Chiều ngày 06/12/2024, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Cần Thơ phối hợp với Hội Xây dựng tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp xanh cho xây dựng bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Nguyễn Thành Phương, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội nêu, đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vựa lúa, vựa thủy sản mà còn là vựa trái cây của cả nước – không chỉ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế mà còn là “trái tim xanh” bảo vệ môi trường và an sinh xã hội của hàng triệu người dân. Tuy nhiên, vùng đất trù phú này đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sụt lún đất, và áp lực đô thị hóa. Những vấn đề này không chỉ đe dọa đến phát triển bền vững mà còn ảnh hưởng đến an ninh lương thực và sinh kế của hàng triệu người dân nơi đây. Trong bối cảnh này, việc tìm kiếm các giải pháp xanh và bền vững là yêu cầu cấp bách. Hội thảo chính là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, và cơ quan quản lý cùng chia sẻ những ý tưởng, sáng kiến, và kinh nghiệm thực tiễn nhằm thúc đẩy xây dựng bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường. Giải pháp xanh không chỉ đơn thuần là sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường hay áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Đó còn là sự đổi mới trong quy hoạch xây dựng, trong chính sách quản lý, và trong sự hợp tác giữa các bên để đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Ông Nguyễn Thành Phương – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật phát biểu tại hội thảo
Hội thảo có 5 tham luận rất hay, rất ý nghĩa; các chuyên gia đã chia sẻ những thông tin sâu sắc, hữu ích về các giải pháp công nghệ và vật liệu xây dựng nhằm ứng phó với các thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Chương trình bắt đầu với phần điều phối chuyên nghiệp từ PGS. TS. Huỳnh Trọng Phước - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT). Ông đã dẫn dắt các phần tham luận một cách logic và hiệu quả, mang đến cho các đại biểu một bức tranh toàn cảnh về những vấn đề và giải pháp nổi bật trong lĩnh vực xây dựng bền vững.
Mở đầu chương trình, PGS. TS. Huỳnh Trọng Phước đã trình bày về công nghệ bê tông xanh, một giải pháp tiên tiến nhằm giảm thiểu tác động môi trường của ngành xây dựng. Theo ông, bê tông xanh không chỉ giảm lượng khí thải CO2 trong quá trình sản xuất, mà còn sử dụng hiệu quả các nguyên liệu tái chế như tro bay, xỉ lò cao. Công nghệ này phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững tại ĐBSCL, nơi hệ sinh thái dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc áp dụng bê tông xanh trong các công trình quy mô lớn để đạt hiệu quả kinh tế và môi trường tốt hơn.
TS. Lê Văn Quang - Giám đốc Phân viện Vật liệu xây dựng Miền Nam, Bộ Xây dựng, đã chia sẻ về ứng dụng công nghệ in 3D trong xây dựng. Ông nhấn mạnh rằng công nghệ này đang mở ra một cuộc cách mạng trong ngành, với khả năng giảm chi phí lao động, tối ưu hóa thời gian thi công, và tạo ra các cấu trúc phức tạp với độ chính xác cao. Kết quả nghiên cứu khẳng định công nghệ in 3D bê tông hiện nay là có tính khả thi trong xây dựng. Công nghệ này kết hợp sáng tạo nhiều lĩnh vực thiết kế, bao gồm các thuật toán phần mềm mô hình hóa, thiết kế kiến trúc, cơ điện và thiết kế kết cấu xây dựng. Hệ thống máy in 3D bê tông hoàn toàn có thể được thiết kế, chế tạo, lắp đặt và vận hành tại Việt Nam với các giải pháp thiết kế hướng tới ứng dụng cho 3 lĩnh vực áp dụng như chế tạo tượng trang trí, sản xuất đồ nội, ngoại thất và xây dựng kết cấu tòa nhà. Tại ĐBSCL, nơi nguồn nhân lực và thời gian thi công chịu ảnh hưởng lớn bởi thời tiết, công nghệ in 3D hứa hẹn sẽ mang lại sự bền vững và linh hoạt trong xây dựng. TS. Quang cũng trình bày một số dự án thực nghiệm sử dụng in 3D đã đạt kết quả tích cực.
Tiếp nối chương trình, ThS. Nguyễn Kim Hoàng, chuyên gia đến từ Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), đã trình bày về các thách thức trong ứng dụng vật liệu mới cho đô thị tại ĐBSCL. Bà chia sẻ rằng việc phát triển vật liệu thân thiện môi trường gặp nhiều rào cản, từ chi phí sản xuất cao, khả năng thích ứng kỹ thuật, cho đến sự chưa đồng bộ trong chính sách hỗ trợ.
PGS.TS. Phạm Văn Toàn đã giới thiệu mô hình nhà nổi, đặc biệt hữu ích cho các cộng đồng ven sông, ven biển chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ nước biển dâng. Ông trình bày chi tiết các thiết kế nhà nổi có khả năng thích ứng linh hoạt với điều kiện mực nước thay đổi, đảm bảo an toàn và tiện nghi cho cư dân.
Ông Võ Tấn Dũng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Công nghệ Cát sạch MeKong, đã trình bày về công nghệ cát sạch, giải pháp nhằm giải quyết tình trạng khai thác cát quá mức và ô nhiễm cát xây dựng. Công nghệ này đảm bảo chất lượng và tuổi thọ công trình giúp tiết kiệm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ tài nguyên môi trường.
Hội thảo khép lại với những thảo luận sôi nổi và những câu hỏi từ phía đại biểu, cho thấy sự quan tâm lớn đối với các giải pháp công nghệ xây dựng bền vững. Các chuyên gia đều bày tỏ kỳ vọng rằng, với sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý, ĐBSCL sẽ tận dụng hiệu quả các công nghệ mới để xây dựng một tương lai bền vững, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.
Thúy Kiều