ĐẦU XUÂN - TẢN MẠN VỀ ẨM THỰC
***
Bạn hẳn đã biết kể từ lúc sinh ra đời, mỗi người trong chúng ta hàng ngày cần phải ăn uống để tồn tại và tăng trưởng. Những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình giải quyết bữa ăn của từng dân tộc đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác, hình thành phong cách, tập tục và nét văn hóa ẩm thực của dân tộc đó.
Nhà sinh lý học Nga L.P. Pavlov đã từng viết: Nếu cả ngày luôn nghĩ đến cái ăn thì chỉ là thú vật; nhưng nếu không giải quyết được vấn đề “ẩm thực” thì người ta khó làm tốt công việc khác. Cùng quan điểm trên, tổ tiên chúng ta cũng từng phát biểu: “có thực mới vực được đạo”!.
Bên ly trà ấm trong làn gió Xuân, chúng ta hãy nghiền ngẫm một số câu tục ngữ, ca dao nói về văn hóa ẩm thực lý thú của người Việt bao đời.
Đặc trưng văn hóa và tình tự quê hương
Mỗi khi nghĩ đến một đất nước nào đó, thường người ta liên tưởng đến món ăn đặc trưng của dân tộc ấy. Nhắc đến nước Nhật hẳn ai cũng nhớ món Sushi, Ấn Độ là món cà-ry cay, hay món mỳ sợi của người Ý (Spaghetti), món Cassoulet (thịt ngỗng hầm đậu) của người Pháp… và các món canh chua, cá lóc kho tộ hoặc lẫu mắm đặc biệt của người Việt Nam; ngoài ra là món nước mắm nhĩ thơm lựng hiện diện trong bữa ăn hàng ngày mà nó đã đi vào ca dao, như khơi mào chuyện luyến ái nam nữ:
Nước mắm ngon dầm con cá đối,
Anh biểu em chờ đến tối anh qua (1)
Thực tế món nước mắm luôn được xem như “quốc hồn, quốc túy” trong tâm thức người Việt chúng ta!
Ngày nay có những người vì nhiều lý do khác nhau phải sống tha hương, xa người thương nhưng thi thoảng họ chợt nhớ về một thời kỳ gian khó bên các món ăn bình dị ngày thường:
Ra đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Người ở quê nhà cũng thiết tha nhắn gởi đến người ở tận phương xa qua bao kỷ niệm của thời dĩ vãng:
Ai ơi, chua ngọt đã từng
Non xanh, nước biếc ta đừng quên nhau!
Nghe nói cánh Việt kiều hải ngoại ngày nay trước mỗi độ Xuân về họ cũng bồi hồi nhớ cảnh Tết quê nhà với "mâm ngũ quả" - trưng trên bàn thờ, nhằm bày tỏ ước vọng gia đình, chẳng hạn sang năm mới: " cầu - vừa - đủ - xài - sung" (đọc trại âm của 5 loại trái cây)... Nghi thức này trở thành thông lệ ngày Tết! Ngoài ra còn chậu mai vàng cùng đòn bánh tét, bánh chưng, nồi thịt kho rệu với nước dừa... kể cả hình ảnh đoàn múa lân, ông đồ ngồi viết liễng.... Thế là tâm trạng chợt bùi ngùi :
Nhớ nồi thịt của mẹ kho
Mâm cơm ngày Têt mẹ lo vuông tròn
(Tường Võ)
Tình cảm thiêng liêng
Lúc còn thơ, mặc dù bị quở phạt, trong bụng dạ chúng ta vẫn thành khẩn với mẹ cha:
Má ơi đừng đánh con đau
Để con bắt ốc, hái rau má nhờ
Để rồi khi trưởng thành con cái vẫn luôn ấp ủ lòng hiếu thảo:
Năm tiền một khúc cá buôi
Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già.
