//custa.cantho.gov.vn/files/images/NAM%202022/BK%201.jpg

Cần Thơ: Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng và phát triển đất nước.

 

“Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Ðầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”(1). Đó là lời khẳng định của Đảng trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X.

Thực hiện chủ trương trên, đội ngũ trí thức Cần Thơ đã ra sức phấn đấu thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình và đạt được một số thành tựu góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng của thành phố Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung.

Vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã tổ chức Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW. Theo đó,  thời gian qua, Thành uỷ, Ban Thường vụ Thành uỷ, Ủy ban nhân dân thành phố, các cấp ủy, chính quyền trong thành phố đặc biệt quan tâm đến công tác thu hút, tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng đội ngũ trí thức; ban hành các văn bản về đào tạo, đãi ngộ nhằm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tầng lớp trí thức; tạo hành lang pháp lý để đội ngũ trí thức thành phố ra sức cống hiến, đóng góp trí tuệ của mình cho sự phát triển của thành phố. Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố đẩy mạnh việc thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu được Đảng, Nhà nước giao; tập hợp, đoàn kết ngày càng đông đảo và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; đẩy mạnh thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng; tăng cường mối quan hệ giữa trí thức  khoa học và công nghệ với Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Cần Thơ – 150; Đề án đào tạo ở nước ngoài nguồn nhân lực có trình độ sau đại học cho thành phố; Đề án Bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của thành phố tại Trường Đại học California Riverside, Hoa Kỳ, nâng cấp Trung tâm Đại học Tại chức Cần Thơ lên thành Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ….

 

          Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 27, đội ngũ trí thức của thành phố không ngừng phát triển về số lượng, chất lượng, có mặt hầu hết ở các lĩnh vực (đến nay trên địa bàn thành phố có 21 Giáo sư; 206 Phó Giáo sư; 952 Tiến sĩ/Bác sĩ chuyên khoa 2; 4.514 Thạc sĩ/Bác sĩ chuyên khoa 1,…). Đặc biệt, thành phố có 01 Nhà khoa học nữ đã vinh hạnh nhận Giải thưởng Kovalevskaia và 03 Nhà khoa học (02 Giáo sư, 01 Phó Giáo sư) được tôn vinh là trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu của cả nước; thành phố Cần Thơ tổ chức Tôn vinh 34 trí thức tiêu biểu.

Từ năm 2012 đến nay, thành phố Cần Thơ có 81 đơn đăng ký sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận và 19 văn bằng bảo hộ sáng chế được cấp mới, số đơn sáng chế tăng 4,3 lần và số văn bằng bảo hộ sáng chế tăng 5,4 lần so với giai đoạn trước. Tính đến năm 2021, thành phố có hơn 1.198 nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp đang tiến hành, 557 nhiệm vụ được nghiệm thu, 279 nhiệm vụ ứng dụng vào nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống và với hơn 1.250 lượt nhà khoa học tham gia tư vấn, phản biện, thẩm định thuộc nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, y tế, bảo vệ môi trường, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng…(2)

Các nhà khoa học tham gia hội thảo tư vấn giải pháp xây dựng huyện Phong Điền thành đô thị sinh thái do Liên hiệp Hội Cần Thơ tổ chức.

Thành phố phát huy tinh thần sáng tạo và trách nhiệm của trí thức thông qua việc triển khai công tác Hội thi Sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng hàng năm và tổ chức phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các cuộc thi, hội thi đã huy động đông đảo lực lượng tham gia hoạt động sáng tạo kỹ thuật, nhiều mô hình có tính sáng tạo và hiệu quả kinh tế xã hội cao, có giá trị, khơi dậy tiềm năng đổi mới sáng tạo trong cuộc sống, lao động và học tập của mọi lứa tuổi. Các cuộc thi, hội thi đã huy động đông đảo lực lượng tham gia hoạt động sáng tạo kỹ thuật, nhiều mô hình có tính sáng tạo và hiệu quả kinh tế xã hội cao, có giá trị, khơi dậy tiềm năng sáng tạo trong cuộc sống, lao động và học tập của mọi lứa tuổi, thu hút gần 5.700 giải pháp tham gia. Trong đó, có 02 giải pháp đạt giải WIPO (giải thưởng sở hữu trí tuệ thế giới), 36 giải pháp Hội thi và Cuộc thi đạt giải cấp quốc gia, trong đó 02 giải Đặc biệt và 02 giải Nhất, nhiều Giải Ba và giải Khuyến khích; đề cử và được vinh danh 07 giải pháp đạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam các năm 2018, 2019 và 2020…

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Cần Thơ là cơ quan đại diện của đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ, với chức năng vận động, tập hợp, đoàn kết  trí thức, nhà khoa học trong và ngoài thành phố tham gia vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ. Liên hiệp Hội hiện có 17 hội thành viên với trên 8.800 hội viên (trong đó có: 02 Giáo sư; 24 Phó Giáo sư; 178 Tiến sĩ/bác sĩ chuyên khoa 2; 573 Thạc sĩ/Bác sĩ chuyên khoa 1; 1.997 cử nhân/Đại học,…). Thời gian, Liên hiệp Hội và các Hội thành viên đã tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo khoa học với hàng chục nghìn lượt tham dự; thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu, dự án khoa học công nghệ; tham gia góp ý, tư vấn nhiều chương trình, chính sách quan trọng của thành phố, là cơ quan thường trực tổ chức các Hội thi sáng tạo kỹ thuật, Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, tôn vinh trí thức thành phố,…(3)

Hội nghị tôn vinh trí thức, nhà khoa học tiêu biểu năm 2022.

 

Với những kết quả đạt được, tin tưởng rằng đội ngũ trí thức thành phố Cần Thơ sẽ ngày càng lớn mạnh hơn nữa về số lượng, chất lượng, phát huy trí tuệ đóng góp vào sự nghiệp phát triển của đất nước, của thành phố. Điều này, một lần nữa được khẳng định trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng. Thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức(4). Và tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 “Phát huy vai trò của lực lượng trí thức, đặc biệt là trí thức, nhà khoa học trẻ đóng góp trí lực phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố…”(5).

Hoài Ân

Tài liệu tham khảo:

(1)- Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của ban Chấp hành Trung ương khóa X;

(2)- Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X “Về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỹ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” của Thành ủy Cần Thơ;

(3)- Văn kiện Đại hội đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Cần Thơ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2021 – 2026;

(4)- Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII;

(5)- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.