MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH VỀ Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP
LTS: Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 02/9/1945.
Đây được xem là Bản Tuyên ngôn thứ 3 trong lịch sử Việt Nam sau bài thơ Nam Quóc Sơn Hà ở thế kỷ XI và bài Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi viết năm 1428.
Giá trị của bài Tuyên ngôn Độc lập này được nhiều học giả trong nước và quốc tế đánh giá cao. Chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả.
“Cách mạng tháng Tám nổ ra dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những cuộc cách mạng giải phóng dân tộc giành được thắng lợi sớm nhất sau chiến tranh thế giới thứ hai. Đó là một cuộc cách mạng kỳ diệu, lãnh đạo tài tình, trong có hai tuần lễ dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và từ đó đến bao thắng lợi to lớn khác về sau. Theo tôi, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người mang tình thời đại rất lớn, chứ không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với riêng dân tộc Việt Nam”.
GS. Sử học FURUTA MOOTO, Trường Đại học Tokyo, Nhật Bản.
“Tuyên ngôn Độc lập ngày mồng 2-9-1945 của Việt Nam nằm trong nguồn cảm hứng chủ yếu của một đường lối đấu tranh lớn, ra đời sau chiến tranh thế giới thứ hai: Đó là quá trình giành độc lập dân tộc trên phạm vi toàn cầu”.
Nhà sử học Na Uy STEN TONNESSON.
“Ôn lại những chặng đường oanh liệt và vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm giữ nước và dựng nước, chúng ta càng thấy rõ mối quan hệ mật thiết giữa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta với sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới trong suốt thời gian lịch sử từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, chúng ta càng thấy nổi bật những dòng chữ bất diệt, những tư tưởng lớn của bản Tuyên ngôn Độc lập, những tư tưởng lớn của dân tộc Việt Nam ta, những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đó cũng là những tư tưởng lớn của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân thế giới”.
Thủ tướng PHẠM VĂN ĐỒNG.
“Đây là bản Tuyên ngôn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa giành được độc lập bằng cuộc chiến đấu suốt 80 năm của dân tộc. Đây là những lời lẽ tâm huyết, đầy cảm kích của đội tiên phong giác ngộ nhất của giai cấp cách mạng nhất, có những người con tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp và của dân tộc, trước máy chém, trước miệng súng của quân thù, đã từng giật tấm băng đen bịt mắt, hô lớn: “Việt Nam độc lập muôn năm!
… Bản án chế độ thực dân Pháp đã có từ 30 năm trước đây. Nhưng hôm nay mới chính là ngày chế độ thực dân Pháp bị đưa ra cho toàn dân Việt Nam công khai xét xử. Lịch sử đã sang trang. Một kỷ nguyên mới bắt đầu! Bản đồ thế giới phải sửa đổi lại vì sự ra đời của một Nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa!”.
Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP.
“…Nhưng Độc lập mà Hồ Chí Minh muốn xây dựng là một nước độc lập, một nước chủ quyền theo kiểu cận đại. Từ “Độc lập” của ông bao hàm ý nghĩa xây dựng một quốc gia có chủ quyền, có lực lượng sánh vai được với các cường quốc trên thế giới. Ý tưởng của ông không chỉ xây dựng một chế độ dân chủ cộng hòa mà còn xây dựng nên hình ảnh của những con người mới đóng vai trò gánh vác quốc gia độc lập.
“Tự do” của Hồ Chí Minh rõ ràng chịu ảnh hưởng từ chữ “Tự do” trong khẩu hiệu “Tự do, bình đẵng, Bác ái” của cách mạng Pháp và quyền mưu cầu tự do của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Tự do của Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là đất nước được độc lập, nhà nước có chủ quyền và có quyền tự do phát ngôn, hoạt động trên trường quốc tế, mà phải là thứ tự do được từng người dân ca ngợi.
Nó cũng yêu cầu mỗi người dân ca ngợi quyền tự do đó phải trở thành chủ đề xây dựng từ dưới lê trật tự của nền cộng hòa, yêu cầu từng cá nhân phải có khả năng suy nghĩ, quyết định với tinh thần trách nhiệm cao. Nhà nước kiểu cận đại chính là nhà nước xây dựng được hệ thống giáo dục đào tạo ra được những con người như vậy, đồng thời có những thiết chế chính trị đi kèm đảm bảo cho việc giáo dục đó. Nước Cộng hòa của Hồ Chí Minh là Chủ nghĩa dân chủ kết hợp với Tự do.
Cuối cùng như được đề cập trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Hạnh phúc của Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng của ‘quyền mưu cầu hạnh phúc” trong Hiến pháp của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ chính là bản Hiến pháp đầu tiên viết rõ ràng về “quyền mưu cầu hạnh phúc”. Hạnh phúc là một từ có tính đa nghĩa, nhưng ý nghĩa của từng cá nhân có quyền mưu cầu hạnh phúc là một khái niệm hết sức mới mẻ của thời kỳ cận đại”.
GS.TS TSUBOI YOSHIHARU, Khoa Chính trị và Kinh tế,
Đại học Waseda, Nhật Bản.
“… Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của những bản yêu cầu gửi cho hội nghị Véc-xây mà Cụ Hồ đã viết năm 1919 và chương trình Việt Minh Cụ Hồ đã viết năm 1941. Hơn nữa bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của những bản tuyên ngôn khác của tiền bối như các cụ Thủ Khoa Huân, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và của nhiều người khác, của bao nhiêu sách báo truyền đơn bí mật viết bằng máu và nước mắt của những nhà yêu nước từ hơn tám mươi năm nay.
Bản Tuyên ngôn Độc lập là hoa là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường.
Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam.
Bản Tuyên ngôn Độc lập là một trang vẻ vang trong lịch sử Việt Nam. Nó chấm dứt chính thể quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức. Nó mở một kỷ nguyên mới dân chủ cộng hòa”.
TRẦN DÂN TIÊN.
“…Hồ Chí Minh luôn đặt sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam gắn liền với thời đại. Người nhắc đến hai văn kiện lịch sử ấy với lòng trân trọng đặc biệt của một trí tuệ lớn đối với sự phát triển của văn minh nhân loại, mà cách mạng giành độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 và cách mạng tư sản Pháp 1789 là những cột mốc lớn của lịch sử loài người. Đó là nền tảng để vị lãnh tụ của dân tộc việt Nam khẳng định rằng, chính cuộc cách mạng mà dân tộc Việt Nam đã giành được vào mùa thu năm 1945 là bước tiếp, đồng thời cũng là một cái cột mốc cho sự phát triển của lịch sử giải phóng con người, vì đó là mẫu hình đầu tiên và cũng là ngọn cờ của cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc nhỏ yếu thoát khỏi ách của chủ nghĩa thực dân cũ và mới”.
Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC
Trích “Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập” – NXB Văn hóa thông tin, năm 2009