KỶ NIỆM 131 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
----------------------------------------------------
NGƯỜI LÀ NIỀM TIN TẤT THẮNG
Trên đất nước Việt Nam ta và cả nhân dân trên thế giới, Hồ Chí Minh cái tên rất đỗi thân thương và gần gũi, như nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã nói “cái tên của vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta khi đọc lên bình thường đã nghe thấy trầm bổng bên trong bởi những âm bằng, trắc và thanh. Chúng ta còn gọi là vị Cha già dân tộc, Bác Hồ kính yêu hay cụ Hồ. Nhà thơ Tố Hữu đã viết “Người là Cha, là Bác, là Anh – trái tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ, hay Bác ơi tim Bác mênh mông thế, ôm cả non sông, mọi kiếp người”. Những tên gọi của Cụ Hồ Chí Minh không bó hẹp ở ý nghĩa gia đình, mà nó trở thành của toàn dân ta. Không thân thương sao được, bởi cho đến thời điểm này Bác là lãnh tụ duy nhất (có một không hai) được nhân dân cả nước yêu mến đặc biệt như Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ già đến trẻ, từ thế hệ này qua thế hệ khác đều kính yêu gọi người với hai tiếng giản dị, gần gũi nhưng rất đỗi thiêng liêng: Bác Hồ.
Ngoài ra Bác còn có 174 bút danh, bí danh khác, bởi từ Nguyễn Sinh Cung đến tên gọi Văn Ba khi ra đi tìm đường cứu nước, rồi trở thành Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Với hơn 30 năm hoạt động ở nước ngoài, Người đã qua 4 châu lục và 3 đại dương, đặt chân lên gần 30 nước, làm hàng chục nghề khác nhau để kiếm sống và hoạt động bí mật, gặp muôn vàn khó khăn gian khổ, bị bắt, bị tù đày. Do đó, Bác phải thay họ, tên, phải dùng bí danh, bút danh khác nhau. Và những bí danh, bút danh này gắn liền với hoạt đông cách mạng ở trong nước.
Chữ ký của Hồ Chủ tịch. Ảnh: VT
Với 30 năm bôn ba ở nước ngoài (1911-1941), tìm đường cứu nước, và gần 30 năm trực tiếp lãnh đạo nhân dân ta làm cách mạng chống thực dân Pháp và đánh đế quốc Mỹ. Tuy đã làm lãnh tụ của Đảng và là Chủ tịch nước, nhưng Bác vẫn sống một cách giản dị, khi về nước Bác ở hang Bắc Pó, Lán Nà Lừa để gần gũi với đồng bào, vận động nhân dân làm cách mạng. Về Hà Nội, Bác bí mật ở nhà 48 Hàng Ngang viết Tuyên Ngôn Độc Lập, có lúc Bác bí mật về Vạn Phúc viết Hịch toàn quốc kháng chiến, khi về tiếp quản Thủ đô, Chính phủ bố trí cho Bác làm việc và nghỉ ngay trong Bắc bộ Phủ, nhưng Bác từ chối và xin Chính phủ bố trí xuống ở nhà của thợ điện trước kia (nay là nhà 67, nơi đặt ảnh thờ Bác). Mãi năm 1958 (tức 17 năm kể từ khi về nước) Bác mới đồng ý về nhà sàn ở và làm việc.
Vì để toàn tâm và công sức lo việc nước nên Bác không lập gia đình. Bác nói rằng: Bác tuy không có gia đình riêng nhưng Bác có một gia đình rất lớn, đó là giai cấp công nhân toàn thế giới, là nhân dân Việt Nam. Suốt cả cuộc đời mình Bác chỉ lo cho dân, cho nước, công lao của Bác như trời biển, là con người ai cũng có những ước muốn, Bác cũng có ước muốn nhưng là ước muốn cao cả, thiêng liêng rằng: Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do,đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Thực hiện lời dạy của Bác - là lời non nước. Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã đánh đuổi bọn xâm lăng ra khỏi bờ cõi, qua 35 năm đổi mới, nước ta đã không ngừng phát triển, đời sống nhân dân ta đã được cải thiện đáng kể, công tác xóa đói, giảm nghèo có nhiều tiến bộ, được thế giới đánh giá là nước thực hiện tốt công tác này.
