Ngày 28/7, tại thành phố Cần Thơ, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội) phối hợp với Liên hiệp Hội Cần Thơ tổ chức hội thảo “Xác định nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật ở trung ương và địa phương”.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: HA.
Tham dự hội thảo có trên 80 đại biểu là lãnh đạo Liên hiệp Hội các tỉnh, thành vùng Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và đại diện các sở, ban, ngành, hội thành viên thành phố Cần Thơ. TS. Phan Tùng Mậu – Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, TS. Trần Ngọc Nguyên – Chủ tịch Liên hiệp Hội Cần Thơ chủ trì hội thảo.
Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận, lấy ý kiến của các liên hiệp hội tỉnh/thành phố, là cơ sở quan trọng để Liên hiệp Hội Việt Nam có thể chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ cho Liên hiệp Hội ở trung ương và địa phương trong thời gian tới theo tinh thần kết luận 158-TB/TW của Ban Bí thư.
Ông Nguyễn Quyết Chiến, Trưởng Ban Tổ chức và Chính sách, Liên hiệp Hội Việt Nam đã khái quát lại các nhóm nhiệm vụ mà Liên hiệp Hội Việt Nam đã thực hiện từ khi thành lập đến nay và thay đổi thường xuyên để đáp ứng yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn, phù hợp với quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, với bối cảnh và lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là từ khi có Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị nêu rõ “Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội có hệ thống từ trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh HA.
Có gần 20 ý kiến của các đại biểu tại hội thảo đề xuất các nhóm nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước cần giao cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật ở Trung ương và địa phương thực hiện, cũng như các kinh nghiệm thực tiến tại các Liên hiệp Hội địa phương để tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ này. Đa số các đại biểu đều thống nhất 5 nhóm nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước cần giao Liên hiệp Hội thực hiện trong thời gian tới là:
Một là, Tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức KH&CN người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Tạo môi trường dân chủ, rộng mở để thu hút trí thức. Tăng cường các mối quan hệ giữa trí thức KH&CN với Đảng và Nhà nước;
Hai là, Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với trí thức; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của trí thức, làm cầu nối giữa trí thức với Đảng và Nhà nước. Thực hiện công tác chính trị, tư tưởng giúp trí thức KH&CN nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối với đất nước, dân tộc;
Ba là, Đề xuất, tham mưu cho Đảng và Nhà nước những vấn đề lớn về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, nhất là về KH&CN, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức;
Bốn là, Thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong quá trình xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; các chương trình, dự án, đề án lớn về phát triển KH&CN, giáo dục và đào tạo, kinh tế - xã hội trước khi cấp có thẩm quyền quyết định. Là đầu mối tổ chức các diễn đàn khoa học để trí thức có thể bày tỏ quan điểm và đóng góp ý kiến xây dựng chủ trương, chính sách phát triển đất nước cả ở Trung ương và địa phương.
Năm là, Truyền thông, phổ biến kiến thức KH&CN; tổ chức phong trào sáng tạo của quần chúng nhân dân, áp dụng có hiệu quả những tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống; tổ chức các giải thưởng, hội thi, cuộc thi sáng tạo KH&CN; phát hiện, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong hoạt động sáng tạo KH&CN.
Ngoài ra một số đại biểu còn đề xuất thêm Đảng và Nhà nước cần giao một số dịch vụ công mà các Hội có thể thực hiện tốt, cũng như các nhiệm vụ khác phù hợp với tình hình điều kiện thực tiễn tại mỗi địa phương./.
Hoài Ân.