Cái ăn - nhân tố bảo vệ tình yêu đôi lứa
Ngạn ngữ phương Tây có câu: Hãy chinh phục trái tim đàn ông qua cái dạ dày của họ (Le véritable chemin pour toucher le coeur d'un homme passe par son estomac). Quan điểm này không nhằm đánh gia thấp thái độ “tham ăn” một cách mù quáng của nam giới, mà là triết lý được đúc kết từ trải nghiệm cuộc sống. Nói như người Á Đông là đề cao chữ “công”, thuộc 4 đức tính: công, dung, ngôn, hạnh của người phụ nữ. (Cô gái nào ưng ý một chàng trai, hãy mời hắn về nhà chơi rồi chiêu đãi một vài món ăn độc đáo tự mình chế biến. Chỉ cần 3 - 4 lần là “cá” sẽ cắn câu!).
Khi tình cảm đơm bông, kết trái; đôi uyên ương nên nghĩa vợ chồng, thì ngừoi phụ nữ Việt Nam luôn chăm sóc người chồng đúng mực, từ bữa ăn đến giấc ngủ.
Thương chồng nấu cháo le le;
Nấu canh hoa lý, nấu chè hạt sen.
Đúng rồi! thịt con le le thì giàu chất đạm, rất ngon; còn hoa thiên lý chứa nhiều sinh tố, hạt sen lại có dược-tính giúp an thần, ngủ tốt.
Tuy nhiên có những cặp vợ chồng vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, họ vẫn sống hạnh phúc vì biết đồng cảm với nhau qua bữa ăn đạm bạc:
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon
Phụ nữ miền Tây còn đáo để trong việc cưng chiều chồng:
Đốt than nướng cá cho vàng.
Đem tiền mua rượu cho chàng uống chơi.
Tất nhiên ông chồng này phải "được việc" dưới mắt bà xã!
*Quan niệm về món ăn đúng điệu và hợp lý
Dẫu sao thì "cách ăn" cũng có năm bảy đường và nghệ thuật chế biến món ăn cũng đòi hỏi nhiều công phu. Mỗi món ăn (Đăc biệt món dành cho dân nhậu) cần phải chọn loại gia vị đặc trưng phù hợp nhằm mang lại hương vị độc đáo:
Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng
Con trâu khóc ngả khóc nghiêng
Tôi không ăn riềng, mua tỏi cho tôi
Ngày nay trong một xã hội công nghiệp xô bồ, giữa những ý nghĩ phiền toái về nhân sinh thì cái ăn phải được đánh giá thế nào cho hợp lý?
Ngay từ thế kỷ 18, Hải Thượng Lãn Ông đã có kiến thức uyên thâm về nguyên tắc dinh dưỡng trong hỗ trợ, điều trị bệnh tật:
Nên dùng các thứ thức ăn
Thay cho thuốc bổ có phần lợi hơn.
Người ta hay gọi "món ăn bài thuốc" là vậy!
Ông cũng hết sức chú ý đến vấn đề vệ sinh thực phẩm, nên đã cảnh báo:
Có câu tham thực, cực thân
Bệnh tòng khẩu nhập ta cần phải kiêng!
Tất nhiên khi bước vào ngưỡng thế kỷ 21 này, ngoài vấn đề an toàn thực phẩm chúng ta cũng cần có đề án "dinh dưỡng toàn dân" song song với rèn luyện thể chất nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực con người VN, cho nên khẩu phần ăn cần tính toán khoa học hợp lý cho từng nhóm đối tượng (Đặc biệt từ lứa nhũ nhi, mẫu giáo, tiểu học…)
Tóm lại, trong phạm vi “tứ khoái”, cái ăn chiếm vị trí quan trọng nhất! Thiết nghĩ chúng ta không nên nghĩ đến cái ăn như bọn phàm phu tục tử, khi cho rằng “dĩ thực vi tiên” (cái ăn là hàng đầu); nhưng chúng ta cũng không thể coi thường bữa ăn, thậm chí còn chăm chút nó đầy đủ, ngon lành nhằm đem lại lạc thú và hạnh phúc gia đình bền vững!
- Trừ 2 câu thơ của tác giả Tường Võ các câu còn lại được sử dụng từ kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam
CNYK Đàm Hồng Hải