ĐƯỢC VÀ CHƯA ĐƯỢC TỪ LỄ HỘI BÁNH DÂN GIAN
PHAN THỊ ANH THƯ
Đến hẹn lại lên. Cứ vào thời điểm tháng 4 hàng năm, TP Cần Thơ lại nô nức tổ chức lễ hội bánh dân gian Nam bộ vừa để quảng bá những món ăn ngon, độc đáo mang đậm nét văn hóa dân gian được truyền dạy qua nhiều thế hệ; vừa giới thiệu đến công chúng hình ảnh, phong tục, tập quán đất và người phương Nam nói chung, TP Cần Thơ nói riêng. Năm nay lễ hội sẽ bát đầu từ ngà 12 đến hết ngày 16/4/2019 trùng với ngày giỗ tổ Hùng Vương (mùng 10/3 âm lịch) và tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer.
* Năm nay với chủ đề “Hương sắc phương Nam", Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ 8 năm 2019 có trên 220 gian hàng trưng bày, giới thiệu các loại bánh dân gian, ẩm thực dân gian, đặc sản các vùng miền của 19 tỉnh thành trong cả nước, chủ yếu vẫn là các tỉnh khu vực ĐBSCL. Ngoài ra tham gia lễ hội còn có sự góp mặt của các thợ nấu ăn nổi tiếng đến từ các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ý, Pháp, Malaysia, Singapore, Thái Lan…
Theo chị Phan Kim Ngân, nghệ nhân làm bánh quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) thì: “bánh dân gian là tài sản quý giá của dân tộc; di sản của quốc gia; vì vậy lớp lớp cháu con cần ra sức giữ gìn, truyền dạy cho lớp lớp cháu con. Nếu để thất truyền là có lỗi với tiền nhân, quê hương, đất nước”.
Chính từ những suy nghĩ nhân văn ấy mà hiện tại đã có hàng trăm loại bánh dân gian được lưu giữ đến bây giờ bằng sự cộng đồng trách nhiệm của mọi người. Điều đáng mừng là giới trẻ ngày càng quan tâm đến lĩnh vực học hỏi, chế biến, lưu truyền các loại bánh dân gian.
Em Chung Thị Thúy Uyên, sinh viên trường Cao Đẳng Cần Thơ cho biết: “ Em và nhiều bạn rất quan tâm đến nghệ thuật làm bánh dân gian để vừa tìm hiểu những kinh nghiệm chế biến của người xưa, vừa quảng bá thức ăn của dân tộc mình. Từ đó mỗi năm chúng em đều tham gia lễ hội nầy”.
* Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tỏ ra lo lắng nhiều vấn đề khá bức xúc và hoàn toàn có cơ sở. Trước tiên phải nói đến qui mô tổ chức rất hoành tráng, số lượng nghệ nhân, số đơn vị, số bánh dân gian ngày càng nhiều, đa dạng, phong phú nhưng lượng khách thực sự quan tâm đến giá trị tinh thần của các món ăn còn rất hạn hẹp. Một số du khách chưa thật quan tâm đến xuất xứ, cách chế biến, nguyên liệu thực hiện các món ăn. Việc bố trí các khâu biểu diễn còn chưa khoa học. Cạnh đó các họat động phụ trợ khác tại lễ hội còn quá đơn điệu châm đổi mới chỉ thường là các hội thảo đơn thuần; các hội thi chưa có sức thuyết phục cao với du khách.
Điều đáng lo ngại nhất đã là bánh dân gian thì phải giữ hồn cốt dân gian chính thống không pha lẫn, cách tân giữa cái cũ và cái mới để nhạt nhòa tính dân gian truyền thống. Xin đơn cử như việc dùng các loại dây ni lông để cột các loại bánh tét, bánh ít, (đúng ra phải dùng dây chuối xé nhỏ). Bên cạnh đó là một số người đã dùng các loại chất đốt hiện đại như : Bếp ga, bếp từ, bếp điện để nấu nướng, chế biến, biểu diễn các món ăn (đúng nghĩa là phải đun nấu, chế biến bằng nguyên liệu truyền thống như: trấu, củi, lá dừa…). Một số nghệ nhân đã cho thêm những gia vị, nguyên liệu không giữ nguyên cách pha trộn truyền thống)…Mặt khác, nhiều nghệ nhân chưa chuyển tải hết những kinh nghiệm quý báu, những “ bí quyết” do người xưa truyền lại.
Một bất cập khác là việc truyền dạy cho lớp trẻ cách nấu nướng, pha chế các loại bánh dân gian hiện nay hầu như không thể thực hiện. Cụ thể như rất hiếm hoi các cơ sở truyền dạy, phổ biến một cách chuyên nghiệp. Từ đó lớp trẻ thường chỉ tìm hiểu, học hỏi qua các lần lễ hội một cách vội vã, qua loa.
Nên chăng các ngành hữu quan, người quan tâm đến lĩnh vực nầy cần tính toán chu đáo hơn, chặt chẽ hơn để những loại bánh dân gian truyền thống không bị mai một theo dòng thời gian.