//custa.cantho.gov.vn/files/images/tin-tuc/qc hn.jpg

Diễn đàn phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long năm 2020

Ngày 28/10/2020 tại thành phố Cần Thơ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội) tổ chức Hội nghị “Diễn đàn phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long”. Tham dự và chủ trì Hội nghị có TS. Nghiêm Vũ Khải – Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, ông Trương Viết Hùng – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Cần Thơ cùng đại diện các sở, ban ngành, Liên hiệp Hội các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các Viện, Trường Đại học, các doanh nghiệp.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: HA.

 

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất rộng lớn chiếm 13% diện tích (40.547 km2), 18% dân số cả nước (gần 17,3 triệu người), mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam: đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công. Tuy nhiên ĐBSCL vẫn có mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức trung bình cả nước. ĐBSCL hiện đang đối mặt với nhiều thách thức từ các hoạt động phát triển đập thủy điện ở thượng nguồn, biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt là từ sau Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL, vùng đất này đã có sự phát triển rõ rệt, đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ, đảm bảo phục vụ tốt hơn cho các hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện; đã khẳng định được vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và cây ăn quả hàng đầu của cả nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể phục vụ phát triển đất nước.

Tại Hội nghị các diễn giả đã trao đổi, thảo luận và đề xuất nhiều vấn đề liên quan đến các chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL như: phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước ở vùng Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, làm các hồ chứa nước, hạn chế sử dụng nước ngầm, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa về vấn đề kinh tế vùng, vấn đề đầu tư công, nhất là giao thông vận tải, các giải pháp quy hoạch phát triển tổng thể ĐBSCL,…

 

Hoài Ân.