//custa.cantho.gov.vn/files/images/tin-tuc/tet canh ty.jpg

Ngày xuân bàn về văn hóa ứng xử

Mừng đất nước đổi mới, Mừng Đảng quang vinh, Mừng Xuân Canh Tý 2020. Từ ngày 14/01/2020 (nhằm ngày 20 tháng chạp năm Kỷ Hợi), Ban biên tập trang tin điện tử Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Cần Thơ mở chuyên mục "Xuân Canh Tý 2020" để phục vụ bạn đọc các bài viết về Đảng, Bác Hồ và mùa xuân.

 

Ngày xuân bàn về văn hóa ứng xử

ĐỨC  TRỊ  VÀ  PHÁP TRỊ

 

Như chúng ta đã biết, cơ chế vận hành của Nhà nước ta là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Do đó, mọi công việc Nhà nước đã phát huy dân chủ một cách rộng rãi để: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Thể hiện quan điểm lấy dân làm gốc, ở góc đô khác ta lại thấy: Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân; Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nội hàm của nó vẫn là Nhà nước chuyên chính vô sản: dân chủ với nhân dân nhưng chuyên chính với kẻ thù và những phần tử chống đối lại nhà nước.

       Thực hiện các quan điểm trên, trong nhiều năm qua Nhà nước ta đã ban hành nhiều luật, bộ luật để vận hành nền kinh tế nói riêng, đất nước nói chung. Trước khi ban hành, đều lấy ý kiến rông rãi trong nhân dân, bao gồm các ngành, các cấp, các địa phương, các đoàn thể và các tổ chức xã hội...để chính sách ban hành được sát hợp, đi vào cuộc sống. Quy trình ban hành luật có tính đến thời gian in ấn, soạn thảo các Nghị định, Thông tư, công tác tuyên truyền...chuẩn bị mọi mặt chứ không áp đặt về thời gian. Nhìn chung chính sách, luật pháp của Nhà nước ta đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, tuy nhiên cũng còn một vài chính sách, quy định, chưa được chấp hành triệt để. Trong bài viết này chúng tôi chỉ xin đề cập đến một số chính sách được đại đa số nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh, và còn có chính sách việc chấp hành chưa nghiêm.

        Thứ nhất: Chỉ thị về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo (Chỉ thị 406-TTg ngày 8-8-1994 của Thủ Tướng Chính Phủ ): như chúng ta biết khi chưa có lệnh cấm thì trong vòng một tháng, trước, trong và sau tết đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm như: nổ kho pháo, xe pháo, làm chết người, đốt pháo bị cháy mặt, cháy tay, có người đốt pháo thảy ra đưởng làm tai nạn liên hoàn, gây chết người, bị thương...nhưng đã hơn chục năm qua những sự việc trên không còn nữa, không còn cảnh phải ma chay trong ngày tết vì pháo, các bệnh viện cũng bớt gánh nặng, ngành công an cũng bớt đi thời gian kiểm tra, phạt vạ...về pháo nổ. Đây là một thành công, thắng lợi của Nhà nước và nhân dân ta. Nhớ lại năm đầu nhiều người nghe nói cấm đốt pháo thì không vui, có người phản ứng cho là phong tục tập quán tết cổ truyến lâu đời,

Cây nêu tràng pháo, bánh chưng xanh

Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ

     Với  nhận thức tác hại của việc đốt pháo nên toàn dân đã ủng hộ và chấp hành tốt, thay vào đó là Nhà nước tổ chức bắn pháo hoa thì Tết Việt Nam cũng rất vui, an toàn, tiết kiệm .

