Sáng ngày 10/11/2023, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Cần Thơ phối hợp với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường thành phố tổ chức Hội thảo khoa học Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính và ô nghiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp hướng đến phát thải ròng bằng không. Tham dự có hơn 60 đại biểu, TS. Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, ThS. Nguyễn Thị Kiều, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, PGS.TS Nguyễn Văn Công, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, các báo cáo viên trường Đại học Cần Thơ, Liên minh Hơp tác xã thành phố, các Hội thành viên, Hội viên Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, Nông dân các quận huyện, Trạm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chị cục Thủy sản, các Hội khối đặc thù, Hiệp Hội Doanh nghiệp, cùng cơ quan báo đài đến dự và đưa tin.
Nhằm cung cấp thông tin, chia sẻ giải pháp giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp hướng đến phát thải ròng bằng không,tạo cầu nối giao lưu, trao đổi, liên kết giữa các nhà khoa học, nhà quản lý và người sản xuất trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Tại hội thảo đại biểu được nghe những tham luận: Giảm phát thải khí nhà kính: Những quy định và một số giải pháp giảm thiểu có tiềm năng áp dụng cho ĐBSCL do PGS. TS. Nguyễn Văn Công – Chủ tịch Hội BVTNMT TPCT, Trưởng Khoa MT&TNTN – Trường ĐHCT trình bày; Quy trình trồng nấm rơm trong nhà chi phí thấp do PGS. TS. Lê Vĩnh Thúc – Chủ tịch Hội Làm vườn, Trường Nông nghiệp – Trường ĐHCT chia sẻ; PGS. TS. Trần Sỹ Nam – Hội BVTNMT TPCT, Khoa MT&TNTN – Trường ĐHCT trình bày về Kỹ thuật quản lý nước trong canh tác lúa giúp tiết kiệm nước và giảm phát thải khí nhà kính; Sử dụng rác thực phẩm sản xuất phân hữu cơ. Nghiên cứu điển hình ở vùng nông thôn tỉnh Hậu Giang do TS. Nguyễn Công Thuận - Hội BVTN&MT TPCT, Khoa MT&TNTN – Trường ĐHCT chia sẻ; PGS. TS. Nguyễn Võ Châu Ngân – Khoa MT&TNTN – Trường ĐHCT thông tin về Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng và chế biến thủy sản ở tỉnh Bạc Liêu.
Toàn cảnh hội thảo
Nước ta với thế mạnh về kinh tế nông nghiệp, không chỉ mạnh trong việc sản xuất đem lại giá trị cao mà còn chú trọng việc vừa sản xuất vừa giảm phát thải khí nhà kính bảo vệ môi trường. Hội thảo là dịp thảo luận đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp đưa phát thải ròng về “0” bằng các giải pháp: kỹ thuật canh tác lúa tưới khô ẩm xen kẽ, giảm sử dụng phân bón, tận dụng rơm, rạ; sử dụng than trấu và than tràm đưa vào đất lúa vừa giúp cải thiện lý hóa đất, vừa làm giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa mà không ảnh hưởng đến năng suất lúa; sử dụng nguồn rơm rạ sau vụ lúa để trồng nấm hạn chế đốt đồng và tăng thu nhập, phụ phẩm sau khi trồng nấm có thể làm phân hữu cơ bón lại cho lúa, cây trồng, hoa kiểng; Giảm phát thải khí nhà kính khi áp dụng AWD (Alternative Wet and Dry ‒ AWD) trong canh tác lúa tiết kiệm nước, làm giảm chi phí tưới tiêu và tăng năng suất; sử dụng rác thực phẩm sản xuất phân hữu cơ được thực hiện tại tỉnh Hậu Giang; giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng và chế biến thủy sản tại Bạc Liêu,…
Với mong muốn thông tin, chia sẻ những giải pháp nhằm giúp cho việc sản xuất nông nghiệp hạn chế thấp nhất phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường, hội thảo đóng góp công sức trong việc tìm ra những giải pháp thiết thực ứng dụng nghiên cứu để có thể áp dụng vào thực tiễn và nhân rộng nhằm giúp cho ngành nông nghiệp không chỉ là thế mạnh của nền kinh tế mà phát triển hơn nửa trong tương lai, không gây ô nhiễm môi trường hướng đến phát thải ròng bằng không.
Tin ảnh: Hoàng Nhã