THỜI CƠ ĐỂ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NỔ RA VÀ GIÀNH THẮNG LỢI
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Làm cách mạng phải biết dựa vào thời cơ và phải nhìn chung phong trào mọi nơi, mọi chốn mới chiến thắng”[1].
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin thì thời cơ trong cách mạng hay tình thế cách mạng có ba nhân tố chủ yếu sau: Thứ nhất, giai cấp thống trị đã suy yếu, khủng hoảng đến mức không thể tiếp tục thống trị bằng những phương thức cũ được nữa. Thứ hai, các giai cấp và tầng lớp bị trị bên dưới cũng rơi vào tình trạng cơ cực, bị bần cùng không thể chịu đựng được nữa, không thể sống nổi nữa. Mâu thuẫn đã gay gắt đến cực độ và quần chúng đã sẵn sàng đi tới hành động giải phóng. Thứ ba, tầng lớp, bộ phận trung gian, những người trí thức yêu nước có tư tưởng dân chủ tiến bộ, những người có tinh thần dân tộc, kể cả một bộ phận trong giai cấp hữu sản nhưng gần với quần chúng, nhận thức được xu thế lịch sử, ngả về phía cách mạng, khiến tương quan lực lượng có lợi cho phía cách mạng.
Từ những năm đầu thập niên 1920, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận ra: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú phải thúc đẩy cho thời cơ đến mau”[2].
Đến với ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[3]. Người chỉ rõ: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng, muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hi sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”[4]. Người cũng nói rõ thêm, Đảng cách mạng sẽ có nhiệm vụ “trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức, vô sản giai cấp ở mọi nơi”[5].
Chính từ những tiếp thu này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hợp nhất các tổ chức Cộng sản lại thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 2-1930. Sau 15 năm, trải qua các phong trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945, Đảng ngày càng trưởng thành. Đó cũng là những cuộc Tổng diễn tập, chuẩn bị tiền đề cho Đảng lãnh đạo nhân dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Trong Tuyên ngôn Độc lập đọc trước quốc dân đồng bào và bạn bè quốc tế tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) vào ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ nguyên nhân bùng nổ Cách mạng Tháng Tám là do “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” và đó là “những lẽ phải không ai chối cãi được” nhưng “hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”.
Đó là: “Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.
Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng.
Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, từ khi phát xít Nhật vào Đông Dương, nhân dân ta lâm vào tình trạng “một cổ đôi tròng”. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Người chỉ rõ: “Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng Minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”.
Tháng 5-1941, Đảng ta đã chủ trương thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, để thực hiện việc đại đoàn kết toàn dân tộc chống ngoại xâm và giành lại độc lập dân tộc. Khi viết về thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, nhà sử học Pháp Philippe Devillers, trong cuốn sách “Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952” nhận định: “Nó còn là kết quả logic của Việt Minh trong mọi khu vực của đời sống đất nước”[6].
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và sau đó là Việt Nam giải phóng quân được thành lập. Lời thề danh dự đầu tiên của đội viên Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có nội dung: “Xin thề: Hy sinh tất cả vì tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít Nhật-Pháp và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới”[7]. Đây chính là lực lượng sẽ làm nhiệm vụ đấu tranh vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân.
Tháng 6-1945, Đảng ta quyết định thành lập Khu giải phóng Việt Bắc. Đây chính là một minh chứng cho việc Cách mạng Tháng Tám luôn có một điểm tựa vững chắc để thắng lợi.
Cuối năm 1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở theo dõi, nắm bắt tình hình thực tiễn đã chỉ ra rằng: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp, ta phải làm nhanh!”[8]. Điều này cũng được Đảng ta nhận định: “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”[9]. Riêng đối với nước ta, Đảng ta nhận định, trong chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Pháp là một khâu yếu trong sợi dây xích của chủ nghĩa đế quốc thế giới. Trong hệ thống thuộc địa của Pháp thì Đông Dương là khâu yếu nhất. Ngay tại chính quốc, Pháp đã bị phát xít Đức xâm lược và phải lập chính phủ bù nhìn tay sai cho Đức. Ở Đông Dương, Pháp phải từng bước đầu hàng phát xít Nhật, cuối cùng bị Nhật truất quyền thống trị. Đây chính là cơ hội thuận lợi cho việc giải phóng dân tộc.
Đến khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), tuy thời cơ đã xuất hiện, song Đảng vẫn chưa quyết định phát lệnh Tổng khởi nghĩa, bởi “do cuộc đảo chính diễn ra quá nhanh, các tầng lớp đứng giữa chưa ngả hẳn về cách mạng, đội tiên phong còn đang lúng túng về chuẩn bị khởi nghĩa”[10]. Trong Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12-3-1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, có một đoạn đề cập như sau: “Dù sao ta không thể đem việc quân Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương làm điều kiện tất yếu cho cuộc tổng khởi nghĩa của ta; vì như thế là ỷ lại vào người và tự bó tay trong khi tình thế biến chuyển thuận tiện. Nếu cách mạng Nhật bùng nổ và chính quyền cách mạng của nhân dân Nhật thành lập hay nếu giặc Nhật mất nước như Pháp năm 1940 và quân đội viễn chinh Nhật mất tinh thần thì khi ấy dù quân Đồng minh chưa đổ bộ, cuộc tổng khởi nghĩa của ta vẫn có thể bùng nổ và thắng lợi”[11].
