Năm 2023, ngành Y tế cả nước long trọng kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Năm (27/2/1955 – 27/2/2023). Trong 68 năm đó, ngành Y tế Việt Nam có quyền tự hào đã góp phần không nhỏ trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Từ một đất nước ít người biết đến những năm đầu thế kỷ 20, đến nay Việt Nam đã thiết lập bang giao với 180 quốc gia và lãnh thổ thuộc các châu lục. Việt Nam cũng đàm phán và đã ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU và các nước trên thế giới. Năm 2022, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 730,21 tỷ USD, tăng 9,1% cùng kỳ Hòa với sự phát triển toàn diện các mặt kinh tế - xã hội, Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước có mạng lưới y tế hoàn chỉnh tới xã phường, bảo đảm cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản cho mọi người dân. Lĩnh vực y tế dự phòng ngày càng phát triển, ngăn chặn được các bệnh dịch nguy hiểm…,
Đảng và Nhà nước luôn ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những đóng góp, cống hiến của các thế hệ bác sĩ và nhân viên y tế trong chặng đường 68 năm qua. Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của ngành Y tế Việt Nam, đã có nhiều thành tựu nỗi bật trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), ngành Y tế đã bảo đảm phục vụ tốt chăm sóc thương, bệnh binh và phòng, chống dịch bệnh như dịch tả, thương hàn, bại liệt; đẩy lùi được một số bệnh xã hội đe dọa sức khỏe nhân dân như sốt rét, mắt hột, lao, bệnh đậu mùa. Từ năm 1954, ở miền Bắc, ngành Y tế đã tập trung xây dựng và phát triển y tế ở khu vực nông thôn, làm cho bộ mặt nông thôn miền Bắc thay đổi rõ rệt: các công trình vệ sinh được xây dựng, sức khoẻ của nhân dân không ngừng được nâng lên.
Giai đoạn 1956 - 1975, lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân có sự phát triển nhanh chóng. Các phong trào quần chúng rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh, làm sạch môi trường, chăm sóc bản thân rất sôi nổi. Hệ thống y tế có nhiều thành tựu trong việc chăm lo, bảo vệ sức khỏe, nâng cao thể lực của nhân dân, chăm sóc người già, phụ nữ, trẻ em trong thời kỳ chiến tranh gian khổ và ác liệt. Sau ngày đất nước thống nhất, ở miền Nam nhiều bệnh xã hội, bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây thành dịch đã được xử lý.
Từ năm 1986 đến nay, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều thành tựu quan trọng. Công tác y tế có sự đổi mới theo hướng đa dạng hóa các hình thức tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân; từng bước thực hiện công bằng trong khám, chữa bệnh cho người dân. Các chương trình dân số, kế hoạch hóa gia đình, giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em được triển khai tích cực. Mức hưởng thụ dịch vụ y tế của nhân dân tăng lên, đặc biệt với trẻ em, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện, tuổi thọ trung bình tăng, đến năm 2020 ước đạt 73,7 tuổi. Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được tăng cường, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh được nâng cao; từng bước giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên. Công tác dự phòng, phát hiện sớm, quản lý các bệnh không lây nhiễm được chú trọng; năng lực giám sát, dự báo, phát hiện và khống chế dịch bệnh được nâng lên. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng nhanh, từ 60,9% dân số năm 2010 lên 92,04% vào cuối năm 2022.
Năm 2021, đại dịch COVID-19 vừa qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đến từng cán bộ, nhân viên, người lao động trong ngành Y tế và mỗi người dân. “Trong những thời điểm gian nan, chúng ta đã chứng kiến nghĩa cử cao đẹp, đức hy sinh, trái tim nhiệt huyết, sự tỏa sáng từ tấm lòng nhân ái của đội ngũ bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế không ngại hy sinh gian khổ, dấn thân đi vào tâm dịch tiếp xúc với những mối nguy hiểm, nhận về mình rủi ro, hết lòng phục vụ, chăm sóc người dân trong các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến…, trong số đó có nhiều bác sĩ, nhân viên y tế đã hy sinh, mãi mãi không trở về…”
Năm 2022 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức với ngành Y tế, đặc biệt là 3 năm chống dịch COVID-19. Tính từ ngày 1/1/2021 đến 30/6/2022, báo cáo tại các tỉnh, thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc hoặc chuyển công tác. Tuy nhiên, tổng số tuyển dụng viên chức từ ngày 01/1/2021 đến nay của các địa phương và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế được bổ sung là 19.283 người. Tuy nhiên chỉ bổ sung về số lượng, còn chất lượng chắc không thể so sánh với những người có nhiều kinh nghiệm chuyên môn đã xin nghỉ việc.
Tuy nhiên ngành Y tế cũng bị nhiều tác động của siêu bão Việt Á, không những gây tổn thất về người, vật chất mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của nhân dân qua những vụ đấu thầu kit test. Việc lãnh đạo Bộ Y tế đã thông đồng, tiếp tay cho Công ty Việt Á nâng khống giá kit/test xét nghiệm Covid-19 lên đến 45%, với doanh thu bán hàng lên đến hơn 4.000 tỷ đồng, số tiền "hoa hồng" cho các đối tác Việt Á (các CDC, cơ sở y tế, các sở y tế...) khoảng 800 tỷ đồng, chưa kể số tiền chi cho nhiều cán bộ khác mà chưa thể thống kê được. Hành vi này gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, gây bức xúc trong xã hội... và đã được các cơ quan Công an xử lý kịp thời. Tuy nhiên đây chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh.
Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Năm (27/2/1955 – 27/2/2023), một lần nữa giúp cho chúng ta, những người thầy thuốc càng nhận thức hơn bao giờ hết lời dạy của Bác, luôn luôn và mãi mãi có giá trị với thời gian và không gian. Nó không những giúp cho chúng ta phải tự mình rèn luyện tuân theo lời dạy của Hippocrates, đặc biệt lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Lương y phải như từ mẫu”.
Ngành Y tế trong thời gian tới cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như đại dịch COVID-19 được dự báo vẫn có thể xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn, diễn biến phức tạp, khó lường hơn. Sự xuất hiện, gia tăng của một số dịch bệnh mới nổi, đặt ra những yêu cầu mới về kiểm soát dịch bệnh. Nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ngày càng cao, tạo sức ép lớn đối với việc cung cấp dịch vụ y tế; chi phí cho chăm sóc sức khoẻ ngày càng nhiều, trong khi nguồn lực của đất nước vẫn còn hạn hẹp, đời sống một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên những khó khăn như vậy cũng là cơ hội khẳng định những giá trị trân quý của nghề chữa bệnh cứu người, là dịp để ngành Y tế nhận diện thấu đáo thực trạng, xem xét toàn diện thách thức để xây dựng cho được những giải pháp dài hạn, thúc đẩy ngành có những bước phát triển mới.
CN. Ngô Thành Tiến