//custa.cantho.gov.vn/files/images/NAM%202022/NAM%202023/hoi%20thao%2027.9.jpg

Giải pháp nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ chủ lực sau bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

 

Sáng ngày 27 tháng 9 năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ phối hợp cùng Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ chủ lực sau bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”. Hội thảo nhằm mục đích nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP của thành phố. Hội thảo vinh dự nhận được sự tham gia của đại diện các cơ quan đơn vị quản lý, các hội đoàn thể, viện, trường, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố.

 

Tại Hội thảo, ông Trần Giang Khuê – Trưởng Văn phòng Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn cụ thể hơn về các Giải pháp hỗ trợ khai thác, phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm OCOP cũng như khai thác các mặt lợi ích từ chương trình OCOP đến việc phát triển nông thôn, nhà sản xuất, người tiêu dùng và hệ thống phân phối. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Nghi – Giảng viên Trường Kinh tế, Đại học Cần Thơ đưa ra các định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm – tiếp cận từ tài sản trí tuệ và tài sản vô hình. Ông Nguyễn Tấn Nhơn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ cho biết, trong thời gian tới, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nông sản thành phố, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến. Đồng thời, liên kết các chuỗi giá trị nông sản chủ lực, đẩy mạnh kiểm tra giám sát việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, chứng nhận VietGAP nhằm hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và gia tăng thu nhập cho nông dân.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Nghi – Giảng viên Trường Kinh tế, Đại học Cần Thơ trình bày tại Hội thảo.

Cũng trong Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu về đăng ký bảo hộ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Bà Lê Đình Minh Thy – Giám đốc Công ty du lịch Vietravel chi nhánh Cần Thơ chia sẻ về các trường hợp xâm phạm nhãn hiệu, thương hiệu và kinh nghiệm xử lý, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình bảo vệ và thực thi quyền Sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Giám đốc Công ty TNHH MTV Hygie and Panacee - Bà Đoàn Thị Hồng Thắm chia sẻ các kinh nghiệm khai thác và sử dụng tài sản trí tuệ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô nhỏ, cho rằng đây là bước khởi đầu quan trọng và cần thiết để khẳng định sự uy tín, giúp khách hàng nhận biết rõ ràng và gia tăng niềm tin đối với một nhãn hiệu mới trên thị trường.

Nhân dịp này, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Tp. Cần Thơ, bà Trần Thị Thanh Điệp – Trưởng Phòng Quản lý chuyên ngành đã phổ biến thêm các chính sách hỗ trợ đăng ký bảo hộ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ của thành phố theo Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND ngày 08 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân thành phố quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Cần Thơ và Quyết định số 3032/QĐ-UBND ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ thành phố Cần Thơ đến năm 2030.

Tin và ảnh: Y Phụng