Do đó, ngay trong đêm 13-8-1945, nắm chắc quân đội Nhật sẽ đầu hàng Đồng Minh vì Liên Xô đã tham gia tấn công Nhật, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lúc này, thời cơ thắng lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”[12]. Tiếp đó, ngày 16 và 17-8-1945 (khi Nhật Bản đã đầu hàng Đồng Minh vào ngày 15-8-1945), Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào, tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng. Trong Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa (18-8-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”[13].
Ảnh: Mít-ting tại Nhà Hát Lớn Hà Nội để giành chính quyền ngày 19-8-1945
Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tóm tắt về diễn biến của Cách mạng Tháng Tám một cách cô đọng như sau: “Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa” và “Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng”.
“Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
“Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”.
Ảnh: Vua Bảo Đại thoái vị, trao ấn kiếm cho chính quyền cách mạng ngày 30-8-1945. Ảnh của Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên – Huế.
Đối chiếu cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại thì chúng ta thấy có những nét tương đồng trong việc chớp thời cơ. Đó là vào ngày 7-10-1917, khi tình hình trong nước Nga đã trở nên thuận lợi, thời cơ cách mạng bùng nổ và giành thắng lợi đã xuất hiện và đi vào chín muồi, V.I.Lênin bí mật trở về nước trực tiếp lãnh đạo vạch kế hoạch khởi nghĩa và dự kiến sẽ phát động tổng khởi nghĩa cướp chính quyền vào ngày 25-10-1917 (theo lịch cũ của Nga). Thế nhưng bọn phản động đã bí mật báo cho kẻ thù biết trước kế hoạch khởi nghĩa nên chính phủ tư sản phản động do Aleksandr Kerensky đứng đầu đã khẩn cấp đối phó. Việc chạy đua với thời gian để giải quyết vấn đề ai thắng ai lúc này là hết sức cần kíp, mau lẹ. Nếu chỉ chậm trễ một phút thôi cũng có thể thất bại hoàn toàn. Trước tình huống đó, V.I.Lênin chủ trương phải khởi nghĩa ngay trong ngày 24-10-1917, vì nếu để cách mạng diễn ra đúng như kế hoạch, tất yếu sẽ thất bại và Người nhấn mạnh: “Vô luận trong trường hợp nào, vô luận vì một lý do gì, cũng không được để chính quyền nằm trong tay Kerensky và đồng bọn cho đến ngày 25; việc đó phải giải quyết ngay chiều hôm nay hay trong đêm nay. Lịch sử sẽ không tha thứ cho những người cách mạng hôm nay có thể chiến thắng (và nhất định sẽ thắng lợi hôm nay) mà lại để chậm trễ, vì nếu đợi đến ngày mai thì không khéo sẽ mất nhiều, không khéo lại bị mất tất cả... Lịch sử tất cả các cuộc cách mạng đã chứng minh điều đó. Và những người cách mạng sẽ phạm một tội ác vô cùng lớn, nếu họ bỏ lỡ mất thời cơ”[14].
Do đó, chỉ với 5.000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, lật nhào sự áp bức, bóc lột của chế độ thực dân đế quốc và phong kiến. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cách mạng Tháng Tám đã thành công vì có được ba điều kiện không thể thiếu được đối với bất cứ một cuộc cách mạng phản đế nào ở một nước thuộc địa; đó là sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, sự thành lập một mặt trận dân tộc phản đế rộng rãi, khởi nghĩa vũ trang”[15] và “Đó là thắng lợi của đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, dân chủ của giai cấp công nhân, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến. Đó là thắng lợi của đường lối đoàn kết toàn dân, sử dụng bạo lực cách mạng để lật đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến. Đó là sự tài tình, sáng tạo của Đảng trong việc tạo thời cơ, nắm vững thời cơ, khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước”[16].
Đồng chí Trường Chinh, khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra và thắng lợi là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, cũng khẳng định: “Cách mạng Tháng Tám thắng lợi một phần nữa ở chỗ toàn dân đoàn kết, quần chúng nổi dậy... Nếu Đảng và Việt Minh không thống nhất được các tầng lớp đồng bào, không có uy tín trong nhân dân, không lãnh đạo được quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền, thì cách mạng có thể thất bại”[17].
NGUYỄN VĂN TOÀN
[1] Hồ Chí Minh: Tiểu sử, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2007, tr.264.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.28.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.435-436.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, t.2, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 304
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, t.1, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 268.
[6] Ph.Devillers, “Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952”, Nxb Seuil, Paris, 1952, tr 132. Dẫn lại từ cuốn “Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 - Ðoàn thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu”, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Nxb Lao động, Hà Nội, 1999, tr 473.
[7] Ban Nghiên cứu lịch sử quân đội thuộc Tổng cục Chính trị, “Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam”, t.1, Nxb.Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1977, tr 116-117.
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.3, Nxb.Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 506.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.7, Nxb. Chính trị Quốc, Hà Nội, tr. 100.
[10] Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, Sơ thảo Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Sự Thật, Hà Nội 1981, tr. 382.
[11] Văn kiện Đảng (1940-1945), t.7, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 373.
[12] Võ Nguyên Giáp, “Những chặng đường lịch sử”, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 196.
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb.Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.596.
[14] V.I.Lênin: Toàn tập, t.34, Nxb. Tiến Bộ, Mátxcơva,1976, tr.571-572.
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.53.
[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.629.
[17] Trường Chinh: Tuyển tập (1937-1954), t.1, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.312-313