//custa.cantho.gov.vn/files/images/tin-tuc/8_3.jpg

Em về kẻo mẹ già mong

Nhân kỷ niệm ngày Phụ nữ Quốc tế 8-3:

 

   Ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước, chị em phụ nữ đã được giải phóng và bình đẳng với nam giới; được tham gia vào bộ máy lãnh đạo các cấp, nhiều chị em có công ăn việc làm. Tuy nhiên cũng còn một bộ phận nhỏ chị em vẫn còn thất nghiệp, hoặc tự kiếm kế sinh nhai bằng đủ mọi nghề. Và trong cuộc mưu sinh thường nhật, có biết bao cô gái tội nghiệp ở làng quê hay thị thành dấn thân vào chốn “đèn xanh, đèn mờ” vì gia cảnh khó khăn hay vì sở thích ăn chơi, buông thả. Họ đáng thương hơn đáng trách. Nhân ngày Phụ nữ Quốc tế mùng 8 tháng 3, Lê Xuân có bài bình thơ của nhà thơ Hà Chí Đạt như một lời nhắn gọi những cô gái ấy trở về thiện lương.

 

 

              EM GIỜ Ở ĐÂU?

               

       Thôi, về xóm cũ đi em

Lang thang nào dễ đã quen thị thành

       Nhà mình có một vườn chanh

Có ao rau muống tươi xanh suốt mùa.

       Làng mình có một ngôi chùa

Tiếng chuông thỉnh Phật, đến giờ… còn thơm

       Phải vì manh áo miếng cơm

Mà em nỡ để tuột luôn cuộc đời

       Tấm thân trao mấy tay người

Tình ai nén giữa tiếng cười nhẹ tênh?

       Giã từ năm tháng lênh đênh

Về quê ăn bát canh cần cũng ngon

       Giã từ ngày phấn đêm son

Về quê đi lối cỏ mòn vẫn thương.

       Con đường ngọc rải lẫn sương

Cái thời đi học … mình thường sóng đôi.

       Sao giờ em hóa xa xôi

Tuổi xuân thả cánh hoa trôi hững hờ.

       Về đi em! Mẹ vẫn  chờ

Quê hương vẫn đợi. Em giờ ở đâu?

 

 

Lời bình của Lê Xuân:

 

                    EM VỀ KẺO  MẸ GIÀ MONG

 

       Đã một thời, Nguyễn Bính – thi sĩ của chân quê buông lời nối tiếc: Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều. Em đi rồi em còn về theo tiếng gọi của hồn quê. Ngày nay trong cơ chế thị trường có hàng ngàn, hàng vạn kiểu mưu sinh bung nở như sao xa, biết bao cô gái ở thôn quê hiền lành, chất phác muốn đổi đời nhanh chóng đã chấp nhận làm dâu nước người, hoặc dấn thân vào chốn thị thành tới những quán ba, sàn nhảy, karaoke, bia lạnh trá hình để hành nghề trong những động của Tú bà, Tú Ông hiện đại. Bao xót xa tủi nhục phía sau những cuộc vui gượng, những trận cười và tiếng nhạc thâu đêm. Nhà thơ Hà Chí Đạt đã cất lời gọi: Em giờ ở đâu?

      Tiếng gọi như một câu hỏi lớn văng vẳng suốt bài thơ làm nhói đau con tim bao người. Anh đã vỗ về, an ủi em bằng con tim giàu tình thương như của một người ruột thịt:

                                  Thôi, về xóm cũ đi em

                         Lang thang nào dễ đã quen thị thành

Tiếng gọi cất lên trong lòng nhân vật trữ tình, thì hình ảnh em đã xuất hiện ngay trong tâm tưởng, đứng trước bức tranh quê đơn sơ mà đầm ấm: Nhà mình có một vườn chanh/ Có ao rau muống tươi xanh suốt mùa/ Làng mình có một ngôi chùa/  Tiếng chuông thỉnh Phật, đến giờ… còn thơ”. Vườn chanh, ao rau muống là những hình ảnh đã trở thành đặc trưng của làng quê trong ca dao, nhưng đặt vào văn cảnh này nó vẫn gợi được lên một nét chân quê đáng yêu. Nhưng khi hình ảnh ngôi chùa và tiếng chuông thỉnh Phật gióng lên trong ký ức, và bằng sự chuyển đổi từ thị giác, thính giác sang xúc giác thì câu thơ đã mở ra nhiều tằng nghĩa mới. Sự thanh tịnh của cõi Phật và tiếng chuông như một lời gọi thiết tha ân tình sẵn sàng cứu vớt, đón nhận  chúng sinh tội lỗi trở về với cõi tu tâm, diện dục. Đó cũng chính là tấm lòng thơm thảo, nhân đạo của cha ông từ xưa. Nhà mình, làng mình vẫn mong con em trở về và sẵn sàng chiêu tuyết cho em. Cuộc dấn thân của em vào chốn thị thành có phải vì miếng cơm manh áo hay vì những thú vui, những cảm giác lạ, có lẻ là cả hai đang cuốn xoáy em giữa dòng đời? Nhà thơ cứ tự hỏi mình  bằng một giọng triết luận nhẹ nhàng mà thấm thía, cố tìm ra một lời giải: Phải vì manh áo miếng cơm/ Mà em nỡ để tuột luôn cuộc đời/ Tấm thân trao mấy tay người/ Tình ai nén giữa tiếng cười nhẹ tênh?

      Cùng với tứ thơ này, nhà thơ Trần Vũ Long trong bài Về đi em cũng đã bình luận : Vui gì điệu nhạc hằng đêm/ Đẹp gì váy áo đỏ đen thêu thùa/ Thú gì kẻ đón người đưa/ Sang gì những thứ của thừa trao em. Có những cuộc mưu sinh phải trả bằng máu và nước mắt. Lẽ nào em để tuổi thanh nữ của mình tuột trôi đi theo những tiếng cười nhẹ tênh của thượng đế ném ra cùng với những đồng tiền tanh  hôi mua bán hoan lạc Lời an ủi vỗ về giục giã hơn, thiết tha muốn em hoàn lương. Nhà thơ đã tái hiện lại bao kỷ niệm đẹp của một thời gian khổ ở làng quê, những buổi đến trường tung tăng tà áo trắng: Giã từ năm tháng lênh đênh/ Về quê ăn bát canh cần cũng ngon/ Giã từ ngày phấn đêm son/ Về quê đi lối cỏ mòn vẫn thương/ Con đường ngọc rải lẫn sương/ Cái thời đi học … mình thường sóng đôi.

Bát canh cần của làng quê đã từng đi vào ca dao: Có con mà gả chồng gần/ Có bát canh cần nó cũng đem cho. Mẹ vẫn hằng mong đợi, nhưng điều đó giờ đây đã trở nên xa xôi làm sao. Phấn son rồi sẽ tàn phai, tiền bạc sẽ hết, nhưng con đường quê, mái trường xưa vần còn đo,ù mãi mãi khắc đậm trong ký ức một hình ảnh đẹp mình thường sóng đôi. Tiếng gọi của anh, tiếng gọi của làng quê, tiếng gọi của kỷ niệm, em có nghe chăng, giờ này em ở đâu mà xa vời thế?

                                 Sao giờ em hóa xa xôi

                       Tuổi xuân thả cánh hoa trôi hững hờ.

      Đối lập những cái đã qua với những cái bây giờ, anh  muốn níu kéo em trở về, giữ lấy tuổi thanh xuân khỏi tuột dài xuống hố sâu của cuộc đời. Mẹ và quê hương vẫn mỏi mòn mong đợi: Về đi em! Mẹ vẫn  chờ/ Quê hương vẫn đợi. Em giờ ở đâu?  Nhà thơ Trần Vũ Long cũng đồng cảm với tứ thơ của Hà Chí Đạt:

                                  Mau về với mẹ đi em

                           Đêm ngày mẹ đợi bạc thêm mái đầu.

      Em giờ ở đâu? không chỉ là một câu hỏi tu từ, mà đó là tiếng nói tâm tình, là lời mong đợi đến khắc khoải, là tiếng kêu cứu hay lời cảnh báo của nhà thơ gửi tới những người em đang còn đắm mình trong chốn phấn son, những nơi hành lạc, hãy mau trở về với vườn chanh  quê nhà. Bài thơ còn là sự hoài vọng, tiếc nuối những gì là chân quê đã mất, nó còn là một tiếng chuông thức tỉnh chúng ta trước sự băng hoại về mặt đạo đức và nhân cách của những ai đang chạy theo tiếng gọi của đồng tiền, và của những dục vọng thấp hèn./.

 

                                                               LÊ XUÂN