      Thứ hai là: thực hiện đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông: ai cũng biết tai nạn giao thông ở nước ta các năm qua, có năm chín ngàn người, năm ít cũng bảy ngàn người chết ớ cả đường bộ, đường sắt và đường sông, trong đó tai nạn do ô tô, xe máy vì uống rượu bia và không đội mũ bảo hiểm  cũng khá lớn. Chúng ta nhớ lại năm đầu khi có Nghị định số 46 của Chính phủ, nhiều người cho là đội mũ bảo hiểm bất tiện, vậy đi đám cưới, đi vào bệnh viện thăm bệnh nhân,...phải đem mũ theo (để ngoài sợ mất) tuy nhiên mọi người thấy chủ trương đó là hợp lòng dân, có lợi cho chính bản thân mỗi người, nên đa số người tham gia giao thông đều tự giác đội mũ và mũ để tại xe mà không mất. Tuy cũng còn một số rất, rất ít nhất là vùng nông thôn còn không  đội mũ bảo hiểm khi chạy xe. Nếu việc chấp hành không đốt pháo là kết quả của ý thức xã hội cao thì viêc tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm là một thắng lợi mang tính nhân văn cao và tinh thần tự tôn dân tộc của nhân dân ta.

Người dân đội mủ bảo hiểm nghiêm chỉnh chấp hành Luật giao thông đường bộ

 

     Th ba: Luật phòng chống tác hại của thuốc lá (Luật số 09/2012/QH13 ngày 18/6/2012)

      Tác hại của thuốc lá thì ai cũng biết, truyền thông cũng nói nhiều, ngành y tế cũng tuyên truyền, khuyến cáo nhiều; người hút thuốc phải gánh chịu bệnh tật đã đành, lại còn reo rắc bệnh cho người khác (hút thụ động), nhất là ảnh hưởng đến trẻ em. Vậy mà tình trạng hút thuốc lá còn khá phổ biến trên phạm vi cả nước. Tuy chưa quan sát đầy đủ nhưng hình như chỉ có các bệnh viên là có bảng: bệnh viện không khói thuốc, hoặc bảng có ký hiệu cấm hút thuốc (No Smoking) còn các công sở hầu như không có bảng cấm hút thuốc. Số người hút thuốc còn quá nhiều, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp từ lãnh đạo đến cấp dưới ngồi đâu là khói um ở đó, nếu ai có gói thuốc thì chia nhau hút cho hết (chúng ta cùng hút) có người ngồi trong phòng lạnh cũng vẫn hút, những nơi công cộng như bến táu, bến xe, công viên...thì hút vô tội vạ. Nhiều người vừa chạy xe máy vừa hút, nhả  khói và tàn thuốc  vào mắt người đi  sau, có người đứng chờ đèn đỏ cũng tranh  thủ móc thuốc ra đốt. Tệ hại hơn họ hút thuốc ngay bảng cấm hút, hút thuốc ngay trước mặt hai ba anh công an khi đối tượng này vi phạm luật giao thông được công an mời vào bên đường làm việc. Thiết nghĩ hút thuốc chẳng có lợi gì cho sức khỏe, chẳng qua là thói quen (thói quen xấu), thói quen này hoàn toàn có thể bỏ được, nếu họ quyết tâm, họ thấy phiền hà cho xã hội, nếu họ có lòng tự trọng, tự giác nhận thức được hút thuốc là hành vi vi phạm pháp luật. Không phải chờ đến khi bị phạt mới thôi hút thuốc, nó tác hại từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ gia đình đến xã hội.

    Thứ tư : Luật phòng chống tác hại của rượu bia (Luật số 44/2019/QH14-ngày 14-6-2019) rượu, bia là thứ uống ít thì bổ, uống nhiều là vô bổ, uống đến say sỉn là có hại là tai họa khôn lường. Công bằng mà nói rượu, bia đã có hàng trăm năm nay, có lâu đời rồi, nó là chất kích thích tiêu hóa. Việc sử dụng nó phải có chừng mực, có văn hóa và giữ gìn phẩm chất đạo đức con người. Ông cha ta lâu nay vẫn dùng rượu, bia nhưng có chừng mực, ai uống được bao nhiêu thì tùy tửu lượng của mỗi người. Phụ nữ Việt Nam trước đây có ít người uống rượu bia, người nước ngoài họ cũng chỉ uống chừng mực, vài lon bia, vài cốc rượu mạnh. Nếu uống quá chén, uống quá nhiều, uống thường xuyên liên tục sẽ gây ra nhiều phiền toái cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội từ việc phải cấp cứu khi uống rượu bia gây tai nạn, đến việc chữa trị bệnh, đến hạnh phúc gia đình. Tóm lại từ rượu bia gây ra hai kiểu chết: chết tức tưởi, chết tức thì đến chết từ từ, chết dài dài,....

