Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3
VỊ THẾ CỦA PHỤ NỮ TRÊN TOÀN CẦU
© XUÂN HỒNG
Trong lúc Đại hội Phụ nữ quốc tế do Liên Hợp Quốc tổ chức khai mạc thì tại Bắc Kinh, Liên hợp quốc đã công bố bản báo cáo đầu tiên nói về hoàn cảnh của phụ nữ tại 5 lục địa, Jean Fabre - người đặc trách truyền thông trong chương trình phát triển của Liên hợp quốc khi đó - cho biết: “Những phân tích của chúng tôi chứng tỏ rằng sự tiến bộ của xã hội và kinh tế sẽ mau chóng hơn nếu người ta ưu tiên đầu tư vào phụ nữ. Vấn đề này không chỉ biểu hiện sự công bằng mà còn nhằm đem lại việc quản lý tốt. Mỗi nhóm xã hội, mỗi nhóm giới tính luôn có những vấn đề riêng của nó. Sự tham gia của phụ nữ vào những cơ cấu hệ trọng sẽ cho phép xã hội thay đổi cách nhìn và có những sự lựa chọn hữu ích hơn”. Để đánh giá sự tham gia của phụ nữ, người ta kết hợp tỷ lệ cán bộ phụ nữ cấp trung và cấp cao, tỷ lệ lợi tức của phụ nữ so với lợi tức quốc gia… Qua bản báo cáo ấy, người ta được biết có 10 quốc gia đứng đầu về số phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực kinh tế và chính trị: Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Canada, New Zealand, Hà Lan, Mỹ, Áo, Ý.
Trong vòng 20 năm qua, tại các nước Arập, tỷ lệ phụ nữ được xóa nạn mù chữ đã tăng 68%. Nhìn chung, hoàn cảnh của phụ nữ đã được cải thiện rất nhiều trong phần lớn các nước Arập. Ví dụ: người ta tính ra rằng ở cấp đại học, cứ 3 sinh viên thì có 2 sinh viên nữ, trong khi cách đây 20 năm, 3 nam mới có 1 nữ. 32 quốc gia đã có nhiều nữ sinh viên hơn nam sinh viên. Không những tỷ lệ xóa nạn mù chữ trong giới nữ đã gia tăng, mà nhiều người trong số họ còn đạt được những học vị cao hơn trước kia. Tại Phần Lan, tỷ lệ nữ sinh viên so với nam sinh viên là 139%, tại Na Uy: 116%, Pháp: 114%, Nhật: 66%, Iran: 47%, Togo: 22%. Tỷ lệ thoát nạn mù chữ của phụ nữ tại 3 nước: Uruguay, Jamaica và Nicaragua cao hơn so với đàn ông.
Từ khi có giải Nobel năm 1901, tính đến nay 5,6% số giải Nobel đã được trao cho phụ nữ. Nếu tính tất cả các lĩnh vực, số phụ nữ đoạt giải Nobel đã lên đến 48 người, trong đó phụ nữ đoạt nhiều nhất là về hòa bình và về văn học. Về y khoa, họ chiếm tỷ lệ 2,5%, hóa học: 3%, vật lý: 1,3%, còn về kinh tế đến năm 2012 mới có phụ nữ lần đầu đoạt giải Nobel.
Trong 193 đại diện thường trực ở Liên hợp quốc có 14 phụ nữ. 11% nhân viên cao cấp tại các cơ quan của Liên hợp quốc là phụ nữ. Tỷ lệ phụ nữ thay đổi tùy theo từng tổ chức: gần 0% với WTO (Tổ chức Thương mại thế giới), 2,4% với FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc), 21,5% với UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc)… Trong số 27 tổ chức quốc tế quan trọng nhất thì có 8 tổ chức do phụ nữ lãnh đạo.
Phụ nữ Úc và New Zealand được quyền bầu cử vào năm 1893, Phần Lan và Na Uy năm 1907, Anh và Đức năm 1918, Mỹ năm 1920, Pháp năm 1946. Phụ nữ Thụy Sỹ phải chờ tới năm 1971 mới được bầu cử, phụ nữ Liechtenstein thì tới tận năm 1984. Còn phụ nữ Arập chắc là sẽ phải chờ đợi lâu dài.
