Vừa qua, tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề: “Tiếp cận cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ”. Hội thảo do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Hội Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Cần Thơ tổ chức. Tham dự hội thảo có 80 đại biểu là các nhà khoa học, các giảng viên của các Viện, Trường, lãnh đạo của các Sở, Ban ngành thành phố Cần Thơ và các quận, huyện.
Quang cảnh hội thảo.
Báo cáo đề dẫn của hội thảo đã đặt vấn đề: Thế giới ngày nay đang chứng kiến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý. Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong CMCN 4.0 là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). CMCN 4.0 có có tốc độ phát triển và lan truyền nhanh hơn rất nhiều so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó. Phạm vi của CMCN 4.0 diễn ra rộng lớn, bao trùm, trong tất cả các lĩnh vực, và được dự báo sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý trên toàn thế giới, tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân,... Mặt khác, CMCN 4.0 sẽ tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức to lớn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc và các địa phương, các ngành nghề, lĩnh vực cũng như các cộng đồng, cá nhân, doanh nghiệp.
Việc tận dụng cơ hội của CMCN 4.0 theo tinh thần kết luận số 37-KL/TW của Hội nghị Trung ương 8 khoá XII về “Tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2018; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019” còn khá mới mẻ cả về nhận thức và thực tiễn. Thành uỷ Cần Thơ ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU “Về xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016 - 2025” như là một cách tiếp cận, là giải pháp cụ thể để tận dụng CMCN 4.0. Tuy nhiên, nhận thức của các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị của thành phố Cần Thơ về vấn đề này nhiều nơi, chưa thật sự thấu đáo. Từng ngành, từng cấp, từng địa phương, từng lĩnh vực tiếp cận và vận dụng những thành tựu của CMCN 4.0 như thế nào trong xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững. Đây là câu hỏi thiết thực đang đặt ra cần có lời giải đáp.
Để góp phần giải đáp những vấn đề trên, cuộc hội thảo đã được tiến hành nhằm đạt các mục tiêu:
Một là, tạo diễn đàn khoa học giữa các ngành, các cấp với các nhà khoa học để có sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn xoay quanh chủ đề hội thảo.
Hai là, cung cấp những thông tin đề cơ bản về cuộc CMCN 4.0 và xây dựng đô thị thông minh.
Ba là, gợi mở các ý tưởng, các giải pháp trong việc vận dụng CMCN 4.0 tại thành phố Cần Thơ.
Bốn là, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền về việc vận dụng cuộc CMCN 4.0 vào việc phát triển Kinh tế, xã hội và xây dựng thành phố Cần Thơ thành đô thị thông minh.
Trong thời gian chuẩn bị, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 28 bài tham luận từ những các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật thành phố Cần Thơ, Hội Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Cần Thơ, các trường đại học, chuyên gia các ngành, đoàn thể thành phố và một số quận, huyện. Sáu bài tham luận đã được tuyển chọn trình bày trong Hội thảo. Các tham luận tập trung nghiên cứu cơ bản, có hệ thống về CMCN 4.0; quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về CMCN 4.0 và xây dựng thành phố thông minh; cách tiếp cận, tận dụng có hiệu quả CMCN 4.0 trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đào tạo nguồn nhân lực; tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU “về xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016 - 2025” và “Đề án Xây dựng thành phố Cần Thơ thành đô thị thông minh giai đoạn 2016 - 2025” của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ. Hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp có tính sáng tạo, khả thi để thực hiện cuộc Cách Mạng Công nghệ 4.0 và xây dựng thành phố Cần Thơ thông minh.
Trần Hữu Hợp