Đã uống rượu bia thì không lái xe

 

     Cái chết tức thì: do uống say sỉn lái xe gây tai nạn, tự mình chết và làm nhiều người chết liên hoàn, uống say sỉn, ép nhau hoặc gây gổ rồi đâm chém nhau đến chết, lợi dụng rượu bia về đánh đập, thậm chí chém giết vợ, con bạo hành cha mẹ, người thân, trả thù hàng xóm, láng giềng, uống say sỉn rồi quan hệ bất chính, xâm hại trẻ em, dính vào vòng lao lý. Nói chung hậu quả của rượu bia không sao kể siết...

      Việc hạn chế rượu, bia để hạn chế tai nạn giao thông và các tệ hại khác cũng đã được Nhà nước ta tuyên truyền, nhắc nhở từ nhiều năm qua, xong chúng ta thấy một thực tế là “phong trào” nhậu nhẹt ngày càng mạnh mẽ, rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ người già đến lớp trẻ vị thành niên từ thanh niên đến phụ nữ...,có thể kể ra một số loại tiệc tùng sau đây: đám hỏi, đám cưới, đầy tháng, thôi nôi, lễ khởi công, khánh thành, lên chức, lên lương, đám tang, đám giỗ, liên hoan tất niên, liên hoan khi tống cựu - nghênh tân...đám nào cũng linh đình, bia không thiếu, không say không về. Không phải chỉ có nam giới mới dô 100% mà chị em phụ nữ cũng vùng lên không kém. Đã đành là vui, đã đành là kinh tế khá lên thì phải tiêu dùng nhiều hơn, tiệc tùng lễ nghĩa nhiều lên, nhưng cái gì cùng vừa phải, uống phải có văn hóa, phải giữ gìn phẩm chất, đạo đức, phải tuân thủ pháp luật, phải giữ thuần phong, mỹ tục (không nên ăn hàng thúng, uống hàng thùng).

      Với từng ấy lễ lộc công với thói quen nhậu nhẹt, “không uống là không chịu được” vui cũng uống, buồn cũng nhậu. Với sức tiêu thụ bia của ngươi tiêu dùng như vậy đã đưa Viêt Nam là nước đứng đầu châu Á về tiêu thụ bia. Gắn liền với rượu, bia là tai nạn giao thông, mà nước ta số người đi xe máy và ô tô cũng chiếm đến 60-70% dân số. Nếu ai lái xe cũng say sỉn, đụng độ thì tai nạn diễn biến không thể lường trước được. Theo số liệu mới nhất mà ti vi đưa tin tối ngày 7/1/2020 chỉ mới tuần đầu Luật có hiệu lực, ngành công an kiểm tra nồng độ cồn đã xử lý gần 2.700 trường hơp đã uống rượu bia mà vẫn lái xe.

     Chúng ta đều biết sản xuất rượu, bia thuộc ngành công nghiệp nhẹ, sử dụng nhiều lao đông. Hàng năm đóng góp cho ngân sách nhiều ngàn tỷ tiền thuế, việc sản xuất vừa để xuất khẩu vừa phục vụ tiêu dùng trong nước, nên không phải cấm không cho uống, vấn đề cần nhận thức cho đúng là: đã uống rượu bia thì không lái xe, và nếu lái xe thì không được uống rượu,bia.

   Việt Nam chúng ta là dân tộc anh hùng đã từng đoàn kết đấu tranh chống giặc ngoại xâm, thắng giặc đói, giặc dốt, lập nhiều chiến công, kỳ tích khác, ghi dấu ấn trong lòng bạn bè quốc tế, đã từng chấp hành tốt qui định về không sản xuất và đốt pháo, đã chấp hành tốt việc đội mũ bảo hiểm khi đi ra đường...chắc chắn sẽ thực hiện tốt Luật đã uống rượu bia thì không lái xe và xóa được tai tiếng là nước uống nhiều bia nhất châu Á. Ông cha ta đã dạy: con ngưới ta nếu có tật thì không chữa được, nếu là bệnh thì chắc chắn chữa trị được, theo chúng tôi chữa bệnh nghiện rượu bằng cả hai phương pháp: pháp trị và đức trị.

