Để nêu cao tinh thần, trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với sự nghiệp KH&CN, tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, ngày 18/6/2013, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thống nhất chọn ngày 18 tháng 5 hàng năm là ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Việc chọn ngày 18 tháng 5 gắn với sự kiện lịch sử, vào ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đến dự và chúc mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ngày nay). Trong bài phát biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết những luận điểm quan trọng nhất về phát triển khoa học và công nghệ ở nước ta, đồng thời giao nhiệm vụ vừa khó khăn, nhưng lại vừa vinh quang này cho giới trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam.
Bác đã đánh giá về trình độ KH&KT của nước ta lúc bấy giờ còn thấp, lề lối sản xuất chưa cải tiến, năng suất lao động thấp, phong tục tập quán lạc hậu. Và chỉ ra là “Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó……Khoa học phải tự sản xuất và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.
Trãi qua hơn 57 năm nhưng lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu rộng, tư tưởng lớn của Người đối với định hướng phát triển lâu dài của nền khoa học và công nghệ nước nhà. Khoa học và công nghệ không phải chỉ là lý thuyết mà còn phải gắn nghiên cứu với ứng dụng, với hoàn cảnh thực tiễn ở Việt Nam, phải không ngừng cải tiến kỹ thuật, liên kết chặt chẽ với quá trình lao động, sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Khoa học và công nghệ phải gắn với lao động, sáng tạo không mệt mỏi của trí thức Việt Nam, nghiên cứu khoa học gắn với thực tiển, đem những thành tựu khoa học và công nghệ phổ biến cho nhân dân để có hiệu quả thực hành, ứng dụng rộng rãi, mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc.
Thời gian qua, Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng, không ngừng lớn mạnh cả về số và chất, nhà khoa học – trí thức có mặt trong mọi lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội, trên mọi vùng, miền đất nước; đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu khoa học, tăng cường trao đổi, phổ biến kiến thức, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống; nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo được đưa vào trong quá trình lao động sản xuất, nhất là trong các doanh nghiệp đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đội ngũ trí thức, nhà khoa học nước ta đã xây dựng nền khoa học và công nghệ Việt Nam ngày càng hiện đại, hội nhập với những nền khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Ý Nguyện.