Nhân kỷ niêm 130 năm ngày sinh của Bác: 19/5/1890 – 19/5/2020
TRANH, TƯỢNG, PHÙ ĐIÊU VỀ BÁC HỒ CỦA HOẠ SĨ ĐỖ NĂM
Họa sĩ Đỗ Năm- người được đào tạo đa ngành ở trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, đã thành công với các loại tranh lụa, sơn dầu, sơn mài, màu nước, bột màu, khắc nhôm, khắc gỗ, tranh ghép bằng nhiều vật liệu. Tranh của ông đã được trưng bày ở một số bảo tàng trong và ngoài nước, như: Nga, Nhật, Pháp, Thụy Điển… Nhưng điều làm nên tên tuổi của ông ở miền Tây Nam Bộ này là những bức tranh được ghép bởi chất liệu dơn giản mà thiên nhiên vốn có, như: hạt gạo, hạt lúa, hạt đậu, hạt mè, trái điệp... Độc đáo hơn là những tranh, tượng, phù điêu về Bác Hồ được ông tạo bằng tất cả tấm lòng ngưỡng mộ và kính yêu Bác hết sức sâu sắc.
Một lần nhìn thấy đống dây cáp điện thoại phế thải của Bưu điện Thành phố Cần Thơ có nhiều màu sắc, ông nảy ra ý tưởng: Dây điện là loại vật liệu bền chắc, nhập của nước ngoài, mỗi sợi cáp có tới mấy chục sợi nhỏ đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng… Nếu đem bán phế liệu thì uổng quá. Ông trộm nghĩ: có thể cắt ra, ghép lại thành một bức tranh theo những chủ đề nhất định thì sẽ rất bền. Đó cũng là học tập đức tính “tiết kiệm” của Bác Hồ- họa sĩ Đỗ Năm cho biết.
Tranh Bác Hồ làm bằng dây điện thoại cắt nhỏ
Năm 2006 Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Bến cảng Nhà Rồng đã đặt ông làm 40 bức tranh về Bác Hồ bằng nhiều chất liệu, trong đó có 31 bức tranh ghép bằng dây điện 9 màu khác nhau để trưng bày ở hai phòng tranh lớn của Bảo tàng, như: Bác Hồ và Bác Tôn, Bác Hồ đang gọi điện thoại, Bác Hồ tưới cây vú sữa, Bác vui Tết trung thu với các cháu… Trong đó có 4 bức khổ lớn (0,9m x 1,20m) và 27 bức khổ nhỏ (0,5m x 0,7m).
Để có được những bức tranh đó, ông đã phải sưu tầm, nghiên cứu rất nhièu tranh, ảnh, tượng về Bác Hồ của các nhà hoạ sĩ, nhiếp ảnh, điêu khắc trong và ngoài nước. Từ đó tạo nguồn cảm hứng, sáng tạo thêm để có được những chi tiết, màu sắc, làm sao không lặp lại “vết chân” của các tác giả đi trước, làm sao biểu hiện được sự trong sáng, giản dị, vĩ đại của Bác Hồ - “Người là Cha, là Bác, là Anh” (Tố Hữu). Khó nhất là việc thể hiện tâm hồn, trí tuệ của Người qua ánh mắt, vầng trán, chòm râu, mái tóc, dáng đi... Riêng bức tranh “Bác Hồ và Bác Tôn” rất sống động, ông tặng Nhà bảo tàng Tôn Đức Thắng ở thành phố Hồ Chí Minh, nay vẫn còn.
Bên cạnh những tranh về Bác tạo bởi chất liệu đơn giản ông còn có một phù điêu khắc nhôm khá ấn tượng. Đó là tác phẩm “Kết đoàn”- Bác Hồ vơí 54 dân tộc Việt Nam. Phù điêu này được gợi cảm hứng từ tấm ảnh Bác đang chỉ huy dàn nhạc giao hưởng chơi bài “Kết đoàn”. Bác chính là người “nhạc trưởng” vĩ đại của dân tộc ta. Sự đoàn kết của các dân tộc anh em sẽ tạo nên sức mạnh vô địch ở bất kỳ thời điểm lịch sử nào. Đúng như lời Bác dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”.
Trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2009 ở TP Cần Thơ, ông có bức vẽ “Bác Hồ về tới cột mốc biên giới 1941” rất ấn tượng, được trao giải đặc biệt. Cục Mỹ thuật- Nhiếp ảnh và Triển lãm của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chọn, đưa vào triển lãm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.
Phù điêu “Trường ca hai cuộc kháng chiến” được trổ lên một gốc gỗ mít cao 1,7m, đường kính 0,4m, thể hiện gần 1000 nhân vật, phương tiện, vũ khí chiến đấu của quân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Từ dân quân tự vệ, anh bộ đội Cụ Hồ đến các chiến sĩ giải phóng quân. Từ gùi, gánh, xe đạp thồ, ngựa, voi chuyển tải gạo, đạn dược, vũ khí lên chiến dịch Điện Biên Phủ đến các loại cơ giới hiện đại. Và trên cao nhất là hình ảnh Bác Hồ kính yêu- Người đã lãnh đạo dân tộc ta đánh thắng hai “đế quốc to” là Pháp và Mỹ.
“Hồ Chí Minh - Người cầm lái con thuyền cách mạng Việt Nam thế kỷ XX” là tác phẩm mỹ thuật hoành tráng sau hai năm lao động miệt mài (2011- 2012) ông hoàn thành quần thể tượng với 108 tượng khắc bằng gỗ cây quao, một loại gỗ rất bền, nhẹ, có nhiều ở miệt vườn Nam Bộ. Tác phẩm mang cảm hứng vừa hiện thực vừa lãng mạn, gợi nhiều liên tưởng mới lạ cho người xem, được bố trí thành 3 tầng chính và một tầng phụ (trong lòng tàu) trông như một con tàu cách điệu - biểu tượng hành trình đi tìm đường cứu nước của Bác.
- Tầng 1: Với 29 tượng, tái hiện cuộc sống cực khổ của nhân ta trước khi chưa có Đảng, những người nông dân bị địa chủ bóc lột, công nhân bị chủ đồn điền cao su đánh đập. Họ đã vùng lên đấu tranh, và Đảng đã ra đời (3/2/1930), đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập (22/12/1944).
- Tầng 2: Với 35 tượng mang chủ đề kháng chiến chống thực dân Pháp: “Tất cả cho tiền tuyến”, là hình ảnh các đoàn dân công với đủ lớp người, dân tộc vùng cao, vùng đồng bằng, vùng trung du, vùng biển… tải lương thực, súng đạn ra hỏa tuyến bằng các phương tiện thô sơ như: gùi, gánh, xe đạp thồ, ngựa thồ, voi thồ luôn phải trèo đèo lội suối. Bộ đội, thanh niên xung phong phá núi mở đường giữa thác ghềnh cheo leo. Có chiến sĩ khênh cối 80, vác súng qua cầu kéo tay nhau lên giữa dốc núi éo le, hiểm trở. Những chiến sĩ thông tin làm nhiệm vụ, anh nuôi khiêng chão hành quân. Bộ đội kéo pháo lên đồi cao Him Lam, quân ta tổng tấn công vào cứ điểm ở Điện Biên. Họa sĩ đặc tả ba gương mặt tiêu biểu: Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mại, Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng. Và hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm Decatri, chiến dịch Điện Biên toàn thắng.
- Tầng 3: Với 44 tượng khắc họa cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược vô cùng gian khổ, ác liêt. Bộ đội ta được trang bị hiện đại hơn, có mũ cối, mũ sắt, có xe tăng, đại bác, máy bay, tên lửa… Miền Bắc chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, nổi bật với trận “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm, Hà Nội hạ nhiều B52. Miền Nam kết thúc chiến tranh với hình ảnh chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng dinh Độc lập lúc 11giờ 30 phút trưa ngày 30/4/1975, cờ đỏ sao vàng tung bay trên dinh Độc Lập, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thỏa nỗi ước mơ của dân tộc.