Từng có 50% phụ nữ trong Chính phủ Thụy Điển - đó là chính phủ đầu tiên trên thế giới đạt được sự cân bằng giữa nam và nữ. Kỷ lục thế giới về phụ nữ là dân biểu thuộc Phần Lan với 39%. Tiếp theo là Na Uy 35%, Thụy Điển 34%. Từ trước đến nay, chỉ có 29 phụ nữ được bầu vào chức vụ lãnh đạo một quốc gia hoặc một chính phủ (con số ấy không bao gồm các nữ hoàng hoặc nữ thủ tướng được bổ nhiệm, vì họ không phải do cử tri bầu lên). Hiện có 14 quốc gia trong đó phụ nữ là tổng thống hay thủ tướng. Về hình thức, quyền lực chính trị rộng lớn nhất do một phụ nữ nắm giữ đang thuộc Nữ hoàng Anh Elizabeth II: bà là nguyên thủ quốc gia của Anh và 18 nước khác: Canada, Úc, New Zealand…(các nước này trước kia là thuộc địa của Anh, bây giờ đã giành được độc lập nhưng vẫn quan hệ chặt chẽ với Anh). Tuy nhiên, lại có 55 quốc gia trong đó số ghế của phụ nữ tại nghị viện rất ít và thậm chí… chẳng có ghế nào. Ví dụ: gần 0% tại Kuwait và nhiều nước Arập khác; 1% tại Hàn Quốc, Congo, Togo; 2% tại Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Malta.
Có 41 nước đã không ký Công ước về việc loại trừ tất cả những hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (do Liên Hợp Quốc thông qua năm 1979). Tại nhiều nơi, phụ nữ và đàn ông không bình đẳng trước pháp luật - ví dụ: một người đàn bà Arập Saudi hoặc Iran không thể đi du lịch nếu không được người chồng ưng thuận. Những quốc gia không ký công ước nói trên đa số là các nước Arập và Hồi giáo (thuộc châu Á, châu Phi) cùng với Monaco và Liechtenstein (thuộc châu Âu).
Hiện có 70% những người nghèo khổ trên thế giới (tổng số lên tới 1,5 tỷ) là phụ nữ và tỷ lệ này còn gia tăng. Ngay cả một nước tiến bộ như Mỹ, 62% người nghèo là phụ nữ, trong khi đó năm 1940 thì tỷ lệ ấy chỉ có 40%.
Hiện nay, 60% trong số 130 triệu trẻ em không được cắp sách đến trường là các bé gái. Trong số 900 triệu người mù chữ trên thế giới có 2/3 là phụ nữ. Hơn 1 triệu bé gái vị thành niên - đa số ở châu Á - đã bị cưỡng bức đi làm gái điếm. Cứ 3 phụ nữ thì có 1 là nạn nhân của một vụ án gây ra bởi người tình hoặc bạn cũ. Phần lớn các nước ở Nam Mỹ luật pháp không trừng phạt tội giết vợ khi người chồng bắt quả tang vợ đang ngoại tình. Trường hợp đó cũng đã từng diễn ra tại Pháp cho tới năm 1975.
Cứ 3 phụ nữ thì có 1 khai rằng đã bị quấy rối tình dục trong thời còn là vị thành niên hoặc ở tuổi trưởng thành - con số này được ghi nhận tại phần lớn các nước đã được kỹ nghệ hóa. Cũng tại các nước ấy, cứ 6 phụ nữ thì có 1 bị cưỡng hiếp ít nhất là một lần trong đời.
Ở châu Phi, 80% những người làm ra thực phẩm là phụ nữ. Công cuộc cải cách ruộng đất và các dự án phát triển đều đặt dưới sự kiểm soát của những người đàn ông trong giới chính trị. Làng xã hoặc những trưởng gia đình luôn yêu cầu được thực hiện cơ khí hóa trong canh tác. Tuy nhiên, đem lại máy móc cho họ cũng vô ích, vì các chị em phụ nữ ở đây vẫn tiếp tục cày cấy theo phương pháp truyền thống!