Kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021)
HÃY GIỮ GÌN THÀNH QUẢ CÁCH MẠNG
Hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược, kéo dài suốt 30 năm (từ 1945 - 1975), nhưng đã kết thúc thắng lợi vẻ vang bằng chiến dịch “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn” (Tố Hữu). Chiến thắng Điện Biên Phủ đã vang vọng năm châu, chấn động địa cầu.
Hầm Đờ-Cát, Điện Biên Phủ. Ảnh: VT
Và chiến dịch 55 ngày đêm theo quân lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”, đã đánh cho những tên cướp nước ôm đầu máu chạy về nước, đập tan bộ máy của chính quyền Sài Gòn bán nước và quân đội hèn nhát, ăn bám của Ngụy, giang sơn thu về một mối, đất nước đã sạch bóng quân thù. Nhân dân ta chưa kịp nghỉ ngơi, chưa kịp bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh thì lại xảy ra chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc thì “tiếng súng reo vang trên bầu trời biên giới, toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới, quân xâm lược bành trướng dã man đã xâm lược mảnh đất tiền phương, lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp nẻo quê hương” (Phạm Tuyên).
Toàn Đảng, toàn quân và dân ta đã đã vâng lệnh Cha già, đem hết tinh thần và nghị lực, tính mạng và của cải, và dù có phải hy sinh nhiều của, nhiều người nhưng chúng ta quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Và kết quả đó, đã thành sự thật. Chiến tranh đã lùi xa ½ thế kỷ, đất nước ta đang vững bước đi lên Chủ nghĩa xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng ta vừa tiến hành Đại hội lần thứ XIII, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và tổng kết 35 năm đổi mới, xác định mục tiêu, phướng hướng nhiệm vụ đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước.
Mít tinh chào mừng Giải phóng Cần Thơ, Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: VT
Từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, nước ta đã có tên trên bản đồ thế giới, và trong vòng nửa thế kỷ qua nước ta đã có quan hệ với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực có trách nhiêm và uy tín. Với sự mở mang quan hệ, giao thương quốc tế, đã thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng tăng. Công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả. Sự hội nhập kinh tế thế giới làm cho kinh tế nước ta ngày càng tăng trưởng, ngay cả năm 2020 cả thế giới phải đương đầu với đại dịch Covid-19, nhiều nước tăng trưởng âm, nước ta vẫn tăng trưởng dương 2,91% , đời sông nhân dân ngày càng nâng cao, an sinh xã hội đáp ứng ngày càng tốt hơn. Có thể nói nhân dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành như nguyện ước của Bác Hồ, nhiều nhà có của ăn, của để, nước ta đã có gần chục tỷ phú.
Là người Việt Nam ai cũng thuộc câu “uống nước nhớ nguồn hay ăn trái nhớ người trồng cây”. Đất nước ta có được cơ đồ như ngày hôm nay, nhân dân ta có cuộc sống ấm no như ngày hôm nay là nhờ công ơn của hàng triệu người ngã xuống, họ chiến đấu chống lại kẻ thù để dành lại từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc. Đảng và Nhà nước, quân đội ta đã có nhiều cố gắng để bù đắp một phần mất mát đó như phong tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng, truy tìm hài cốt liệt sĩ, xây nhà tình nghĩa, xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng các trại nuôi dưỡng thương, bệnh binh. Những đồng đội, và từng gia đình liệt sĩ cũng đã bỏ nhiều công sức đi tìm hài cốt và tìm tên tuổi con em mình...nói chung là thực hiện chính sách hậu chiến tranh, Đảng, Nhà nước, quân đội, công an, nhân dân ta đã, đang và sẽ làm không sao kể hết công sức và kết quả.
Tuy vậy ta cũng không khỏi chạnh lòng, còn nhiều cảnh gia đình, mảnh đời bất hạnh do ảnh hưởng chất độc da cam, nhiều quân nhân và thanh niên xung phong, kết thúc chiến tranh trở về làng quê, không lập được gia đình, không có hạnh phúc, phải sống cảnh cô đơn. Có những người đi chiến đấu để dành lại đất nước nhưng về quê phải mua đất làm nhà (vì đất chỉ chia cho những người có hộ khẩu ở địa phương).
Ai cũng biết đất đai là tài sản quốc gia, là sở hữu toàn dân, vậy mà những thành quả thiêng liêng của tổ quốc – là của hồi môn mà ông cha ta, và của lớp lớp người nắm xuống qua nhiều cuộc chiến tranh để lại. Ngày nay, nó đang bị phá hoại, bị xâm phạm làm của tư của những kẻ hậu sinh có tiền; nào là bán đất vàng sai luật pháp chia nhau, nào là làm dự án ma, nào là xẻ thịt đất công chia nhau... Làm cho đất công phải đổi bằng xương máu và từ xương máu mà có ngày càng hao mòn, khi nhà nước muốn làm đường, làm công trình phúc lợi phải bỏ tiền ra bồi thường, giá gấp chục, gấp trăm lần, trong khi luật đất đai quy định cá nhân chỉ được quyền sử dụng (chứ không có quyền sở hữu).
Quan ngại hơn một số địa phương trên cả nước đã dùng đất đai – của hồi môn cho con cháu sau này bằng cách giao đất thu tiền sử dụng đất lâu dài, cho thuê...để lấy tiền bù đắp thiếu hụt ngân sách do để thất thu thuế công thương nghiệp, nợ đọng kéo dài, lỗ lã triền miên...để hoàn thành chỉ tiêu pháp lệnh. Nếu cứ đà này thì không bao lâu nữa, đất đai sẽ hết và chúng ta không còn gì để lại cho con cháu. Thiết nghĩ nhà nước cần điều chỉnh luật đất đai, đảm bảo việc quản lý, sử dung vào phục vụ quốc phòng va giữ yên bờ cõi, hạn chế đến mức thấp nhất đất công biến thành đất tư, làm giàu bất chính và hạn chế tình trạng sử dụng đất vào bù đắp thiếu hụt ngân sách như một số nơi đang làm. Được như vậy, đất đai mới thực sự là sở hữu toàn dân, chúng ta mới gìn giữ tốt thành quả cách mạng mà ông cha ta đã đổ xương máu, để dành lại cho ngày hôm nay./.
Ngày 20 tháng 4 năm 2021
XUÂN-BA