- Trong lòng tàu chia làm 2 tầng nhỏ: Tầng 1 là bảo tàng Hồ Chí Minh với nhiều hiện vật. Tầng 2 là đền thờ Bác và các anh hùng liệt sĩ cả nước. Phía trước có hai câu: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” (Lý Thường Kiệt) và “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” (Hồ Chí Minh).
Trên đỉnh “con tàu” nổi bật chân dung Bác với đôi mắt tinh anh đang cầm vô lăng lái tàu tiến về phía trước như chào mừng thắng lợi hai cuộc kháng chiến. Hai trụ cột trước viết câu nói nổi tiếng của Người “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Hai trụ cột phía sau là lời dạy của Bác: “Trung với Đảng, hiếu với Dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Khi được hỏi ý định sáng tác quần thể tượng này, họa sĩ Đỗ Năm cho biết: “Tôi muốn mọi người hiểu hơn về công lao trời biển của Bác Hồ và sự hy sinh vô bờ bến của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến. Nếu tác phẩm này được một công ty hay một “mạnh thường quân”nào tài trợ để thể hiện bằng chất liệu đá sẽ trở thành một “địa chỉ văn hóa, lịch sử” nổi tiếng của cả nước cho mọi người tới tham quan, học tập để giáo dục truyền thống thì rất tốt”.
Họa sĩ Đỗ Năm bên tranh Bác Hồ bằng trái dừa
Năm 2011 ông đã vẽ Hình ảnh Bác trên trái dừa khô. Với 10 trái dừa to có kích thước suýt xoát nhau, đường kính khoảng 30cm, ông cặm cụi gần 6 tháng trời để vẽ nên 30 bức tranh về Bác (mỗi trái 3 tranh) làm nổi bật những hình ảnh tiêu biểu nhất về sinh hoạt đời thường và những lo toan về công việc cách mạng của Người, như: Bác Hồ với chiến sĩ, Bác Hồ với các cháu thiếu niên, nhi đồng, phụ nữ, nông dân, với khách nước ngoài, Bác tát nước chống hạn, thăm các lớp bình dân học vụ, Bác đi chiến dịch, Bác tập thể dục, đánh bóng chuyền, luyện quyền buổi sáng, Bác tưới cây vú sữa, cho cá ăn, đọc báo…Ông dùng chất liệu bột màu để vẽ sau đó phủ một lớp blactic để bảo vệ và tạo độ bóng.
Năm 2013 ông tiếp tục vẽ hình Bác trên trái bầu hồ lô, và hoàn thành phù điêu “Bác cưỡi ngựa đi chiến dịch”. Tác phẩm được ông khắc bằng lõi gỗ mít, cao 0,9m, dài 1,2m, thể hiện được phong thái ung dung tự tại, lòng tự tin và nỗi lo của Bác trong chiến dịch Biên giới 1950 ở Việt Bắc. Đây cũng là phù điêu chào mừng “Kỷ niệm 10 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương”.
Có thể nói ở miền Tây Nam Bộ ít có hoạ sĩ nào khắc hoạ hình tượng Bác bằng những chất liệu độc đáo như hoạ sĩ Đỗ Năm. Lòng kính yêu, ngưỡng mộ vị lãnh tụ vĩ đại cùng với tài năng là điều cốt lõi làm nên sự thành công ấy. Năm nay ông đã bước sang tuổi 80 nhưng trông vẫn còn sung sức trong sáng tạo nghệ thuật. Với gần 50 năm cầm cọ, cưa, đục ông đã cho ra đời hàng trăm tác phẩm về Bác Hồ phản ánh bằng ngôn ngữ hội họa một cách sinh động, sáng tạo về tài năng, đức độ, công lao trời biển của Người đối với dân tộc Việt Nam./.
LÊ XUÂN