Tượng Bác Hồ tại Bến Nhà Rồng (ngày 05/6/1911 nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước). Ảnh: VT
Sinh thời Bác quan tâm đến mọi vấn đề của cuộc sống, đến các tầng lớp trong xã hội: Công nhân, nông dân, trí thức, bộ đội,công an, thiếu niên và nhi đồng, phụ nữ, đoàn thanh niên.... Mỗi khi đến thăm hay có dịp tiếp xúc là Bác hỏi thăm sức khỏe, tình hình công tác, học tập. Đồng thời Bác cũng động viên và ân cần dạy bảo chúng ta. Nhà thơ Tố Hữu đã viết “Bác sống như trời đất của ta, yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa. Tự do cho mỗi đời nô lệ, sữa để em thơ, lụa tặng già” hay những lời ca ngợi: Người không con mà có triệu con, nhân dân ta gọi người là Bác, cả cuộc đời vì nước vì non. Bác là tấm gương mẫu mực, lời nói đi đôi với việc làm, suốt cuộc đời làm việc của Bác, dù bận trăm công, ngàn việc của đất nước, đối nội, đối ngoại xong Bác đã 700 lần đi cơ sở, một kỷ lục thật hiếm có một lãnh tụ nào trên thế giới sánh kịp. Đến với nông dân, Bác cùng tát nước, bừa ruộng, lội đồng thăm lúa, đến các đơn vị bộ đội, các công trường, nhà máy, trường học, bệnh viên....Bác đi kiểm tra bếp ăn, nơi ở tập thể, vệ sinh xem có sạch sẽ, có đảm bảo sức khỏe không, rồi mới lên nghe các cơ quan, đơn vị báo cáo, nhằm hạn chế tình trạng báo cáo chỉ nói toàn việc tốt mà không nói việc yếu kém, khuyết điểm...(vì Bác đã biết hết rồi). Bác có một phong cách thật thật tuyệt vời, tiếp xúc với mỗi tầng lớp khác nhau, Bác dùng những ngôn ngữ, lời nói dễ hiểu, dễ nhớ, không văn hoa, dài dòng vì Bác biết trình độ và thời gian của họ có hạn, Bác đã tự mình góp ý chuyển Điều lệ hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc, từ văn xuôi chuyển diễn ca như ngâm kiều, để nông dân dễ nghe, dễ nhớ, nó đi vào lòng người để thúc dục họ chấp hành. Tương tự như vậy, Bác có 6 Điều dạy công an, 5 điều dạy hoc sinh, hay để động viên học sinh tích cực học tập Bác mong muốn “non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập ở các em”. Đối với nhân dân Bác rất quý trọng và nói rằng “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Đối với quân đội, với thanh niên, với người thầy thuốc, với báo chí...,Bác đều có lời khuyên hay nhắc nhở thật sâu lắng, thấm mát vào lòng mỗi người, từ đó mà phấn đấu góp công, góp sức vào công cuộc kháng chiến và kiến thiết đất nước. Trong di chúc thiêng liêng của Bác, Bác cũng đã nhắc nhở Đảng ta: Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, Bác quan tâm đế sự đoàn kết trong Đảng cũng như trong nhân dân “Các đồng chí từ trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội, hàng ngày nhân dân viếng Bác. Ảnh: VT
Có người sẽ hỏi rằng Bác nhắc nhở các ngành các cấp, còn trách nhiệm của Bác ra sao? chỉ những ai mơ hồ hoặc có ý xấu mới đặt câu hỏi ngớ ngẩn như thế. Cả thế giới đều biết rằng Bác của chúng ta sống, đấu tranh vì lý tưởng của dân tộc, đạo đức vì dân, suốt đời Bác phụng sự Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Bác đã từng nói “phận sự tôi như một người cầm lái phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bến bờ hạnh phúc của nhân dân”.
Bác của chúng ta đã đi xa? không, Bác đang nằm trong lăng vói giấc ngủ bình yên, Bác vẫn hàng ngày dõi theo mọi hoạt động của chúng ta. Con người bằng xương, bằng thịt không còn nữa, không còn làm việc, nói cười, nhưng hình ảnh thân thương của Bác vẫn gần gũi chúng ta, còn văng vẳng đâu đây lời nói của Người. Bác mất đi nhưng đã để lại cho chúng ta thời đại Hồ Chí Minh, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, một kho tàng lý luận vô cùng quý báu để Đảng ta kết hợp với chủ nghĩa Mác - LêNin làm kim chỉ nam xây dựng đất nước ta. Tổ chức Unesco đã công nhận Bác là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Như điếu văn do đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc tại lễ truy điệu Người “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.
Là người Việt Nam chúng ta tự hào vì có Bác, mỗi người chúng ta phải biết ơn, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác là suốt đời hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Ngày 18/5/2021
Viết –Trương