Ngày 25/10/2024 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ Thuật thành phố Cần Thơ phối hợp tổ chức hội thảo liên ngành với Hội Y học, Hội Đông y, Hội Châm cứu và Hội Dược học với chủ đề “Kiểm soát hiệu quả bệnh tăng huyết áp (THA)” nhằm cung cấp những kiến thức toàn diện trong việc theo dõi, chăm sóc và các biện pháp điều trị kiểm soát tốt huyết áp cho người bệnh tăng huyết áp, giúp người dân cải thiện chất lượng sống cũng như duy trì tuổi thọ dài lâu.
TS. Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo thu hút gần 120 đại biểu đến từ Câu lạc bộ Hưu trí thành phố, Hội viên các hội khoa học và kỹ thuật, các hội đặc thù, hội người cao tuổi thành phố Cần Thơ tham dự. Chủ trì Hội thảo do TS. Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ Thuật và Bs.CKII. Phan Thanh Tòng, Chủ tịch Hội Y học thành phố.
Hội thảo trình bày 5 tham luận, nhấn mạnh những điểm lưu ý giúp người nghe nắm bắt được vấn đề và áp dụng cho bản thân để phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả bệnh tăng huyết áp: “Tổng quan, cơ chế bệnh sinh, nguyên nhân, triệu chứng và điều trị tăng huyết áp ở người cao tuổi” do Bs.CKII. Phan Thanh Tòng, Chủ tịch Hội y học trình bày; “Thuốc điều trị tăng huyết áp và nguyên tắc sử dụng” do Thạc sĩ Bác sĩ Lê Kim Khánh – Hội Dược học; “Kết hợp đông tây y trong điều trị tăng huyết áp” do BS. Đặng Tiến Đăng Khoa, Bộ môn Y học Cổ truyền, Đại học Y Dược Cần Thơ; “Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tăng huyết áp” do ThS. Bs Lê Thị Hiền, Bộ môn Dinh dưỡng, Đại học Y Dược Cần Thơ và “Biện pháp kiểm soát huyết áp và dự phòng biến chứng tăng huyết áp ở người cao tuổi” do Bs.CKII Dương Phước Long – Trung tâm Kiểm soat bệnh tật thành phố Cần Thơ (CDC) trình bày.
Bs.CKII. Phan Thanh Tòng, Chủ tịch Hội Y học tham luận
Tăng huyết áp và các bệnh tim mạch do xơ vữa mạch máu đang trở thành những vấn đề sức khoẻ quan trọng trong cộng đồng ở Việt Nam.
Việc phát hiện và điều trị kịp thời bệnh tăng huyết áp, phòng tránh biến chứng tàn phế và các biến chứng khác, nhất là vào mùa đông, nhiệt độ thay đổi, giảm đột ngột trở nên cần thiết và là vấn đề đáng được quan tâm.
Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch và được đo lường bằng milimet thủy ngân (mmHg). Với hai chỉ số: huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 90mmHg.
Huyết áp phụ thuộc vào cung lượng tim và sức cản ngoại biên. Trong ngày, trị số huyết áp có thể thay đổi do phụ thuộc vào nhiều yếu tố: cảm xúc, vận động thể lực,… Tuy nhiên, cơ thể có cơ chế tự điều hòa giúp huyết áp dao động trong phạm vi sinh lý. Tăng huyết áp xảy ra khi có sự tăng cung lượng tim hoặc sức cản ngoại biên hoặc tăng cả hai..
Theo các bác sĩ phần lớn người trưởng thành tăng huyết áp không rõ nguyên nhân (THA nguyên phát) chiếm 90 - 95%. Còn lại là các trường hợp tăng huyết áp có nguyên nhân (THA thứ phát) với các trường hợp sau: Bệnh tim mạch: Hở van động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ, viêm hẹp động mạch chủ bụng; Bệnh về thận: Viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn , ứ nước bể thận, u thận, hẹp động mạch chủ thận…; Bệnh nội tiết: U tủy thượng thận, bệnh tủy thượng thận, hội chứng Cushing, hội chứng Conn, cường aldosteron, cường giáp, cường tuyến yên,…; Do dùng thuốc: Thuốc tránh thai, ACTH corticoid, chất chống trầm cảm vòng,…; Nguyên nhân khác: ngộ độc thai nghén, rối loạn thần kinh, bệnh beriberi, bệnh đa hồng cầu, hội chứng carcinoid, toan hô hấp, tăng áp nội sọ,…
Bên cạnh việc sử dụng thuốc để điều trị tăng huyết áp, biện pháp điều trị không dùng thuốc nghĩa là thay đổi lối sống càng ngày được khuyến cáo.
Theo bác sĩ Bs.CKII Dương Phước Long – Trung tâm Kiểm soat bệnh tật thành phố Cần Thơ cần chú ý một số nguyên tắc: Tăng huyết áp là bệnh mạn tính nên cần theo dõi đều, điều trị đúng và đủ hàng ngày, điều trị lâu dài; Mục tiêu điều trị là đạt “huyết áp mục tiêu” và giảm tối đa “nguy cơ tim mạch”; “Huyết áp mục tiêu” cần đạt là < 140/90 mmHg và thấp hơn nữa nếu người bệnh vẫn dung nạp được. Nếu nguy cơ tim mạch từ cao đến rất cao thì huyết áp mục tiêu cần đạt là < 130/80 mmHg. Khi điều trị đã đạt huyết áp mục tiêu, cần tiếp tục duy trì phác đồ điều trị lâu dài kèm theo việc theo dõi chặt chẽ, định kỳ để điều chỉnh kịp thời; Điều trị cần hết sức tích cực ở bệnh nhân đã có tổn thương cơ quan đích. Không nên hạ huyết áp quá nhanh để tránh biến chứng thiếu máu ở các cơ quan đích, trừ tình huống cấp cứu;
Yếu tố cần, để có sức khỏe tốt: (1) Chế độ ăn uống và dinh dưỡng phù hợp với giai đoạn của cuộc đời, với đặc điểm sức khỏe mỗi người, ăn uống tăng cường chất lượng, hợp lý về số lượng, bổ sung vitamin, khoáng chất, hoạt chất sinh học. (2) Vận động thân thể, vận động là nhu cầu cấp thiết của đời sống, làm cho cơ thể không ngừng phát triển, thích ứng ảnh hưởng bất lợi của môi trường, giúp bảo vệ cho con người khỏi trì trệ, thoái hóa; ảnh hưởng tới sự phát triển các chức năng của cơ thể (chức năng vận động tốt hơn, cảm giác tốt hơn và các chức năng của nội tạng, thần kinh tốt hơn); giúp cho tiêu hóa, chuyển hóa hốt hơn và hiệu quả hơn. (3) Giải tỏa căng thẳng, kết hợp hài hòa giữa làm việc, ngủ nghỉ, thể dục thể thao và giải trí, có phương pháp và thái độ thích hợp đối với các kích thích cảm xúc như: vui, buồn, giận, cáu, lo sợ, căng thẳng…, rèn luyện tinh thần an nhiên.
Theo Bs.CKII. Dương Văn Thấm – Phó Chủ tịch Hội Y học, đây là hoạt động đầu tiên có sự phối hợp của khối các hội chuyên ngành y, dược thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tổ chức, được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng, sắp tới Khối hội y dược sẽ tiếp tục tổ chức nhiều buổi hơn với sự hỗ trợ của Liên hiệp Hội, trong đó chủ đề về kiểm soát hiệu quả bệnh tiểu đường sẽ được quan tâm.
Toàn cảnh đại biểu tham dự hội thảo
Bài viết: Thúy Kiều