     Về pháp trị: ngoài việc tuyên truyền nhắc nhở và cảnh báo của các cơ quan truyền thông, việc xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng ,nhất thiết phải có trách nhiệm của các bộ, ngành ở TW, UBND các địa phương, các hội, đoàn thể nhất là đoàn thanh niên và hội phụ nữ các cấp, phải tăng cường nhắc nhở các hôi viên, phát động phong trào thi đua hạn chế việc uống say sỉn. Đối với Đảng viên phải làm cam kết như cam kết không tham nhũng, công tác kiểm điểm, phê và tự phê phải liên hệ, phải đề cập vấn đề rượu bia,...nhằm góp nhần nâng cao hiệu lực của pháp luật,mặt khác phải tiếp tục xử phạt nghiêm minh đối vời viêc vi phạm luật khi có nồng độ cồn vượt quá qui định. Là công dân Việt Nam phải đề cao tinh thần: sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

     Về mặt đức trị: như ta biết gia đình là tế bào cùa xã hôi. Do đó, chúng ta vẫn hô hào phải kết hợp tốt giữa nhà trường, gia đình và xã hội để giáo dục học sinh. Vậy trong việc chống tác hại của rượu bia tại sao không kết hợp? Trong thực tế đời sống xã hội, nhiều  hành vi, tội lỗi dùng đức trị có hiệu quả tương đương hoặc hay hơn cả pháp trị. Đó là sự làm gương, sự giáo dục ngay trong từng gia đình (Cha con, vợ chồng, anh em nhắc nhở, khuyên răn nhau ), trong từng họ hàng, từng làng xóm, từng tổ dân phố cần bàn bạc để thực hiện tốt, vận động nhau không quá chén, say sưa, người nào không tuân thủ thì nhắc nhở, phê bình, nêu gương xấu để người khác tránh phạm sai lầm. Được biết một làng ở huyện Đakrông - Quảng Trị nhận thức được tác hại của rượu bia mà cả làng đã quyết tâm bỏ nó cả chục năm rồi.

    Nước ta đã trải qua ngàn năm bắc thuộc và trăm năm đô hộ của thực dân, phong kiến, có những qui định hà khắc nhưng mọi người phải chấp hành, mang tính giáo dục cao như: con gái nếu hoang thai thì bi gọt đầu bôi vôi, đóng bè chuối cho trôi sông để cảnh cáo, hay hoang thai bị làng bắt vạ-phạt tiền, quan tâm đến đạo đức như phụ nữ phải: công, dung, ngôn, hạnh, con cái phải có hiếu với ông, bà, cha, mẹ, phải tôn trọng lễ nghĩa, ai bất hiếu bị xã hội lên án, nguyền rủa...(trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn cón chơ chơ). Đạo đức của người thầy thuốc là phải cứu người, bất kể đêm hôm mưa rét không để ai phải chết. Đạo đức của người lái xe là không được cán chết súc vật, tài sản, tính mạng con người. Quân đội thì phải cầm súng chiến đấu chống kẻ thù để bảo vệ tổ quốc. Người công an phải cầm súng canh gác, phải lao vào chổ nguy hiểm, cháy nổ, cướp của để bảo vệ nhân dân… Đạo đức của con cái là không được ngược đãi cha mẹ...Tất cả những hành vi trái đạo đức, trái đạo lý sẽ bị quả báo đó là đức trị. Tóm lại trong bất kỳ lĩnh vực nào nếu phải kết hợp giữa đức trị và pháp trị sẽ đem lại kết quả tốt hơn thay vì chỉ dùng một phương pháp./.

                                                                                   VIẾT TRƯƠNG