày 5-6-1911),hang Pác Bó nơi sau 30 năm Bác đi tìm đường cứu nước trở về, một hang nhỏ nằm dưới chân núi Các Mác, trong hang còn nguyên tấm phản gỗ, trước mặt hang là dòng suối LeNin đều do Bác đặt tên; cách xa độ chục mét có chiếc bàn đá hàng ngày Bác làm việc “bàn đá chông chênh dịch sử Đảng, cuộc đời cách mạng thật là sang - thơ Bác”. Lán Nà Lừa ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang, một chiếc lán đơn sơ bên bờ suối, nửa ngoài Bác tiếp khách, nửa trong để Bác nghỉ. Nơi đây, Bác đã từng ốm thập tử nhất sinh, làm cho Đảng ta vô cùng lo lắng. Tôi đã đến K9 thuộc Ba Vì, Hà Nội. Lúc còn sống Bác đã từng sơ tán lên đây làm việc, sau này Bác mất là nơi gìn giữ thi hài Bác trong suốt 6 năm trời. Không những thế tôi còn có dịp viếng cụ thân sinh ra Bác: mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc tại Cao Lãnh, Đồng Tháp, thắp hương cho thân mẫu Bác là bà Hoàng Thị Loan trên núi Nghĩa Lĩnh, Nghệ An. Khi Bác mất nhân dân Nam bộ cũng tổ chức bí mật lễ tang Bác và nhiều nơi lập bàn thờ, sau giải phóng đã xây dựng đền thờ Bác như ở thành phố Bạc Liêu, ở huyện Long Mỹ, ở xã Long Đức, Trà Vinh, đền thờ Bác trên núi Ba Vì… tất cả những nơi này tôi đã đến thắp nhang viếng Bác mong Bác phù hộ cho quốc thái dân an. Đến những nơi Bác ở và làm việc trong kháng chiến, hay nhà Bác ở Kim Liên, nhìn hiện vật và nghe thuyết minh không ai cầm được nước mắt, nức nở, xót thương Bác một người mà suốt đời cần kiệm, lo cho dân cho nước. Ngay cả khi đã là Chủ tịch nước, Trung ương làm nhà sàn cho Bác và lo chế độ, nhưng Bác không muốn hưởng, chỉ một lý do duy nhất là đất nước còn chiến tranh, nhân dân ta còn nghèo nên Bác không muốn sống hơn người khác.
Lán Nà Lừa (Nà Lừa) – là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5 năm 1945 đến tháng 8 năm 1945 để chuẩn bị và lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 (Bác từ Pắc Pó, Cao Bằng về). Lán có 2 gian: gian bên trong nơi Bác nghỉ ngơi; gian bên ngoài là nơi Bác làm việc và tiếp khách. Tại căn cứ lán nhỏ đơn sơ này, nhiều văn kiện, chỉ thị, chủ trương, kế hoạch liên quan đến CMT8/1945 đã được Bác Hồ soạn thảo. Ảnh: VT
Hôm nay ngồi tưởng nhớ, thương nhớ Bác mà lòng tôi cứ rưng rưng, ngoài thì trời đổ cơn mưa to, tôi nhớ lại sao mà hoàn cảnh lập lại như cách đây 52 năm khi Bác mất, nhà thơ Tố Hữu đã viết “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”.
Sắp đến ngày giỗ Bác con xin thắp nén tâm nhang kính dâng vị Cha già và nguyện suốt đời phấn đấu cho chủ nghĩa cộng sản mà Bác đã chọn, góp phần nhỏ bé vào sư nghiệp xây dựng đất nước ta đàng hoàng, to đẹp hơn như Bác hằng mong muốn.
Cần Thơ, ngày 30/8/2021
Trương Viết Hùng